1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Cầu thủ Nga chinh chiến ở châu Âu thế nào khi bị UEFA, FIFA cấm vận?

H. Long

(Dân trí) - Trong nhiều năm trở lại đây, bóng đá Nga chưa bao giờ dựa vào nguồn lực thi đấu ở nước ngoài (đặc biệt là châu Âu). Số lượng cầu thủ Nga thi đấu ở lục địa già không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Mặc dù không có CLB nào của Nga được tham dự cúp châu Âu mùa giải vừa qua nhưng vẫn có người Nga vô địch cúp châu Âu mùa giải trước. Đó là Aleksei Miranchuk. Tiền vệ này đã cùng Atalanta giành chức vô địch Europa League. Sau khi lên đỉnh cao, ngôi sao sinh năm 1995 đã nói về niềm tự hào về bóng đá Nga, vẫn cố gắng trỗi dậy ngay trong thời kỳ khó khăn nhất.

Cầu thủ Nga chinh chiến ở châu Âu thế nào khi bị UEFA, FIFA cấm vận? - 1

Aleksei Miranchuk vừa giành chức vô địch Europa League cùng Atalanta mùa giải trước (Ảnh: Getty).

Mùa này, Aleksei Miranchuk đã chia tay Atalanta sau khi hết hạn hợp đồng. Bến đỗ tiếp theo của cầu thủ này là Atlanta United (Mỹ). Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi Aleksei Miranchuk quyết định dưỡng già ngay ở tuổi 28. Nhưng với việc sang Mỹ thi đấu, anh cho thấy những cầu thủ Nga có thể chinh phục mọi giải đấu.

Nếu cho rằng khi bóng đá Nga bị cấm vận, các cầu thủ xứ Bạch Dương không còn cơ hội thi đấu ở các CLB châu Âu và thế giới thì bạn đã nhầm. Theo tổng hợp của tờ Sport Express, có khoảng 30 cầu thủ mang quốc tịch Nga chinh chiến ở nước ngoài. Con số này không kém gì so với thời kỳ đỉnh cao của họ.

Thực tế, bóng đá Nga ngày nay không còn sản sinh ra mẫu cầu thủ ngôi sao có thể làm thay đổi cả giải đấu như Andrey Arshavin ở Euro 2008. Họ luôn dựa vào sức mạnh tập thể, chứ không còn phụ thuộc vào bất kỳ ngôi sao nào.

Ở giải đấu lớn cuối cùng tham dự là World Cup 2018, đội tuyển Nga lọt vào tứ kết (thắng Tây Ban Nha ở vòng 1/8) với đội hình gồm 26/28 cầu thủ thi đấu ở trong nước. Chỉ có hai người thi đấu ở nước ngoài là Denis Cheryshev, Vladimir Gabulov.

Cầu thủ Nga chinh chiến ở châu Âu thế nào khi bị UEFA, FIFA cấm vận? - 2

Matvei Safonov vừa chuyển sang PSG với giá 20 triệu euro (Ảnh: Getty).

Thậm chí, trong đội hình cử sang Việt Nam tham dự giải Tam hùng, đội tuyển Nga còn có 3 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài (nhiều hơn tại World Cup). Trong đó, ngôi sao đáng chú ý nhất là thủ môn Matvei Safonov, người vừa được PSG chiêu mộ với giá 20 triệu euro. Rõ ràng, các CLB lớn ở châu Âu không hẳn bỏ quên thị trường Nga.

Một trong những lý do khiến nhiều tuyển thủ Nga ngại ra nước ngoài thi đấu, đó chính là thu nhập và sự ổn định. Họ không mất thời gian thích nghi khi thi đấu ở Nga và vẫn có thu nhập cao hơn so với khi ra nước ngoài thi đấu. Đơn cử như trường hợp của cầu thủ Daler Kuzyaev, người mới chuyển từ Zenit sang Le Havre vào năm ngoái. Mức lương của Daler Kuzyaev ở Pháp chỉ là 350.000 euro mỗi năm, tức chỉ bằng 1/5 thu nhập ở Zenit.

Ở giải vô địch quốc gia Nga, số lượng cầu thủ kiếm ít hơn 1 triệu euro mỗi năm rất hiếm. Những cầu thủ như Daler Kuzyaev chấp nhận ra đi đơn giản vì họ muốn chinh phục vùng đất mới.

Kể cả khi các CLB Nga không còn kinh tế dồi dào khi bị cấm thi đấu ở cúp châu Âu nhưng ít nhất, họ vẫn có đãi ngộ cao hơn so với phần còn lại châu Âu (trừ các giải lớn như Anh, Đức, Italy hay Tây Ban Nha).

Chỉ đáng tiếc, trong thành phần của đội tuyển Nga sang Việt Nam không xuất hiện một vài ngôi sao sáng giá của bóng đá nước này. Ngoài Aleksei Miranchuk, Aleksandr Golovin và Arsen Zakharyan đều vắng mặt vì chấn thương.  

Cầu thủ Nga chinh chiến ở châu Âu thế nào khi bị UEFA, FIFA cấm vận? - 3

Golovin vẫn có chỗ đứng ở CLB Monaco. Anh không thể sang Việt Nam vì chấn thương (Ảnh: Getty).

Golovin đã nổi lên từ World Cup 2018. Còn Zakharyan (21 tuổi) được xem là cầu thủ sáng giá nhất trong thế hệ mới của bóng đá Nga. Tiền vệ này mới gia nhập Real Sociedad từ đầu năm ngoái và đã để lại dấu ấn nhất định.

Còn lại, những cầu thủ thi đấu ở trong nước đều thuộc hàng ưu tú nhất bóng đá Nga. Họ vẫn có sức mạnh vượt trội so với đội tuyển Việt Nam cũng như Thái Lan ở giải Tam hùng.