Capello chia tay tuyển Anh: Khi cái tôi quá lớn
(Dân trí) - Capello đã đẩy vấn đề mâu thuẫn với FA xung quanh chuyện tước băng đội trưởng của Terry lên cao trào và kết thúc bằng lá đơn xin từ chức. Quyết định ra đi gây sốc này có lẽ đến từ lối suy nghĩ về cái tôi quá lớn của chiến lược gia người Italia.
Có khá nhiều nguyên nhân để người ta kết luận cho sự ra đi đường đột của Capello. Đầu tiên và đơn giản nhất đó là sự không hiểu nhau do bất đồng ngôn ngữ. Thật ngạc nhiên, một chiến lược gia làm việc tại Anh đến nay cũng ngót nghét 4 năm, thích sống ở khu phố sầm uất của London lại không biết đến ngôn ngữ của quốc gia này.
Việc Capello dù trước đây đã hứa, nhưng rồi không chịu học tiếng Anh, hay rộng hơn là tìm hiểu về văn hóa Anh khiến ông trở nên lạc lõng trong việc hiểu (và thông cảm) cho quyết định của FA. Ai cũng biết trước sức ép của dư luận, của báo giới mà cơ quan quyền lực cao nhất của làng túc cầu xứ sương mù phải đưa ra quyết định trảm Terry. Một phán quyết đầy khó khăn nhưng cũng được đánh giá là rất dũng cảm.
Nếu hiểu theo nghĩa tiêu cực hơn, chiến lược gia người Italia đã cổ súy hoặc chí ít chẳng động chân động tay gì trước nạn phân biệt chủng tộc, vấn đề mà cả thế giới đang lên án mạnh mẽ và cố gắng đẩy lùi. Báo chí Anh cho rằng tại Italia, Capello quen với hình ảnh các cầu thủ da màu bị đối xử phân biệt nên mới coi hành động của Terry là bình thường. Nhưng nói như thế có vẻ hơi oan ức cho Capello.
Chiến lược gia người Italia ủng hộ Terry và từ chức, nguyên nhân chính nằm ở cái lối suy nghĩ độc đoán về cái tôi quá lớn của ông. Capello cho rằng vấn đề đội trưởng của đội tuyển phải để ông quyết định chứ không phải FA. Thực tế việc Capello cứ khăng khăng đòi FA phải rút lại quyết định đối với Terry chẳng phải do chỉ có hậu vệ này mới đeo được băng đội trưởng. Terry cũng từng một lần mất tước vị này và tuyển Anh vẫn “sống khỏe”.
Lời giải thích của FA về việc xử lý đối với Terry là cần thiết đối với hình ảnh đất nước, một quốc gia cũng sắp sửa chuẩn bị cho kỳ đại hội Olympic 2012. So với Euro 2012, sự kiện Olympic còn được tổ chức với quy mô đông đảo hơn rất nhiều. Sẽ ra sao nếu một vụ việc về phân biệt chủng tộc lại được nổ ra ngay trước thềm sự kiện này khai mạc? Tất cả lời lẽ đó không đủ làm xoay chuyển suy nghĩ của Capello về vị thế “bất khả xâm phạm” của ông.
Chính lối suy nghĩ tiêu cực ấy đã khiến Capello quyết định chia tay và FA nhanh chóng chấp nhận, dù họ biết rằng Capello là huấn luyện viên tốt nhất (và đắt nhất, lương 6 triệu bảng/năm) mà tuyển Anh có được trong khoảng 18 năm qua. Một cuộc chia tay diễn ra không đúng cách và không đúng thời điểm. Sự ra đi của Capello khiến danh tiếng của ông hoen ố đi ít nhiều. Còn tuyển Anh, họ chỉ có 4 tháng nữa để tìm và thử nghiệp HLV mới trước khi Euro 2012 khởi tranh.
Vĩ Giang