Hội thảo “Vì tương lai của bóng đá Việt”: Những ý kiến xa rời thực tế
(Dân trí) - Hội thảo diễn ra sáng nay (27/11), tại TPHCM, với khá nhiều ý kiến đóng góp từ những người từng hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Tuy nhiên, có thực tế rằng một số ý kiến trong số đấy lại chưa phù hợp với sự chuyển động của bóng đá toàn cầu.
Dĩ nhiên, vấn đề nổi cộm hiện tại của bóng đá Việt Nam là giải V-League nhiều bất cập. Trong đó, tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” được nhắc đến. Có đại biểu cho rằng tình trạng trên làm cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam, làm cho doanh nghiệp không muốn đầu tư vào bóng đá, với tâm lý cuộc chơi không còn sòng phẳng.
Vấn đề trọng tài, sự yếu kém trong hoạt động của Hội đồng HLV quốc gia cũng được nói đến. Theo HLV Lê Thuỵ Hải, Hội đồng HLV quốc gia cần có đóng góp nhiều hơn cho HLV đội tuyển quốc gia, có sự liên hệ và tương tác giữa các bên nhiều hơn.
Dù vậy, ngay chính tại Hội thảo diễn ra sáng nay, vẫn còn một số ý kiến dù là đóng góp nhưng chưa đúng với thực tế, chưa theo sát thời sự bóng đá quốc tế, cũng như đi ngược lại với thông lệ quốc tế.
Ví dụ, có ý kiến cho rằng tại sao so với 6 nhiệm kỳ trước, ở nhiệm kỳ 7 của VFF đang hoạt động, các chuyên gia bóng đá, các cựu cầu thủ, HLV trong bộ máy VFF đang dần ít đi.
Ý kiến này là ý kiến không hợp với thời sự bóng đá quốc tế, cũng như không đi theo xu hướng chung của guồng quay bóng đá toàn cầu.
Bởi, thực ra thì bộ máy các liên đoàn bóng đá trên thế giới theo xu thế chung là tăng sự góp mặt của những người hoạt động ở nhiều giới khác nhau, thuộc nhiều mảng khác nhau, tham gia đóng góp để các liên đoàn bóng đá theo kịp mặt bằng chung của xã hội, giảm đi số người xuất thân đơn thuần từ giới bóng đá.
Ngay cả ở các liên đoàn bóng đá quốc tế, gồm FIFA, AFC và các liên đoàn bóng đá cấp quốc gia tiến bộ trên thế giới, vai trò và sự tham gia của những người xuất thân từ giới bóng đá ngày một ít đi.
Hiện tại, các liên đoàn bóng đá trên thế giới đề cao vai trò quản trị của các thành viên tham gia liên đoàn, chứ không phụ thuộc vào số lượng những người xuất thân từ giới bóng đá có mặt ở liên đoàn đấy.
Ngay ở Ban chấp hành (BCH) VFF hiện tại, số lượng các uỷ viên liên quan đến các đội bóng hiện vẫn quá nhiều, cần giảm thêm nữa. VFF nhiệm kỳ tới cũng cần nhiều hơn những uỷ viên thuộc các giới, các ngành khác nhau tham gia vào bộ máy, để cải thiện khâu điều hành nói chung của VFF, theo xu thế quốc tế, chứ không nên tăng số lượng thành viên chỉ đơn thuần chỉ hoạt động hoặc từng hoạt động trong lĩnh vực bóng đá.
Ví dụ, như việc các uỷ viên BCH VFF vừa là chức sắc ở các CLB, vừa tham gia công tác định hướng bóng đá Việt Nam là không đúng nguyên tắc của FIFA.
Đơn cử như chuyện khó có sự khách quan nếu như bầu Đức vừa là phó chủ tịch VFF, vừa là ông chủ của CLB HA Gia Lai, các uỷ viên Lê Nguyên Hồng (CLB Quảng Nam), Bùi Xuân Hoà (SHB Đà Nẵng), Nguyễn Hồng Thanh (SL Nghệ An)… sẽ bị mang tiếng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nếu vừa có chân trong BCH VFF, vừa trực tiếp điều hành các CLB.
Vừa qua, chính họ cũng bị mang tiếng khi có những vấn đề nhạy cảm liên quan đến đội bóng của họ, xung quanh những phát biểu, hoặc những hành vi bạo lực của các thành viên trong các đội bóng có chức sắc là uỷ viên BCH VFF, xảy ra tại V-League.
Khi những vấn đề nhạy cảm xuất hiện nơi các đội bóng được quản lý bởi các uỷ viên BCH VFF, các ban chức năng của chính VFF rất khó xử lý và rất khó để dư luận nhìn vào và nhìn thấy sự khách quan ở đấy.
Thành ra, có hay không có các thành viên xuất thân từ giới bóng đá tham gia vào VFF chưa quan trọng bằng khả năng quản trị, khả năng đóng góp thực tế của chính những nhân vật tham gia VFF.
Ngoài ra, Hội thảo sáng nay cũng thiếu nhiều đại diện của các đội bóng, khiến cho thiếu đi những ý kiến mang tính thời sự bóng đá nội, mà đại diện các đội bóng chính là những người trải qua hàng ngày.
Kim Điền