1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Các bên nói gì vụ Khu Liên hợp thể thao QG Mỹ Đình “biến dạng”?

(Dân trí) - Từ khi Khu Liên hợp thể thao QG Mỹ Đình được Bộ VH, TT&DL đồng ý cho tự chủ tài chính, rất nhiều loại hình kinh doanh mọc lên như nấm, gây mất cảnh quan và thiết kế.

Điều đáng nói, những loại hình kinh doanh chủ yếu phi thể thao, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Khu Liên hợp thể thao QG Mỹ Đình đã “tận dụng” để kiếm tiền, khiến khu Liên hợp bị “biến dạng”?

 

Khu LHTTQG được khởi công xây dựng ngày 6/12/2001 để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội. Khu LHTTQG có diện tích 247ha tại hai xã Mễ Trì, Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Chi phí xây dựng sân Mỹ Đình là gần 53 triệu USD, sức chứa 40.000 chỗ ngồi và là sân vận động hiện đại nhất VN hiện nay. Cùng giai đoạn 1 của dự án, ngoài SVĐ Mỹ Đình, còn có cung thể thao dưới nước có ba bể bơi với tổng vốn xây dựng khoảng 240 tỉ đồng. Sau SEA Games 23, giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được triển khai, với kinh phí 1.200 tỷ đồng.
 
Rạp xiếc nằm trọn trong khuôn viên sân Mỹ Đình
Rạp xiếc nằm trọn trong khuôn viên sân Mỹ Đình

 

Tuy nhiên sau đó do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại khu vực châu Á nên khoản kinh phí ày đã chưa thể bố trí được để thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Với chủ trương xã hội hóa, Bộ VH, TT&DL đã đồng ý cho Khu Liên hợp tự chủ tài chính và thí điểm kêu gọi đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, quĩ đất để thực hiện liên doanh, liên kết, mở rộng các hoạt động dịch vụ là nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại Khu Liên hợp Thể thao quốc gia, tạo thêm nguồn thu cho Khu Liên hợp, giảm chi cho Ngân sách Nhà nước. Được “mở cửa” cơ chế, phía Ban quản lý khu LHTTQG Mỹ Đình đã “tận dụng” triệt để khi tiến hành cho thuê mặt bằng, địa điểm, phòng ốc và thậm chí là cả mặt sân, vốn là nơi chỉ có các cầu thủ đá bóng được phép sử dụng.

 

Chỉ cần đi lướt qua sân Mỹ Đình, nhiều người cũng có thể nhìn thấy hàng chục loại hình dịch vụ như cà phê, cửa hàng nội, ngoại thất, nhà hàng, massage và thậm chí là cả...rạp xiếc.

 

Đặc biệt, ngay trước mặt tiền khán đài B hướng ra đường Lê Đức Thọ, một quán cafe to vật vã mang tên O2 được thiết kế hiện đại chẳng khác nào sàn nhảy. Xung quanh quán cafe này, là khu ẩm thực phố cổ, rạp xiếc, siêu thị nội thất và rất nhiều biển quảng cáo.

Trả lời trên báo chí, GĐ khu LHTTQG Mỹ Đình, cho rằng việc xây dựng nhà hàng, quán cà phê, siêu thị nội thất... chỉ đẹp thêm cảnh quan nơi đây (?!). Tuy nhiên, điều này trái ngược hoàn toàn với nhận xét của những người từng vào sân Mỹ Đình xem bóng đá vài năm trước.

 

Theo thống kê, hiện tại cả liên doanh, liên kết lẫn cho thuê dịch vụ có trên dưới 30 đơn vị với các dự án khác nhau tại khu LHTTQG Mỹ Đình. Với số lượng cho thuê dịch vụ này, ông Nghĩa cho biết, trong năm 2012, là năm đầu tiên khu LHTTQG tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, kế hoạch phấn đấu thu 35 tỷ đồng, Sau sáu tháng đầu năm đã thu được 19 tỷ đồng. Đây là số tiền đủ cho công tác chăm sóc cỏ, điện, nước, vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng, trả lương cho nhân viên... 
 
 

Nhiều người lo ngại sân Mỹ Đình sẽ bị méo mó vì hoạt động kinh doanh

 
Nhiều người lo ngại sân Mỹ Đình sẽ bị méo mó vì hoạt động kinh doanh

 

Không ai phản đối chuyện Khu LHTTQG Mỹ Đình “tăng thêm thu nhập” để có kinh phí, nhưng những loại hình cho thuê, đa số đều phi thể thao. Trả lời về vấn đề này, ông Nghĩa cho biết: Cơ sở vật chất công trình văn hóa thể thao phải gắn với tổ hợp dịch vụ phục vụ con người, sự kiện. Sân bóng đá không chỉ để đá bóng mà còn phải có công năng khác, có khách sạn, dịch vụ đi kèm. Thế mới phát triển được chứ”.

 

Trong khi đó, Tổng cục trưởng TC TDTT Vương Bích Thắng cũng đã có ý kiến tương tự: “Những dịch vụ này mở ra sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và thu hút được nhiều người đến sinh hoạt và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở Khu Liên hợp Thể thao quốc gia”.

 

Ông Thắng nhấn mạnh: “Thực tế ở các nước phát triển, tại các công trình lớn phục vụ thi đấu thể thao đều có các tổ hợp dịch vụ đi kèm để đáp ứng các nhu cầu của người dân khi đi xem hoặc tập luyện TDTT ở đó. Tôi cho rằng việc triển khai thực hiện một số dự án liên doanh, liên kết không thể làm biến dạng được Khu Liên hợp Thể thao quốc gia vì các dự án trên đều nằm ở các khu đất xen kẹt hoặc ở tương đối xa so với công trình đã được xây dựng”.

 

Được biết sắp tới, Ban Quản lý khu LHTTQG Mỹ Đình còn đề xuất quy hoạch hạng mục sân tập golf, khách sạn 5 sao để kết hợp phục vụ các đội thể thao trong nước và quốc tế đến thi đấu tại Khu Liên hợp.

 

Bằng Tường