Hơn 500 VĐV tranh tài tại giải Vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật
(Dân trí) - Với tinh thần vượt lên chính mình, hơn 500 VĐV khuyết tật đến từ 21 tỉnh, thành phố đã tranh tài tại giải Vô địch quốc gia các môn điền kinh, bắn cung, judo khiếm thị, boccia người khuyết tật ở TPHCM.
Trước đó, sáng 23/4, tại Trung tâm Thể dục thể thao quận 8 đã khai mạc Giải Vô địch quốc gia các môn điền kinh, bắn cung, judo khiếm thị, boccia người khuyết tật năm 2024 do Cục Thể dục thể thao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Ủy ban Paralympic Việt Nam tổ chức.
Cuộc thi thu hút sự tham gia của 500 vận động viên đến từ 21 tỉnh, thành phố. Trong đó, chủ nhà TPHCM có sự góp mặt của 200 vận động viên người khuyết tật tham gia. Các vận động viên sẽ tranh tài ở các môn thi đấu như: Điền kinh, bắn cung, judo khiếm thị và boccia.
''Tham dự cuộc thi được gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ, tôi cảm thấy cuộc sống yêu đời hơn. Đến với thể thao, tôi cảm thấy rất khỏe mạnh và hạnh phúc. Trước đây, thời gian đầu tôi phải đi từ 4h sáng lên Hà Nội để kịp tập luyện. Tại giải đấu này tôi luôn đề cao tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ và tinh thần vượt lên chính mình'', anh Trần Phúc Đạt (40 tuổi, Hưng Yên) nói.
Hơn 20 năm gắn bó với thể thao, anh Đạt đã giành được hơn 20 huy chương vàng tại các giải đấu quốc gia. Năm 2019, anh Đạt cũng vinh dự góp mặt tại giải Marathon thế giới ở Hàn Quốc và đạt thứ hạng 26/64.
Thông qua kết quả thi đấu để xem xét, tuyển chọn các VĐV có thành tích tốt, chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 13 và cọ xát trước thềm Paralympic Paris 2024.
Trong khuôn khổ cuộc thi, VĐV khiếm thị được thỏa sức thể hiện khả năng của bản thân cùng với huấn luyện viên dẫn đường. Ngoài rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe đây còn là cơ hội để người khuyết tật cống hiến tài năng cho thể thao nước nhà, tự tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Tại giải này, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam phối hợp với BTC cử 5 trọng tài quốc gia tham gia công tác điều hành chuyên môn tại giải.
''Vừa là huấn luyện viên, vừa là người dẫn đường, lúc đầu tôi chưa quen nên bị lạc nhịp khiến quá trình tập luyện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi tập cùng nhau nhiều nên chạy thoải mái và đều hơn trước. Trong cự ly 200m, chúng tôi đã cố gắng dốc sức cùng nhau mà không màng đến phần thưởng cuối cùng'', anh Nguyễn Ngọc Hiệp chia sẻ.
Trong nội dung ném lao, VĐV Nguyễn Thị Hải đã dành được kết quả ngoài mong đợi của mình. Trước đó, tại Para Games 11 tổ chức ở Indonesia vào năm 2022, cô đã giành 3 HCV. Sở trường của Nguyễn Thị Hải là các nội dung ném ngồi như: ném lao, ném đĩa hay đẩy tạ.
Cuộc thi được diễn ra từ ngày 23/4 đến 27/4, tại 04 địa điểm khác nhau tương ứng với các môn thi đấu: tại sân vận động quận 8, Trung tâm TDTT quận Gò Vấp, Nhà Tập luyện Thể thao Phú Thọ và Trung tâm Văn hóa thể thao quận 12.
Các tuyển thủ tham gia tranh tài ở 178 nội dung thi đấu đa dạng. Ban tổ chức đảm bảo cho VĐV có môi trường an toàn, chuyên nghiệp và thỏa sức được thể hiện tài năng của bản thân mình.
Để hỗ trợ các VĐV khuyết tật tham gia cuộc thi, nhiều bạn trẻ và tổ chức tình nguyện cũng có mặt từ rất sớm để phục vụ công tác thi đấu.
Ông Châu Thành Toàn, trưởng nhóm tình nguyện SV07 chia sẻ: ''Chúng tôi rất vinh dự khi được giúp đỡ các vận động viên có hoàn cảnh khó khăn. Tôi cùng các bạn trong nhóm đã chuẩn bị nước và luôn túc trực trên sân để hỗ trợ các vận động viên khi cần thiết''.
Giải nhằm đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2021-2030; tuyên truyền, động viên, khuyến khích người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tự tin, hòa nhập cộng đồng.
Qua cuộc thi, nhiều VĐV khuyết tật đã thể hiện được lòng quyết tâm, kiên trì và sự cố gắng không ngừng. Họ rèn luyện cơ thể và tinh thần mỗi ngày để vượt qua những thách thức, khó khăn và vượt qua sự cản trở của bản thân và môi trường xung quanh.