Chuyện hậu trường của việc mua bản quyền World Cup 2018

(Dân trí) - Như tin đã đưa, tối 8/6, ngay sau khi VTV chính thức công bố bản quyền phát sóng World Cup 2018, Viettel và Vingroup đã chính thức được khẳng định là đối tác đồng hành trong việc đưa bản quyền World Cup về Việt Nam.


Bản quyền World Cup 2018 đã được giải với sự góp mặt không chỉ của Viettel mà có thêm Vingroup vào phút chót

Bản quyền World Cup 2018 đã được giải với sự góp mặt không chỉ của Viettel mà có thêm Vingroup vào phút chót

Trước đây, việc doanh nghiệp cùng tham gia với VTV vào câu chuyện bản quyền phát sóng World Cup từng xảy ra tại Việt Nam, vào thời giá bản quyền chưa leo thang chóng mặt như hiện nay. Vào năm 2005, FPT từng mua được bản quyền World Cup 2006 nhưng sau đó bán lại toàn bộ cho VTV và HTV và chỉ là sang tay vì không thể kinh doanh có lãi.

Sau đó, không có doanh nghiệp nào muốn tham gia vào “trò chơi” có rủi ro tài chính cao và không thể đem lại lợi nhuận. Cũng vì thế, VTV với tư cách là đài truyền hình quốc gia là đơn vị duy nhất phải tìm mọi biện pháp gồng gánh, đem về bản quyền phát sóng phục vụ người hâm mộ Việt Nam qua 2 kỳ World Cup tiếp đó.

Thế nhưng, trò chơi ngày càng khó khi mà tiền bản quyền leo thang chóng mặt và chuyện đàm phán cũng phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Giờ đây, VTV cũng không thể một mình đứng ra chấp nhận mức lỗ tài chính nếu buộc phải mua bản quyền. Thế nhưng, ai sẽ là đơn vị đồng hành cùng VTV bởi họ sẽ cùng phải có cái tâm là phục vụ người hâm mộ Việt Nam là chính khi cùng mua bản quyền World Cup 2018. Bởi nếu điều này được giải quyết dễ dàng bằng vấn đề thương mại (trao đổi quyền lợi), VTV đã không phải quá khó khăn tìm đối tác đến như vậy.

Nhiều tháng trước, khi vấn đề bản quyền còn chưa được quan tâm đến, VTV nhận được mức giá của mà Infront Sports&Media (ISM) đưa ra là 15 triệu USD – một mức giá không tưởng nếu chỉ mình “nhà đài” chấp nhận. Điểm bế tắc lúc đó không ai biết vì không khí World Cup chưa nóng.

Trong khi chưa tìm được doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành, VTV lại tìm ra một mô hình mới mà ở các nước thực hiện. Tại Thái Lan, 9 đơn vị của nước này đã lập một nhóm để đàm phán bản quyền World Cup 2018. Quỹ này do King Power - doanh nghiệp của ông chủ sở hữu CLB Leicester tại Premier League - đứng đầu. Tổng số tiền mà 9 đơn vị này bỏ ra để có được bản quyền phát sóng World Cup 2018 rơi vào khoảng 1,4 tỉ baht Thái (khoảng 43,7 triệu USD).

Singapore cũng đã mua được bản quyền 64 trận World Cup với mức giá 18,8 triệu USD bằng sự hợp sức của ba hãng truyền thông lớn là Mediacorp, Singtel và StarHub.


Các doanh nghiệp lớn đã chung tay cùng VTV mua bản quyền, phục vụ người hâm mộ

Các doanh nghiệp lớn đã chung tay cùng VTV mua bản quyền, phục vụ người hâm mộ

Tại Việt Nam, VTV cũng làm theo phương thức này ngay từ đầu năm và Viettel là đối tác đồng hành để cùng hướng tới mục tiêu đem bản quyền World Cup 2018 về phục vụ người hâm mộ.

Và cuối cùng, câu chuyện bản quyền World Cup 2018 đã được giải với sự góp mặt không chỉ của Viettel mà có thêm Vingroup vào phút chót. Mô hình hợp tác với những doanh nghiệp lớn, có tâm trong việc phục vụ cộng đồng đã mở ra một hướng đi mới cho những thương vụ khó có thể thành công chỉ đơn thuần dựa vào yếu tố thương mại.

Sự tham gia của những doanh nghiệp mong muốn phục vụ cộng đồng, xã hội cùng với kỹ năng, kinh nghiệm đàm phán quốc tế sẽ giúp cho những thương vụ bất khả thi khác trở thành hiện thực; và Viettel, Vingroup đã trở thành hình mẫu. Họ là những người đóng góp công sức không nhỏ trong việc đưa bản quyền về phục vụ người hâm mộ Việt Nam mà không đặt nặng vấn đề quyền lợi và chỉ xuất hiện vào lúc cuối cùng khi mọi việc đã hoàn tất.

PV