Thể thao Việt Nam hướng đến Olympic London 2012
Điền kinh Việt Nam với mục tiêu học hỏi ở Olympic London
(Dân trí) - Hai tấm vé tham dự Olympic được xem là hoàn thành chỉ tiêu với bộ môn này. Thế nhưng, niềm vui của điền kinh nước nhà đã không trọn vẹn bởi những gương mặt được đầu tư nhất, được kỳ vọng nhất, lại không đạt kết quả như mong muốn.
Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Nguyễn Thanh Phúc (đi bộ), 2 cái tên đã đi vào lịch sử môn điền kinh khi có vé chính thức tham dự Olympic. Trước đây, điền kinh Việt Nam chỉ đến sân chơi số 1 hành tinh bằng vé mời, hay còn gọi là đặc cách.
Nói thế để thấy, điền kinh Việt Nam đã có sự phát triển nhất định và rõ ràng, các nhà quản lý môn này có thể hãnh diện “bằng anh bằng em” với các môn cơ bản khác của Olympic như bắn súng, bơi lội, TDDC, cử tạ. Đoạt vé tới Olympic bằng cửa chính với điền kinh Việt Nam, đã có thể được xem là một thành tích ngoài mong đợi.
Việt Anh lần đầu tiên nhảy qua mức xà 1m92, được xem là một tín hiệu vui với nội dung nhảy cao, trong bối cảnh điền kinh Việt Nam không còn nhiều gương mặt đủ tầm thế giới. Trước Việt Anh, đàn chị Bùi Thị Nhung người Hải Phòng từng vượt qua mức xà 1m94 tại giải mời Thái Lan.
Tuy nhiên, đó là giải đấu không chính thức nên thành tích của Bùi Thị Nhung thậm chí còn không được đánh giá cao bằng Việt Anh bây giờ. Với mức xà 1m92, Việt Anh cố gắng lắm cũng chỉ lên được 1m94 hay thậm chí là giữ được thành tích cao nhất của mình tại London sắp tới. Trong khi để cạnh tranh tấm HCĐ, thành tích tối thiểu phải ở mức 2m. Đó quả là thành tích có nằm trong mơ Việt Anh cũng không với tới được.
Trong khi đó ở môn đi bộ, Thanh Phúc dù không có thể hình lý tưởng, nhưng lại được đánh giá rất cao về độ dẻo dai và đặc biệt là một ý chí thép. Xuất thân từ vung quê nghèo, đã sớm tôi luyện cho Thanh Phúc khả năng vượt qua mọi khó khăn. Chưa thi đấu, nhưng Thanh Phúc cũng xứng đáng nhận được điểm 10 về những nỗ lực không mệt mỏi nhiều năm qua.
Bởi vậy, dù là VĐV duy nhất ở môn đi bộ của ĐNA góp mặt tới Olympic, nhưng nếu Thanh Phúc không có thành tích cao, cũng chẳng có ai trách cô. Theo đánh giá của Trưởng bộ môn điền kinh (TC TDTT) Dương Đức Thủy, với khả năng của mình, Thanh Phúc có thể “độc cô cầu bại” tại sân chơi SEA Games vài kỳ tới, nhưng Olympic lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ngoài việc phấn đấu vượt qua thành tích tốt nhất của mình, đây sẽ là cơ hội để Thanh Phúc học hỏi các đổi thủ hàng đầu thế giới, để tự hoàn thiện mình.
Không có một chút cơ hội tranh chấp huy chương nào ở Olympic tới đây, nhưng cả Việt Anh và Thanh Phúc, đều là những niềm tự hào của điền kinh Việt Nam. Nên nhớ, trong khi cả khu vực ĐNA chỉ có 4 suất đến Olympic bằng cửa chính thì VN chiếm đến 2 suất.
Vui vì điền kinh nước nhà có tới 2 đại diện tới Olympic, nhưng thấy buồn khi cả 2 lại không phải là những VĐV được đầu tư tốt nhất thời gian qua. Người hâm mộ thể thao nước nhà đã quá quen thuộc với những Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, 2 VĐV từng “làm mưa làm gió” ở sân chơi SEA Games và ghi mốc son cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 2010.
Trương Thanh Hằng từng vượt qua mức chuẩn B ở nội dung 800m, còn Vũ Thị Hương cũng làm được điều tương tự ở nội dung 100m sở trường của mình. Tưởng như cả 2 sẽ lấy chuẩn B dễ như trở bàn tay khi từ Asiad 2010 đến nay, được đầu tư một cách riêng biệt. Thế nhưng, cũng như rất nhiều các môn thể thao khác của Việt Nam, đầu tư lớn, không có nghĩa là sẽ hiệu quả.
Chuyến tập huấn tại Đức với kinh phí vài tỷ đồng, đã phá sản hoàn toàn. Hằng phải trở lại tập tại Côn Minh-Trung Quốc, còn Hương thì chấn thương, đến nỗi không thể bảo vệ được ngôi vô địch SEA Games 26. Đáng tiếc cho cả hai bởi đây chính là kỳ Olympic cuối của sự nghiệp và nếu họ được định hướng nghiêm túc từ những kế hoạch tập huấn, chữa trị chấn thương, thi đấu ở các giải vòng loại...có lẽ giờ điền kinh đã có thể có nhiều hơn 2 tấm vé.
Hoàn thành chỉ tiêu, nhưng điền kinh Việt Nam vẫn bị báo chí chỉ trích nhiều thời gian qua. Đúng là vui buồn lẫn lộn!.
Hiểu Minh