1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Điểm nhấn trong chiến tích của U23 Việt Nam, U23 Malaysia ở giải châu Á

(Dân trí) - U23 Malaysia và U23 Việt Nam đồng loạt vào tứ kết giải U23 châu Á. Đấy là lần đầu tiên đối với cả hai, cũng lần đầu tiên đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Mỗi đội có một phương thức để tiếp cận với chiếc vé vào tứ kết, nhưng kết quả thì giống nhau.

Hai con đường - một kết quả

Thoạt nhìn cách mà U23 Việt Nam và U23 Malaysia lấy vé vào tứ kết là giống nhau: Cùng thắng 1 trận và hoà 1 trận tại vòng bảng, cùng vượt qua 2 đối thủ sừng sỏ của bóng đá châu lục là Saudi Arabia (U23 Malaysia) và Australia (U23 Việt Nam), cùng chấp nhận đá theo kiểu “nhẫn nhịn” nhất có thể để đạt đến kết quả mình mong muốn.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, lối chơi của U23 Việt Nam và U23 Malaysia áp dụng tại giải là không giống nhau. Và lối chơi này phụ thuộc vào đặc thù của từng nền bóng đá, phụ thuộc vào tố chất của cầu thủ đôi bên. Mà tố chất thì người Malaysia và người Việt Nam vốn đã không giống nhau.

Ví dụ như cùng chơi phòng ngự trong các chiến thắng trước Australia và Saudi Arabia, nhưng cách thức phòng ngự và thời điểm bắt đầu phòng ngự của U23 Việt Nam và U23 Malaysia cũng khác nhau.

U23 Việt Nam vào tứ kết dựa vào lối chơi phù hợp nhất mà chúng ta có thể sử dụng: Phòng ngự - phản công
U23 Việt Nam vào tứ kết dựa vào lối chơi phù hợp nhất mà chúng ta có thể sử dụng: Phòng ngự - phản công

U23 Malaysia công bằng mà nói chơi đôi công ngay từ đầu với Saudi Arabia, sẵn sàng ăn miếng trả miếng, sẵn sàng đua tốc với Saudi Arabia. Họ chỉ bắt đầu phòng ngự từ khi có bàn thắng ở phút 30. Đây cũng là điều bình thường, vì có vốn rồi thì ắt phải lo giữ.

Malaysia cũng chỉ tập trung đông người ở khu vực 16m50 của đội nhà trong khoảng 15 phút cuối trận. Thời điểm đấy, sau khi đã dẫn trước, làm ngược lại mới là dại.

Nhưng sở dĩ cầu thủ U23 Malaysia dám đá đôi công, dám ăn miếng trả miếng và dám đua tốc độ với U23 Saudi Arabia vì tố chất của cầu thủ Malaysia cho phép điều đó. Về mặt tố chất, cầu thủ Malaysia vốn là những cầu thủ thuộc vào loại khoẻ nhất Đông Nam Á, dẻo dai nhất khu vực. Họ cũng không thua kém bao nhiêu so với cầu thủ Saudi Arabia về mặt thể hình và thể lực, nên họ không ngán khi phải đua tốc độ và đua sức.

Cầu thủ Việt Nam thì không được như thế. Đặc biệt, nhóm các cầu thủ bất lợi về thể hình như Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn, hay thậm chí các trung vệ Tiến Dũng, Đình Trọng mà đua sức với các đội bóng bên ngoài Đông Nam Á là thua thiệt ngay.

Cách U23 Malaysia vào tứ kết có điểm khác với U23 Việt Nam
Cách U23 Malaysia vào tứ kết có điểm khác với U23 Việt Nam

Đã yếu thì phải dùng mưu, nên cũng đừng lạ khi U23 Việt Nam buộc phải chơi theo kiểu “dựng xe buýt” trước khung thành đội nhà.

Như đã nói, với tố chất của cầu thủ Việt Nam, với sức bền và thể lực của chúng ta so với các đội khác, chúng ta không còn lựa chọn khác. Và thực ra thì phương thức để tiếp cận mục đích không quan trọng bằng kết quả, miễn là phương thức đấy đúng luật là được.

Muốn chọn lối chơi, hãy nhìn vào kết quả

Kết quả vẫn là quan trọng nhất trong thể thao đỉnh cao. Riêng chuyện các đối thủ của U23 Việt Nam than phiền về cách “dựng xe buýt” của đoàn quân trong tay HLV Park Hang Seo cũng đừng quan tâm. Họ than phiền chẳng qua là vì họ bất lực và họ thật sự sợ chúng ta đá kiểu đó.

Quan tâm đến bình luận của họ mà thay đổi lối chơi của mình mới là… dại. Khi đó khác nào dự biến mình thành miếng mồi ngon cho các đối thủ, khác nào dùng sở đoản của mình đối chọi với sở trường của đối phương.

Tố chất của cầu thủ Việt Nam không cho phép chúng ta đá ăn miếng trả miếng với phần đông các đối thủ bên ngoài khu vực Đông Nam Á
Tố chất của cầu thủ Việt Nam không cho phép chúng ta đá ăn miếng trả miếng với phần đông các đối thủ bên ngoài khu vực Đông Nam Á

Cũng đừng quan tâm đến những gì mà HLV Ong Kim Swee (U23 Malaysia) chê bai lối phòng ngự “dựng xe buýt” của U23 Việt Nam so với lối chơi của U23 Malaysia. Trong bóng đá, chuyện các nhà chuyên môn khích tướng nhau trước và sau các trận đấu cũng là bình thường.

Họ khích tướng để dụ đối phương nổi nóng và sa vào bẫy thôi. Chúng ta càng quan tâm đến lời của HLV Ong Kim Swee hay bất cứ HLV nào khác của các đội khác thì chúng ta càng dễ mất tập trung. Ở tầm hàng đầu thế giới, Mourinho khẩu chiến cùng Alex Ferguson, Arsene Wenger hay Guardiola là chuyện như cơm bữa, HLV nào mất bình tĩnh hơn thì HLV đấy ắt thua. Nên đừng mất bình tĩnh vì đối thủ khích tướng.

Điều quan trọng là chúng ta thực hiện đúng đấu pháp mà chúng ta cho rằng mình mạnh nhất. Và cũng đã đến lúc VFF với vai trò là những nhà hoạch định đường đi cho các đội tuyển, nên có thống kê đầy đủ rằng lâu nay, ở các kỳ giải mà bóng đá Việt Nam thành công nhất (Asian Cup 2007, AFF Cup 2008, Asiad 2014, giải U19 châu Á 2017, VCK U23 châu Á 2018…), chúng ta thường chơi với lối chơi gì? Tấn công hay phòng ngự - phản công?

Từ đó mới trả lời được câu hỏi đâu là lối chơi phù hợp với bóng đá Việt Nam, các đội tuyển Việt Nam? Thay vì cứ quyết định cảm tính, hoặc nghiêng ngả theo các quan điểm mang tính cảm tính!

Trọng Vũ

Điểm nhấn trong chiến tích của U23 Việt Nam, U23 Malaysia ở giải châu Á - 4

Dòng sự kiện: VCK U23 châu Á 2018