DMagazine

"Đỏ mắt" tìm ngôi sao trong "thung lũng thế hệ" tại U23 Việt Nam

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn báo Dân trí, nhà báo Jun Usami đã đưa ra quan điểm về sự trưởng thành trong gian khó của đội U23 Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo Dân trí, nhà báo Jun Usami của Vietnam Football Digest đã đưa ra quan điểm về sự trưởng thành của đội U23 Việt Nam. Nhưng ông cũng cho rằng bóng đá Việt Nam cần phát triển bóng đá học đường mạnh mẽ hơn nữa.

PV: Đã đồng hành với bóng đá Việt Nam nhiều năm, ông cảm thấy thế nào khi đội tuyển U23 Việt Nam vừa giành chức vô địch U23 Đông Nam Á 2022?

- Jun Usami: Tôi cho rằng đây là một giải đấu khác lạ. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giải đấu không thể tập hợp đầy đủ những đội tuyển trẻ. Indonesia, đội vô địch giải đấu này năm 2019 đã xin rút lui ngay trước thềm tranh tài. U23 Myanmar cũng tuyên bố bỏ giải vì lý do dịch Covid-19. Trong khi đó, U23 Singapore và U23 Việt Nam vẫn cố gắng tham gia giải đấu dù thiếu người nghiêm trọng. Nhưng chúng ta cũng thấy, đây cũng là hai đội bóng chịu ảnh hưởng lớn về lực lượng do dịch bệnh. Thậm chí, U23 Việt Nam còn liên tục phải tiếp viện cầu thủ từ Việt Nam sang Campuchia để đủ người thi đấu.

Có quá nhiều biến cố xảy ra ở giải đấu lần này. Quan điểm của tôi cho rằng giải U23 Đông Nam Á 2022 chưa thể chứng tỏ được sức mạnh thực sự của các đội tham dự. Nhưng ở góc độ tinh thần, việc đội tuyển U23 Việt Nam bền bỉ vượt qua khó khăn để về đích là điều đáng tuyên dương.

Đỏ mắt tìm ngôi sao trong thung lũng thế hệ tại U23 Việt Nam - 1

Như ông nói, giải U23 Đông Nam Á 2022 có thể xem là một hành trình rất khó khăn khi U23 Việt Nam đã phải sử dụng tới gần 40 cầu thủ trong cả giải đấu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng cũng từ đây, chúng ta thấy rằng điều đó vô tình là cơ hội để cho rất nhiều cầu thủ U21 thuộc lứa 2001 - 2003 có dịp thể hiện mình. Ông đánh giá thế nào về lứa cầu thủ U21 Việt Nam này, thế hệ vẫn được xem là chủ lực cho mục tiêu dự World Cup 2026 của đội tuyển quốc gia Việt Nam?

- Bóng đá Việt Nam đang đi theo lộ trình thế này: Thế hệ Công Phượng, Quang Hải sinh từ năm 1995-1999 đang là chủ lực tại đội tuyển Việt Nam. Họ xứng đáng có vị thế như vậy sau thành công ở các giải trẻ từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, thế hệ sau đó của bóng đá với lứa 1999-2001 hay 2001-2003 thì chưa chắc thay được thế hệ đàn anh để làm chủ lực cho đội tuyển quốc gia. Ở Nhật Bản, chúng tôi vẫn gọi đó là "Thung lũng của thế hệ". Tuy nhiên, trong thế hệ kế cận, có thể không phải tất cả nhưng một nhóm cầu thủ xuất sắc sẽ được lựa chọn để lắp ghép với thế hệ nòng cốt hiện tại.

Đỏ mắt tìm ngôi sao trong thung lũng thế hệ tại U23 Việt Nam - 3

Nếu lấy giải U23 Đông Nam Á 2022 làm tham chiếu, ông đánh giá ai là cá nhân nổi trội ở lứa U23 có thể thi đấu ở đội tuyển Việt Nam trong tương lai?

- Như tôi đã nói, giải U23 Đông Nam Á 2022 không thể xem là giải đấu phản ánh đúng năng lực thực sự của từng đội hay cá nhân cầu thủ. Bởi lẽ bản chất là giải đấu có quá nhiều biến số. Nhiều cầu thủ cũng bất ngờ khi được triệu tập sang Campuchia. Nên tôi vẫn đánh giá cao ở góc độ tinh thần. Đó là các cầu thủ Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình thôi.

Dẫu vậy, nếu để chọn ra một số cá nhân trong đội hình U23 Việt Nam, tôi tin rằng vài cầu thủ của đội xứng đáng được lựa chọn tham dự SEA Games 2021. Dụng Quang Nho là gương mặt như vậy.

Ông có đề cập đến Dụng Quang Nho, đội trưởng U23 Việt Nam. Sự trưởng thành theo thời gian của Quang Nho có khiến ông ấn tượng?

- Đó là mẫu cầu thủ chơi xông xáo, nổi bật và dồi dào nhiệt huyết. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ được tích lũy kinh nghiệm đáng kể trong màu áo CLB Hải Phòng theo dạng cho mượn mùa này. Nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn nếu như Quang Nho có thêm cơ hội được thi đấu ở các đội tuyển trẻ, đội tuyển trong tương lai gần. Cậu ấy là một tiềm năng có thể phát triển hơn nữa.

Đỏ mắt tìm ngôi sao trong thung lũng thế hệ tại U23 Việt Nam - 5

Nhật Bản là cường quốc bóng đá châu Á. Bóng đá trẻ Nhật Bản luôn là hình mẫu cho bóng đá Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam học hỏi. Ở Nhật Bản, với lứa cầu thủ trẻ U21, họ sẽ được ươm mầm thế nào để có bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chuyên nghiệp của mình?

- Tại Nhật Bản, từ những năm 90 của thế kỷ XX cho đến đầu những năm 2000, nhiều cầu thủ U19 đã thi đấu chuyên nghiệp. Chúng tôi phát triển mạnh bóng đá học đường thời điểm đó. Nhiều cầu thủ có xuất phát điểm là học sinh trung học. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, ngay cả khi có những đề nghị từ các CLB chuyên nghiệp, một số bạn vẫn quyết đi vào đại học. Lý do là bởi họ muốn phát triển cá nhân song song với giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, bóng đá học đường vẫn chưa phát triển. 

Đỏ mắt tìm ngôi sao trong thung lũng thế hệ tại U23 Việt Nam - 7

Tỷ lệ phần trăm cầu thủ thuộc lứa U21 Nhật Bản được thi đấu tại J.League 2 và J.League 1 thường xuyên ra sao, thưa ông?

- Tôi phải thừa nhận rằng cũng không nhiều cầu thủ ở độ tuổi đó trở thành trụ cột ở các CLB tại J.League 1. Thông thường tại các CLB J.League 1, số cầu thủ ở độ tuổi này trong đội thường dao động từ 1-3 người. Ở J.League 2, con số này cũng không quá lớn. Dường như các CLB vẫn có xu hướng chọn những gương mặt kỳ cựu, có kinh nghiệm hơn.

Dựa trên cơ sở V.League hiện tại, với việc trở lại 26 vòng đấu theo mô hình trước kia, ông có cho rằng những cầu thủ U21 nên xuất hiện nhiều tại V.League, như một sự chuẩn bị cho tương lai đội tuyển Việt Nam vài năm tới đây?

- Tôi nghĩ điều đó còn phụ thuộc vào tình hình của đội nữa. Nếu năng lực của những cầu thủ cựu binh vượt trội thì không dễ để các cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu nhiều. Nhưng nếu tương quan giữa lực lượng trẻ và nhóm cầu thủ trên 23 tuổi không quá chênh lệch thì những gương mặt U21 hay U23 sẽ có cơ hội để được đặt niềm tin. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào việc đội bóng đó đang khuyết vị trí gì nữa.

Đỏ mắt tìm ngôi sao trong thung lũng thế hệ tại U23 Việt Nam - 9

Ngay sau SEA Games 31, hai giải U23 châu Á và ASIAD sẽ không còn sự hiện diện của HLV Park Hang Seo. Đó có phải là một thiệt thòi cho lứa cầu thủ trẻ của Việt Nam, khi không được sự hậu thuẫn của HLV trưởng người Hàn Quốc?

- HLV Park Hang Seo đã ghi dấu ấn rất đậm nét với bóng đá Việt Nam. Ông từng cùng U23 Việt Nam đứng á quân U23 châu Á 2018, vào top 4 ASIAD 2018 cũng như cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, giành vé vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Nhưng ở cấp độ trẻ, chúng ta phải hiểu rằng lực lượng sẽ thay thế theo chu kỳ hai năm. Sự thay thế của lứa cầu thủ sau cho lứa đàn anh sẽ xuất hiện. Bóng đá luôn có sự thay đổi. Và tôi nghĩ ở vị trí HLV trưởng, chúng ta cũng cần hiểu rằng sẽ có lúc phải tìm một người khác thay ông Park. Đó là một phần tất yếu của bóng đá. Biết đâu đấy, sự đổi mới này lại mang đến những tín hiệu cũng mới mẻ. Hãy chờ đợi xem.

Đỏ mắt tìm ngôi sao trong thung lũng thế hệ tại U23 Việt Nam - 11

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nội dung: Tường Vy

Thiết kế: Thủy Tiên