Cầu thủ nhập tịch sẽ giải quyết yêu cầu thành tích trước mắt cho đội tuyển?

(Dân trí) - Nếu đội tuyển quốc gia có thêm cầu thủ nhập tịch, đội tuyển có thể mạnh hơn (có thể thôi, chứ chưa ai dám khẳng định). Nhưng chỉ là vấn đề trước mắt, còn về lâu về dài, cái gốc của nền bóng đá vẫn là đào tạo nguồn nhân lực.

Những nền bóng đá bắt buộc phải sử dụng cầu thủ nhập tịch

Nhìn sang các nước trong khu vực, Singapore và Philippines là những quốc gia đi đầu trong trào lưu nhập tịch cầu thủ. Dù vậy, đặc điểm dễ nhận ra của cả 2 nền bóng đá vừa nêu nằm ở chỗ người dân sở tại vốn không mấy hâm mộ bóng đá (riêng dân Philippines thì chỉ đặc biệt quan tâm đến bóng rổ và quyền Anh), cũng không xem bóng đá là con đường để tiến thân, để thoát nghèo như một bộ phận cầu thủ nhí ở Việt Nam (nhất là cầu thủ ở vùng quê).

Đấy là chưa kể Philippines và Singapore có giải quốc nội quá èo uột, không đủ khả năng hình thành nên nguồn cầu thủ tốt. Thành ra, không khó hiểu khi các quốc gia nọ không có đủ nguồn cầu thủ để thành lập nên các đội tuyển quốc gia.

Dù vậy, trong cách sử dụng cầu thủ nhập tịch của 2 nền bóng đá kể trên, vẫn có một số đặc thù. Ví dụ như cầu thủ đang sinh sống tại châu Âu của Philippines, họ vốn có gốc gác Philippines, chứ không phải xa lạ hoàn toàn với xứ này.

Còn với đội tuyển Singapore, một số trường hợp cầu thủ nhập tịch lớn lên tại Singapore từ nhỏ, như hậu vệ nổi tiếng Daniel Bennett năm nào. Tức là họ cũng là một người Singapore ở khía cạnh nào đấy.

Thái Lan mạnh nhất Đông Nam Á không phải nhờ cầu thủ nhập tịch, mà nhờ họ phát triển tốt khâu đào tạo
Thái Lan mạnh nhất Đông Nam Á không phải nhờ cầu thủ nhập tịch, mà nhờ họ phát triển tốt khâu đào tạo

Rồi ngay đến Singapore trong những năm gần đây cũng đã bắt đầu hạn chế dần việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển quốc gia, vì họ đã thực hiện xong nhiệm vụ làm đòn bẩy để kích thích cả làng cầu, cũng như nhận ra rằng việc sử dụng cầu thủ nhập tịch vốn không giải quyết được gốc rễ của sự phát triển nền bóng đá.

Đặt trường hợp bóng đá Việt Nam sử dụng cầu thủ nhập tịch, tính chất cũng chỉ là giải quyết bài toán thành tích nhất thời của đội tuyển tại AFF Cup 2016, trong bối cảnh mà áp lực thành tích với một số quan chức tại VFF quá lớn, trong khi chính một số vị ngay tại VFF đã... lỡ tuyên bố quá đà, hứa hẹn về thành tích của đội tuyển cũng chính giải đấu ấy, lúc mạnh miệng sa thải HLV Miura.

Còn về lâu về dài, chuyện bổ sung cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển không giải quyết được vấn đề cốt lõi của nền bóng đá, đó là việc phát triển nguồn nhân lực, nếu như hệ thống bóng đá trẻ của chúng ta vẫn chưa tốt, còn cơ quan quản lý bóng đá vẫn chưa chặt chẽ trong việc siết chặt các quy định về đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ, để tạo cho họ sân chơi nhằm hướng đến sự phát triển.

Dùng cầu thủ nhập tịch để chạy theo thành tích trước mắt?

Lấy ví dụ khác liên quan đến đội tuyển Thái Lan. Nền bóng đá xứ Chùa Vàng vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á, dần tiếp cận trình độ châu Á, mà không cần tính đến phương án nhập tịch cầu thủ.

Thái Lan mạnh đều và phát triển bền vững bởi họ không phải thỉnh thoảng lại tính đến chuyện có xài cầu thủ nhập tịch hay không? Như lâu lâu chúng ta vẫn cứ đề cập, mà Thái Lan mạnh nhờ họ phát triển bóng đá từ chân đế rất tốt, quản lý tốt giải quốc nội, phát triển tốt bóng đá trẻ, tạo ra thế hệ cầu thủ vừa mạnh mẽ về thể lực, tốc độ, vừa giàu kỹ thuật, lại có tư duy chơi bóng tốt như chúng ta đang thấy.

Nhìn rộng ra thế giới, những nền bóng đá phát triển mạnh nhất, có thành tích tốt nhất hiện nay gồm Đức và Tây Ban Nha đều là những nền bóng đá có lực lượng cầu thủ được đào tạo tốt nhất, chứ không phải mạnh nhờ cầu thủ nhập tịch.

Cũng đừng nhầm lẫn chuyện một vài cái tên như Klose hay Podolski vốn là những cầu thủ không phải gốc Đức, nhưng vừa giúp đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014. Họ là những cầu thủ trưởng thành cùng bóng đá Đức hẳn hoi, được ăn tập ở đấy từ nhỏ, mang trong mình phong cách bóng đá và văn hoá Đức đậm đặc.

Nói khác hơn, Klose hay Podolski là những cầu thủ Đức mang dòng máu Ba Lan, chứ không phải dạng cầu thủ nhập tịch thông thường mà chúng ta đang muốn đề cập.

Thành ra, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển để giải quyết nhu cầu thành tích trước mắt, cụ thể là ngay tại AFF Cup 2016 tới đây là vấn đề cần tính toán kỹ. Trừ khi, cầu thủ nhập tịch đấy có trình độ vượt trội hẳn so với mặt bằng bóng đá khu vực, cũng như sự có mặt của anh ấy kích thích sự phát triển của đội tuyển nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung.

Chúng ta có lẽ cũng chưa quên bài học thủ môn Phan Văn Santos được ưu ái ở đội tuyển quốc gia 2008, nhưng vẫn thất bại, lại còn khiến cho một số gương mặt trẻ bất mãn vì Santos không chuyên cần (đặc điểm chung của hầu hết cầu thủ nhập tịch hiện có trên sân cỏ Việt Nam) nhưng vẫn được trọng dụng, trước khi có cái nhìn toàn diện về vấn đề này.

Kim Điền

Cầu thủ nhập tịch sẽ giải quyết yêu cầu thành tích trước mắt cho đội tuyển? - 2

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm