1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Chuyện lên - xuống hạng ở bóng đá Việt Nam: Đố ai hiểu được

(Dân trí) - K.Kiên Giang được cứu vào giờ chót, nhờ quyết định lạ lùng: Không có đội rớt hạng tại V-League. Rồi cũng chính vì quyết định này mà xảy ra những hệ lụy tiếp theo, khiến chuyện lên - xuống hạng của 3 giải đấu hàng đầu cả nước bị đảo lộn.

Theo kế hoạch, giải hạng Nhất 2014 sẽ có 10 đội, bao gồm 4 đội còn sót lại từ giải hạng Nhất 2013, 5 đội được thăng lên từ hạng Nhì, cùng 1 đội rớt xuống từ V-League 2013.

 

Tuy nhiên, do V-League 2013 không có đội rớt hạng, nên giải hạng Nhất 2014 vì thế hiện cũng thiếu 1 đội, giờ chỉ mới có 9 đội. Giải đấu chắc chắn không thể có số đội lẻ kể trên, vì rất dễ nẩy sinh tiêu cực, nên phương án đôn thêm đội dự giải hạng Nhất 2014 đang được tính đến.

 

Tuy nhiên, cách đôn như thế nào đang là vấn đề làm đau đầu những người điều hành bóng đá nội. Có 2 phương án được đặt ra, thứ nhất là giữ lại TDC Bình Dương – đội vốn đã rớt hạng trước đó, hoặc đôn Nam Định (đội đã thất bại tại VCK giải hạng Nhì 2013) từ hạng Nhì lên hạng Nhất.

 

Và không khó để thấy rằng cả 2 phương án vừa nêu, chẳng phương án nào ổn. Nếu giữ lại TDC Bình Dương thì hóa ra một nửa mùa giải hạng Nhất vừa qua vô bổ, hệt như giai đoạn cuối của V-League 2013, do không có đội rớt hạng.

 

Còn nếu đôn Nam Định từ hạng Nhì lên hạng Nhất, thì nguyên cả VCK giải bóng đá hạng Nhì toàn quốc vừa được tổ chức khá tốn kém trở thành lãng phí, bởi có 6 đội tham dự VCK giải đấu này, thì cả 6 đội đều được lên hạng sao? Và một đội bóng thất bại cả 3/3 trận đấu của VCK, nhưng vẫn có vé thăng hạng thì càng vô lý hơn.

 

Chúng tôi đã từng cảnh báo về chuyện nếu V-League không có đội rớt hạng, giải đấu này không chỉ giống giải phong trào, mà quyết định cắt suất rớt hạng sẽ kéo theo những phản ứng dây chuyền. Và giờ, những hệ lụy từ cái quyết định nặng tính nghiệp dư ấy đang xảy ra, ảnh hưởng đến không chỉ mỗi mình V-League mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống thi đấu quốc gia.

 

BTC giải hạng Nhất cho biết họ không có đủ thẩm quyền quyết định chuyện nhân sự tham dự giải đấu này năm sau, mà thẩm quyền ấy thuộc về VFF. Trong khi người đứng đầu VFF là chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ thấy rõ là bắt đầu đẩy trách nhiệm sang… tập thể, thông qua phát biểu: “Việc xác định số lượng đội chơi ở giải hạng Nhất 2014 sẽ phụ thuộc vào cuộc họp BCH VFF”.

 

Một nguyên nhân khác khiến cho đến giờ này những nhà điều hành bóng đá nội vẫn chưa thể quyết định các suất lên – xuống hạng còn xuất phát từ chỗ người ta chưa biết chắc ai sẽ tham dự, và ai sẽ bỏ các giải đấu chuyên nghiệp.

 

Trưởng đoàn bóng đá Huế, ông Đoàn Phùng đã đánh tiếng có thể bỏ giải hạng Nhất mùa sau, do Huế hiện chưa kịp chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp (nói thẳng là chưa tìm thấy nguồn tiền). Không chỉ có Huế, Đắk Lắk, CLB TPHCM cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.

 

Họ có thể đủ kinh phí đá ở giải hạng Nhì, vốn chỉ tốn khoảng 4 – 5 tỷ đồng/mùa. Nhưng lên hạng Nhất, số tiền cần trang trải sẽ tăng lên gấp 4 – 5 lần. CLB bóng đá chuyên nghiệp giống một doanh nghiệp cổ phần. Không thể có chuyện rót tiền ngân sách để nuôi doanh nghiệp (làm thế là trái nguyên tắc tài chính, đi ngược với xu thế xã hội hóa TDTT), trong khi kiếm nhà tài trợ đủ sức nuôi bóng đá bây giờ là cực khó.

 

Trong bối cảnh đó, VFF và VPF cũng… tắc trong việc quyết định đội nào lên, đội nào xuống giữa 3 hạng đấu hàng đầu Việt Nam, và tắc luôn trong việc quyết định sẽ có bao nhiêu đội dự V-League và giải hạng Nhất mùa tới?

 

Lẽ ra, đến thời điểm này VFF cũng như VPF phải dũng cảm siết chặt các quy định, thẩm định kỹ càng đâu là đội đủ điều kiện đá tiếp, mạnh dạn khuyến khích những đội chưa đủ điều kiện nghỉ hẳn. Thậm chí, tính đến phương án tạm dừng V-League, giải hạng Nhất cho đến lúc thẩm định xong tiêu chuẩn của các đội bóng.

 

Tính luôn đến phương án ít đội nhưng chất lượng, thay vì mở rộng các giải chuyên nghiệp như kiểu làm bóng đá phong trào.

 

Nhưng dường như những người làm bóng đá Việt Nam không dám làm vậy, dù họ đã đối diện với bài học nhãn tiền là XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải giữa chừng, K.Kiên Giang, Thanh Hóa giận dỗi đòi bỏ, còn các đội từ hạng Nhì lên hạng Nhất đang quay quắc vì thiếu tiền.

 

Tổ chức giải mà không xác định nổi ai chắc chắn tham dự giải của mình qua từng năm thì đúng là vừa vô bổ, vừa lãng phí!

 

Trọng Vũ

Dòng sự kiện: V-League 2014