1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Đội tuyển Việt Nam và lỗ hổng ở khâu phòng ngự từ xa

(Dân trí) - 3 bàn thắng vào lưới Indonesia khiến nhiều người chú ý, nhưng cũng không nên bỏ qua 2 pha để thủng lưới của đội tuyển Việt Nam trước chính đội bóng xứ vạn đảo. Và việc Hoàng Thịnh không thể ra sân để lại khoảng trống khá lớn ở khâu phòng ngự từ xa.

Việc Hoàng Thịnh chấn thương, còn Huy Hùng chưa kịp bình phục thể lực vô tình để lộ ra khoảng trống nơi hàng tiền vệ của đội tuyển Việt Nam. Khoảng trống đấy 2 lần khiến đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng bị trừng phạt bằng 2 bàn thua, và vài lần khác phải giật mình trước các pha xộc thẳng vào trung lộ của đối phương.

Cặp tiền vệ trung tâm có tên trong đội hình xuất quân của đội tuyển Việt Nam trước đội bóng xứ vạn đảo là Xuân Trường và Trọng Hoàng khá tinh tế trong việc hỗ trợ tấn công, nhưng không cầu thủ nào trong số này sở trường phòng ngự từ xa.

Riêng Xuân Trường vẫn chơi hay trong vai trò tổ chức, thường xuyên tung ra những đường chuyền đậm tính chiến thuật, nhưng bản thân Xuân Trường lại là điểm yếu của chính đội tuyển Việt Nam khi đối thủ phản công.

Xuân Trường (19) vẫn xuất sắc trong vai trò tổ chức, nhưng anh không giỏi ở khả năng phòng ngự từ xa (ảnh: Gia Hưng)
Xuân Trường (19) vẫn xuất sắc trong vai trò tổ chức, nhưng anh không giỏi ở khả năng phòng ngự từ xa (ảnh: Gia Hưng)

Trong hiệp 1, Xuân Trường có ít nhất 2 pha để mất bóng cực kỳ nguy hiểm. Pha bóng đầu tiên xảy ra ở phút 26, Salossa bên phía Indonesia là người dứt điểm, may cho đội tuyển Việt Nam là thủ thành Nguyên Mạnh kịp đổ người cứu thua.

Pha để mất bóng từ tuyến giữa thứ hai của Xuân Trường ở phút 32 thì đội tuyển Việt Nam thua thật. Lần này, cầu thủ Indonesia cướp trong chân của tiền vệ đội chủ nhà, dẫn đến tình huống “3 đánh 1” của đội khách, trước khi Salossa ghi bàn cho đội bóng của HLV Alfred Riedl.

Đặt trường hợp đấy là Hoàng Thịnh, hoặc Huy Hùng hay bất cứ một tiền vệ phòng ngự nào khác, cầu thủ của đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ tranh chấp mạnh hơn, và nguy cơ để mất bóng từ tuyến hai sẽ thấp hơn so với Xuân Trường những tình huống vừa nêu.

Đây là chi tiết thuộc về thói quen: Tiền vệ phòng ngự có thói quen phòng ngự, luôn cố gắng đoạt lại bóng theo cách quyết liệt nhất có thể, trong khi 1 tiền vệ có thiên hướng tổ chức lối chơi như Xuân Trường dĩ nhiên phải “nhát” chân hơn, lúc buộc phải tranh chấp năm – năm, vì cơ bản Xuân Trường được đào tạo để tấn công chứ không phải ngăn cản đối phương tấn công.

Chẳng ai bảo rằng những tiền vệ tấn công như Xuân Trường hay Trọng Hoàng kém tài năng. Tuy nhiên, mỗi người mỗi việc, và việc có một tiền vệ phòng ngự đứng ngay phía trước hàng hậu vệ vẫn giúp cho khâu phòng ngự từ xa của đội tuyển cứng cáp hơn khi không có dạng tiền vệ như thế này.

Thành ra, bây giờ người ta hiểu tại sao HLV Nguyễn Hữu Thắng kiên nhẫn đến thế với Huy Hùng. Sau Hoàng Thịnh, Huy Hùng là tiền vệ phòng ngự tốt khác của đội tuyển Việt Nam. Hoàng Thịnh lâu nay vẫn hay chấn thương, lúc Hoàng Thịnh chấn thương đội dĩ nhiên cần người khác lấp vào khoảng trống đấy. Nhưng ngặt nỗi hiện nhân vật được chuẩn bị để thay Hoàng Thịnh khi cần là Huy Hùng cũng chưa đạt 100% thể lực.

Vẫn còn một phương án khác trong trường hợp đội tuyển Việt Nam gặp rủi ro ở vị trí tiền vệ trung tâm như hiện nay, đó là phương án kéo Ngọc Hải từ hàng hậu vệ lên đá tiền vệ phòng ngự.

Đá giao hữu, đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng có nhiều cơ hội lật ngược tình thế sau khi bị dẫn trước đến 2 lần. Vào giải chính thức, cơ hội như thế sẽ không dễ đến, vì đối thủ chắc chắn chơi chặt chẽ hơn. Thành ra, yêu cầu đầu tiên của đội tuyển vẫn là phải đảm bảo an toàn trong phòng ngự.

Kim Điền

Đội tuyển Việt Nam và lỗ hổng ở khâu phòng ngự từ xa - 2

Dòng sự kiện: AFF Cup 2016