Bóng đá Việt Nam và hiểm họa từ nguy cơ “vỡ” sân

(Dân trí) - Sự cố vỡ sân Vinh thực sự là một cảnh báo đầy sức nặng với những người tổ chức giải và BTC sân. Tuy nhiên, không ai dám chắc sự cố vỡ sân sẽ được chấm dứt, bởi bóng đá Việt Nam còn quá thiếu chuyên nghiệp.

Không chỉ có sân Vinh, các sân tại V-League đều chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh trước, trong và sau trận đấu. Sự cố vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng BTC cũng đành chấp nhận chờ may rủi. Để có một SVĐ đúng tiêu chuẩn, chẳng khác nào thách đố các đội, khi họ sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí khổng lồ để tu sửa, thậm chí là xây mới một cách đồng bộ.
 
Tình trạng vỡ sân ở V-League không phải trường hợp ít gặp - Ảnh: Gia Hưng

Tình trạng "vỡ" sân ở V-League không phải trường hợp ít gặp - Ảnh: Gia Hưng

Trong cuộc khảo sát hồi cuối năm ngoái của phái đoàn AFC, có một thực tế rất xấu hổ là dù V-League lên chuyên nghiệp hơn 10 năm nay, nhưng chỉ có đúng CLB duy nhất đáp ứng các tiêu chí của chuyên nghiệp là B.Bình Dương. Tại V-League, sân Gò Đậu của Bình Dương cũng là sân suy nhất đáp ứng yêu cầu tổ chức một trận đấu chuyên nghiệp. Những sân rất hoành tráng như Chi Lăng, Thống Nhất, Pleiku, Lạch Tray…cũng đều chưa đủ tiêu chuẩn.

Thực tế, Việt Nam còn có SVĐ Quốc gia Mỹ Đình với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng sân này hiếm khi có trận V-League nào được tổ chức tại đây.

Chuyện khán giả đến sân xem đông được xem như tín hiệu vui với nhà tổ chức, trong bối cảnh V-League lâu nay vẫn bị chê thiếu hấp dẫn. Thế nhưng, đi kèm với nó là những mối lo sự cố. Điều đáng nói, dù đã có nhiều sự cố trong quá khứ, nhưng cho đến nay, hầu hết các sân đều không đủ điều kiện để tổ chức những trận đấu chuyên nghiệp. Điều đó lý giải vì sao mới đây, sân Vinh đã suýt vỡ vì lượng khán giả đông kỷ lục ùa vào sân.

Ngoài điểm nóng sân Vinh, trong quá khứ, sân Thanh Hóa từng bị vỡ năm 2007, trong trận đội chủ nhà gặp Đà Nẵng. Khi đó, có khoảng hơn 3 vạn CĐV xứ Thanh đã tới cổ vũ, trong khi sức chứa của sân chỉ hơn 1 vạn. Hàng nghìn CĐV tràn xuống sân, nhưng rồi BTC sân vẫn cho tổ chức trận đấu. Hậu quả là khi Thanh Hóa không được công nhận bàn thắng, các khán giả đã chạy thẳng vào sân để “hỏi chuyện” trọng tài. Không còn cách nào khác, trọng tài Võ Minh Trí khi đó đã có cú bẻ còi lịch sử, công nhận bàn thắng cho Thanh Hóa, trước khi thổi còi kết thúc trận đấu vì lo sợ CĐV lại chạy vào sân làn nữa.

Sau này, các trọng tài đều tâm sự cảm thấy rất “run” mỗi khi tới làm nhiệm vụ ở sân Thanh Hóa.  Còn trên sân Chi Lăng ở mùa giải 2009, cũng xảy ra tình trạng vỡ sân khi lực lượng an ninh không thể kiểm soát nổi các CĐV tràn vào sân. Cũng như sân Thanh Hóa, các CĐV đã ngồi cả xuống đường piste, khiến đội khách vừa thi đấu vừa lo bị CĐV lao vào sân để “xử”.

Cũng ở mùa giải 2009, sân Lạch Tray bị vỡ trong trận ra mắt của ngôi sao Denilson đến từ Brazil. Trước đó, năm 2003 cảnh tượng hãi hùng trên sân Thiên Trường (Chùa Cuối) trong trận đội nhà tiếp đón HAGL với các ngôi sao Thái Lan trong đội hình.

Trước đó, trên sân Chùa Cuối (giờ là Thiên Trường) của Nam Định cũng từng bị vỡ sân ở mùa giải 2003. Còn rất nhiều sân cỏ khác cũng từng bị vỡ hoặc suýt vỡ. Vì thế mà dù mừng thầm khi CĐV đến sân đông, nhưng BTC cũng lo ngay ngáy vỡ sân có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Trưởng BTC giải Trần Duy Ly cho biết: “Chỉ có sân Bình Dương là tạm ổn và cũng được AFC công nhận. Các sân còn lại đều chỉ gọi là đủ tiêu chuẩn chứ không thể nói đạt chuẩn chuyên nghiệp”. Theo ông Ly, một sân chuyên nghiệp phải đáp ứng nhiều yếu tố ngặt nghèo. Thế nhưng trong quá trình khảo sát, đoàn kiểm tra của BTC giải thường chỉ lưu tâm nhiều đến mặt sân. Còn các yếu tố khác đều phải…thông cảm.

Sự thông cảm ở đây, chính là BTC cũng chẳng còn cách nào khác là phải chia sẻ khó khăn với các đội bóng. “Nhiều người cứ bảo phải yêu cầu các đội có sân đạt chuẩn mới cho thi đấu, như thế chẳng khác nào bảo họ đừng chơi, bởi kinh phí đầu tư một sân đạt chuẩn là rất lớn. Chỉ riêng một hạng mục như lắp giàn đèn hay cải tạo khu khán đài cũng đã ngốn quá nhiều tiền và phải có thời gian”, ông Ly chia sẻ.

Cho đến hiện tại, rất nhiều sân có cổng và hàng rào sơ sài. Các CĐV hoàn toàn có thể từ khán đài tràn xuống sân gây ra sự cố. Biện pháp duy nhất của BTC sân là tăng cường lực lượng an ninh và trông chờ vào ý thức của các CĐV, nhưng cũng rất khó kiểm soát nếu có sự cố xảy ra.

Bằng Tường

Dòng sự kiện: V-League 2014

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm