Đầu tư cho các vận động viên dự Olympic: Đừng để “no dồn, đói góp”
(Dân trí) - Câu chuyện các VĐV bắn súng luyện tập mà không có... đạn, cũng như lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn đến gần sát Olympic mới được sang Mỹ tập huấn cho thấy thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn còn tình trạng khi no dồn, lúc đói góp, tức là chỉ gần đến giải mới lo chạy đôn chạy đáo.
Cần nhắc lại Thạch Kim Tuấn cho đến giờ là niềm hy vọng huy chương số 1 của toàn bộ đoàn TTVN tại đấu trường Olympic. Tuy nhiên, cách nay không lâu thì bản thân Thạch Kim Tuấn còn suýt chút nữa đứng trước nguy cơ vắng mặt tại Thế vận hội 2016.
Nguyên nhân là lực sĩ cử tạ hàng đầu của Việt Nam hiện nay chấn thương nặng do quá tải, vì thi đấu quá nhiều trong thời gian trước đó.
Có nghĩa là ngay những người nắm định hướng quản lý cho môn cử tạ cũng không rạch ròi trong chuyện phân cấp đối với Thạch Kim Tuấn, rằng một VĐV ở đẳng cấp cạnh tranh huy chương Olympic như anh không nhất thiết giải nào cũng thi đấu, để phải quá tải, thay vì chỉ tập trung trọng điểm cho những sân chơi thực sự cần thiết để duy trì trình độ hàng đầu châu Á và thế giới mà anh đang có.
Một VĐV ở đẳng cấp hạng đầu thế giới (ở hạng cân 56kg) như Thạch Kim Tuấn, lại là niềm hy vọng huy chương sáng giá như vậy mà chỉ 3 tháng trước ngày thi đấu tại Thế vận hội mới ra nước ngoài tập huấn thì có vẻ hơi chậm. Chậm cho khả năng cọ xát của Kim Tuấn, chậm đối với việc cần để anh tập trung hoàn toàn, tránh sao nhãng bởi các yếu tố xung quanh nếu chỉ tập “chay” trong nước.
Một số VĐV khác ở một bộ môn cực kỳ sáng cửa giành huy chương Olympic khác là bắn súng cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Chuyện là nhiều VĐV bắn súng, kể cả VĐV trong đội tuyển quốc gia thường xuyên tập luyện với tình trạng không có... đạn.
Cũng giống như cử tạ, bắn súng là một trong những trọng điểm tranh huy chương của TTVN ở các đại hội lớn, kể cả ở đấu trường Olympic. Tuy nhiên, sự đầu tư cho môn này chưa thể nói là tương xứng.
Để khắc phục tình trạng thiếu đạn trong tập luyện, đội tuyển quốc gia chỉ còn cách là ra nước ngoài (thường là Hàn Quốc) tập huấn, nhưng cũng không thật thường xuyên vì điều kiện có hạn.
Dĩ nhiên, đến gần với Olympic thì khâu chuẩn bị sẽ khá hơn, kinh phí dành cho việc đầu tư cho các VĐV dự Olympic cũng sẽ tăng lên. Nhưng vấn đề ở đây là việc thiếu tính liên tục trong quá trình chuẩn bị, lúc “no dồn”, khi “đói góp” có thể ảnh hưởng đến phong độ nói chung của các tuyển thủ.
Bởi, trong thi đấu thể thao, tính ổn định và sự đều tay là cực kỳ quan trọng. Để các VĐV quen thuộc với các giải đấu thật, thì điều kiện tập luyện và sự cọ xát của họ thường ngày cũng cần như thật. Tránh tình trạng các VĐV của chúng ta dễ bị “ngợp” khi thi đấu chính thức, lúc đứng giữa môi trường quá căng thẳng, mà họ ít được làm quen khi tập luyện.
Đây cũng là tình trạng từng xảy ra với Phan Thị Hà Thanh trong môn thể dục dụng cụ ở Olympic London 2012. Khi đó, Hà Thanh mắc sai lầm sơ đẳng ở nội dung sở trường là nhảy chống, vì quá bỡ ngỡ khi đứng giữa một nhà thi đấu quá hiện đại, cùng sức ép cùng môi trường khác hẳn ngày thường, khác hẳn điều kiện tập luyện thường ngày của cô.
Đừng để nước đến chân mới nhảy, cũng đừng đầu tư cho các VĐV mà chúng ta biết trước là họ sẽ là trọng điểm ở đấu trường Olympic, nhưng chỉ đến sát giải chính thức mới tập trung vào họ.
Kim Điền