Điểm mặt những ứng cử viên vô địch V-League

(Dân trí) - Sau khi có kết quả bốc thăm V-League và nhìn vào phản ứng của một số đội xung quanh kết quả bốc thăm ấy, có thể phần nào nhận ra tham vọng của các anh hào ở V-League mùa tới.

Nhóm đại gia: B.Bình Dương mặn mà nhất

Trong bối cảnh mà cả làng cầu nội thắt lưng buộc bụng trong vấn đề chi tiêu, B.Bình Dương tiếp tục là nơi chi tiền nhiều nhất, mua sắm rầm rộ nhất trên thị trường chuyển nhượng.

Hàng loạt ngôi sao đắt giá về với đội bóng đất Thủ Dầu như nhóm 3 cầu thủ cũ của SL Nghệ An gồm Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Hoàng Văn Bình, các cầu thủ đến từ XM Xuân Thành Sài Gòn là Tấn Trường, Đình Luật, Nsi và Moses, cùng những ngôi sao đến từ Thanh Hóa như Abass, Mai Tiến Thành.

Với lực lượng ấy, cộng thêm những Đặng Văn Robert, Anh Đức, Tăng Tuấn… B.Bình Dương tiếp tục được gọi là “dream team” của bóng đá Việt Nam, ít nhất là trên lý thuyết. Và với việc chi rất nhiều tiền để gom lực lượng tinh nhuệ như vừa nêu, B.Bình Dương chứng minh họ có mục tiêu duy nhất là ngôi vô địch.

B.Bình Dương vẫn là ứng cử viên vô địch sáng giá trước giờ bóng lăn

B.Bình Dương vẫn là ứng cử viên vô địch sáng giá trước giờ bóng lăn

Dĩ nhiên, đường đến ngôi đầu của đội bóng đất Thủ Dầu chắc chắn còn lắm chông gai. Họ cũng không phải không có điểm yếu, kiểu như HLV Nguyễn Minh Dũng chưa chứng minh được mình là HLV đủ tầm để nắm các sao.

Một nhược điểm khác của B.Bình Dương chính là nội bộ bất ổn của đội bóng này nhiều năm qua, tình trạng kiêu binh của các sao… Dẹp hết những bất ổn ấy, đội bóng đất Thủ Dầu mới thực sự là đội mạnh. Nhưng dù gì thì về tham vọng, có lẽ lãnh đạo B.Bình Dương cho thấy họ có thừa.

Trong nhóm các đại gia, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T vẫn rất mạnh, nhưng vấn đề là 2 đội bóng của bầu Hiển có còn muốn vô địch bằng mọi giá hay không lại là chuyện khác, sau khi mỗi đội trong số này đã “bỏ túi” 2 ngôi vô địch V-League.

Riêng với ĐKVĐ Hà Nội T&T, do phải căng sức trên mặt trận AFC Cup, nơi bầu Hiển đang đặt mục tiêu khá cao ở đấu trường châu Á, nên đội bóng thủ đô sẽ bị phân tán sức không ít cho hành trình ở V-League.

Một gương mặt khác cũng đáng chú ý trong nhóm các đội mạnh là SL Nghệ An. Dẫu đã bán đi Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Hoàng Văn Bình cho B.Bình Dương, cũng như chưa biết chắc chắn Công Vinh có về khoác áo đội bóng xứ Nghệ từ Sapporo hay không. Tuy nhiên, lực lượng của SL Nghệ An vẫn rất đồng đều, vẫn luôn có sự vươn lên mạnh mẽ của các tài năng mới.

Chính vì vậy, cũng không thể vội gạch tên SL Nghệ An khỏi danh sách các ứng cử viên vô địch của V-League tới đây.

Nhóm phá bĩnh: HA Gia Lai đáng chú ý nhất

Dưới sự dẫn dắt của HLV người Hàn Quốc Choi Yoon Hwan, HA Gia Lai đang có sự ổn định cần thiết. Có thể Gỗ không còn sở hữu bộ đôi tiền đạo nguy hiểm Evaldo và Oseni, nhưng tin rằng đội bóng phố núi rồi sẽ tìm được chân sút ngoại thích hợp cho mình.

Cách phản ứng mạnh mẽ của Gỗ sau khi biết lịch thi đấu bất lợi cho họ chứng minh rằng Gỗ thực sự muốn gia nhập nhóm đầu. Bằng ngược lại, nếu chỉ đá để nằm ở lưng chừng bảng xếp hạng, có lẽ HA Gia Lai đã không phản ứng quyết liệt như thế, khi biết mình phải nghỉ lượt trận chốt hạ của V-League.

Đừng quên rằng Gỗ chỉ thua duy nhất 1 trận trên sân Pleiku ở V-League 2013, và phố núi Pleiku chắc chắc sẽ tiếp tục là nơi đi dễ khó về với các đội khách. Nơi các đội bóng khi đến đây không chỉ đối diện với một HA Gia Lai dồi dào thể lực và giàu kỷ luật, mà còn phải đối diện với kích thước mặt sân nhỏ, cũng như thời tiết mưa nắng thất thường ở phố núi.

Bên cạnh HA Gia Lai, còn có 2 đội bóng nguy hiểm khác, đủ sức thắng các đại gia trong các trận cầu cụ thể là V.Hải Phòng và Thanh Hóa. Xét về lực lượng, V.Hải Phòng khá mạnh, với nhiều tuyển thủ quốc gia trong đội hình như Tấn Tài, Đào Văn Phong, Quang Hải, Minh Đức.

Chỉ có điều, tính ổn định của đội bóng đất Cảng và đội bóng xứ Thanh không cao, nên khó trông chờ họ tiến đến những vị trí cao nhất. Dù vậy, những đội này đủ sức gây xáo trộn đường đua, bởi thực lực của họ không tồi.

Kim Điền

Dòng sự kiện: V-League 2014