1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Cần lắm hiệp hội bảo vệ cầu thủ

(Dân trí) - Cầu thủ cũ của B.Bình Dương đòi kiện đội bóng đất Thủ Dầu. Trước đó, cầu thủ K.Kiên Giang cũng có động thái tương tự. Khi cần đòi quyền lợi, cầu thủ nội thường không biết kêu ai, trong khi trong bóng đá, không hễ cứ đụng chuyện là lôi nhau ra tòa.

Không hài lòng với cách đội bóng chủ quản B.Bình Dương thông báo ngưng ngang hợp đồng, cũng như đòi lại một phần tiền tạm ứng phí lót tay của năm 2013, 2 cầu thủ Chí Công và Đình Đức tuyên bố sẽ kiện đội bóng đất Thủ Dầu ra tòa.

Trước đó, cầu thủ K.Kiên Giang cũng viết “đơn cầu cứu khẩn cấp”, sau đó cũng đòi kiện CLB K.Kiên Giang, vì đội bóng miền Tây Nam bộ không giải quyết dứt điểm chế độ cho họ.

Đấy cũng không phải là lần đầu giữa cầu thủ và đội bóng chủ quản nẩy sinh mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc. Năm ngoái, từng có vụ việc tiền đạo Huỳnh Kesley Alves dọa kiện CLB XM Xuân Thành Sài Gòn.

Chưa biết ai đúng ai sai trong những vụ tranh chấp dạng vừa nêu, chỉ có điều những mâu thuẫn phát sinh cho thấy bóng đá Việt Nam đang tồn tại một khoảng trồng pháp lý không hề nhỏ. Đồng thời, giới bóng đá nội cũng thiếu hẳn một hiệp hội mang tính chất nghề nghiệp như Hiệp hội cầu thủ nhà nghề như các nước vẫn có.

Khi nẩy sinh tranh chấp, cầu thủ nội thường

Khi nẩy sinh tranh chấp, cầu thủ nội thường
không biết kêu ai

Dễ thấy là cầu thủ nội vốn có mặt bằng văn hóa, mặt bằng nhận thức không cao, từ đó dẫn đến chuyện khi đụng đến các bản hợp đồng bạc tỷ với đội bóng chủ quản, chưa chắc giới cầu thủ Việt Nam đã đọc kỹ, nghiên cứu kỹ, trước khi ký.

Đấy chính là lý do mà các đội bóng thường tự tin rằng họ sẽ “nắm đằng chuôi” khi nẩy sinh tranh chấp với cầu thủ, vì thực tế là người ta không biết được các CLB có những chiêu nào để “rào” cầu thủ trước khi đặt bút ký.

Như chuyện giữa Chí Công, Đình Đức với B.Bình Dương chẳng hạn. 2 cầu thủ nọ “tố” đội bóng đất Thủ Dầu vi phạm thời hạn chuyển tiền, vi phạm thời hạn ngưng hợp đồng. Thế nhưng phía B.Bình Dương vẫn tỉnh như không, khi cho rằng nếu ra tòa, B.Bình Dương thắng chắc.

Có thể không phải ngẫu nhiên mà đại diện phía đội bóng đất Thủ Dầu tuyên bố tự tin đến thế. Có thể ngay trong bản hợp đồng giữa Chí Công, giữa Đình Đức với B.Bình Dương, có những chỗ lắt léo, mà giới cầu thủ chưa lường hết được.

Đấy chính là lý do mà người ta thấy khoảng trống về một Hiệp hội cầu thủ nhà nghề trong bóng đá nội là rất lớn. Nếu có hiệp hội này, các bản hợp đồng giữa cầu thủ với CLB trước khi ký, cầu thủ sẽ có nơi để tham khảo. Rồi khi nẩy sinh tranh chấp, chính hiệp hội dạng thế này sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho giới quần đùi áo số.

Để hình dung sức mạnh của Hiệp hội cầu thủ nhà nghề, có thể lấy ngay ví dụ chuyện sắp diễn ra ở World Cup 2022, được tổ chức tại Qatar. Ngay khi FIFA tiết lộ rằng có khả năng FIFA chuyển thời điểm VCK World Cup 2022 sang thời điểm khác, lập tức Hiệp hội cầu thủ nhà nghề kêu gọi giới cầu thủ tẩy chay giải đấu này, vì việc dời thời điểm tổ chức VCK World Cup có thể gây đảo lộn lịch hoạt động của giới cầu thủ.

Ngay đến FIFA cũng ngán lời tuyên bố nọ, và nhiều khả năng họ sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất của chủ tịch Sepp Blatter, xung quanh chuyện dời thời điểm tổ chức VCK World Cup 2022.

Trong bóng đá Việt Nam, khi không phải đối diện với những đối trọng cỡ như thế, khi các cầu thủ không được bảo vệ bởi Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp, dễ thấy VFF dễ dàng phớt lờ các vụ tranh chấp, phớt lờ là đơn “kêu cứu khẩn cấp” của các cầu thủ K.Kiên Giang, dù nguy cơ họ bị đội bóng chủ quản “xù” tiền đang hiển hiện trước mắt.

Cũng cần phải nói thêm rằng bóng đá có đặc thù khác với nhiều lĩnh vực khác. Trong bóng đá, không hễ cứ đụng chuyện là lại lôi nhau ra tòa, vì nếu đụng chuyện gì cũng kiện tụng nhau, có lẽ giới bóng đá kiện nhau hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Thế nên, vai trò của các Hiệp hội mang tính nghề nghiệp càng quan trọng, bởi khi có tranh chấp, chính những Hiệp hội như thế này sẽ đứng ra giải quyết, tránh “Hình sự hóa” các tranh chấp trong môn thể thao vua.

Trọng Vũ