1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá Việt Nam: Phú quý giật lùi!

(Dân trí) - Những khó khăn liên tiếp cùng tình trạng nhiều ông bầu bỏ bóng đá khiến V-League và giải hạng Nhất giảm số lượng đội tham dự và bỏ chuyện xuống hạng ở các giải này. Tuy nhiên, thật khó nói rằng giải quốc nội không có đội xuống hạng là một sự tiến bộ?!

Trong lịch sử giải Vô địch Quốc gia (VĐQG) Việt Nam chỉ 1 lần giải đấu này không có chuyện xuống hạng, đó là hồi năm 1999. Khi đó, giải VĐQG được gọi với cái tên cúp Mùa Xuân, còn đội vô địch năm đó là Công an Hà Nội của tiền vệ nổi danh Vũ Minh Hiếu.

 

Tuy nhiên, đấy là một trong những giải đấu kém hấp dẫn nhất trong khoảng 20 năm qua của bóng đá nội, bởi việc không có đội xuống hạng khiến cho nhiều CLB không có động lực thi đấu, nhất là ở các vòng đấu cuối, còn tính cạnh tranh của giải cũng giảm đi đáng kể.

 

Riêng với Công an Hà Nội, dù họ lên ngôi đầu ở giải năm đó, nhưng làng cầu cả nước ít ai công nhận Vũ Minh Hiếu và các đồng đội là nhà vô địch thực thụ của bóng đá trong nước, khi họ chỉ đứng trên hàng loạt đội muốn đá chơi, do không còn yêu cầu cạnh tranh để tránh rớt hạng.
 
Bóng đá Việt Nam đang xuống dốc không phanh (Ảnh: Thục Linh)
Bóng đá Việt Nam đang xuống dốc không phanh (Ảnh: Thục Linh)

 

Sau 14 năm, bóng đá Việt Nam tầm mức CLB không những không có tiến bộ về khâu tổ chức mà còn nguy cơ quay lại cách tổ chức một giải đấu mang nặng tính hình thức (đá mà không lo xuống hạng thì là hình thức rồi còn gì!) trong mùa giải 2013 tới đây.

 

Đành rằng bóng đá Việt Nam đang trong cảnh suy thoái vì những thất bại liên tiếp trên bình diện quốc tế. Đành rằng bóng đá nội đang lao đao vì tình trạng hàng loạt đội bóng đã giải tán hoặc đang đòi nghỉ vì thiếu kinh phí. Đành rằng BTC cần nhiều đội tham gia giải để đảm bảo số trận đấu theo yêu cầu của nhà tài trợ.

 

VPF chắc chắn lo ngại tình trạng thiếu đội tham dự các giải đấu trong nước nên mới đặt ra cách tổ chức không có đội xuống hạng. Nhưng làm vậy có thể càng khiến cho giải đấu trong nước thêm mất giá.

 

Ai dám nói chắc là khi không còn áp lực phải xuống hạng, các đội bóng khi ra sân sẽ chiến đấu với tinh thần cao nhất? Khi đó, khán giả vốn đã quá chán ngán với những trận cầu nhạt nhẽo nhiều năm gần đây, sẽ càng chán hơn với cách thi đấu chẳng khác nào đá giao hữu của các đội bóng.

 

Một số người cho rằng nếu không chịu áp lực xuống hạng, các CLB sẽ mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, sử dụng cầu thủ trẻ cũng phải đúng cách. Cầu thủ trẻ thường chỉ tiến bộ nhanh nhất khi được đứng bên cạnh các đàn anh, được những người giàu kinh nghiệm dìu dắt, còn nếu hàng loạt đội bóng chỉ cử đội hình trẻ tham dự V-League, khi đó có khi giải vô địch quốc gia biến thành giải vô địch trẻ quốc gia.

 

Khi đề cập về vấn đề này, chủ tịch CLB Sài Gòn XT, ông Nguyễn Đức Thụy cho biết: “Tôi không đồng tình với cách điều hành của VPF. Tôi cũng không đồng tình với cách quản lý bóng đá trong nước nói chung của VFF. Chính cách điều hành kiểu này làm hại bóng đá Việt Nam”.

 

Khi VPF tiếp nhận quyền tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam, nhiều người đã đặt kỳ vọng rất lớn vào sự thay đổi về bản chất mà VPF mang lại. Nhưng có vẻ như VPF lại đang có nguy cơ đi vào chính vết xe đổ của VFF, tức là vo tròn vấn đề và xử lý các tình huống theo hướng dung hòa nhất.

 

Một giải đấu không có đội xuống hạng rõ ràng là một giải đấu không tính cạnh tranh. Trước giờ, cuộc đua giành quyền trụ hạng tại V-League các năm gần đây thậm chí còn hấp dẫn hơn, nhiều đội cạnh tranh hơn cả cuộc đua giành ngôi vô địch. Bây giờ, khi không còn chuyện xuống hạng, có thể người ta sẽ không còn được chứng kiến những cuộc đối đầu nẩy lửa kiểu như thế.

 

Dĩ nhiên, vấn đề vừa được VPF đưa ra chỉ mới là đề xuất, tất cả còn chờ VFF duyệt. Nhưng có thật sự nên hy vọng vào một sự sáng suốt hơn nơi VFF? - Bản thân tổ chức này cũng đang lao đao vì khả năng điều hành kém cỏi của mình, đồng thời đa phần bộ máy chóp bu của VFF thời điểm hiện tại đang bị dư luận đánh giá rất kém về năng lực chuyên môn và khả năng quản lý.

 

Bầu Thụy của Sài Gòn XT đã nhận xét: “Bóng đá Việt Nam cần những người dám nói dám làm ngồi ở vị trí lãnh đạo. Tôi rất lạ là có nhiều nhân vật có thể ngồi quá lâu ở vị trí của mình, trong khi bóng đá trong nước toàn đi xuống!”.

 

Lời ông Thụy nói dĩ nhiên có phần xuất phát từ bức xúc của riêng ông, nhưng tất cả những lời này không hẳn đều vô lý. Bóng đá Việt Nam sau 14 năm lại có nguy cơ quay về với điểm khởi đầu trước cả khi chúng ta tiến lên bóng đá chuyên nghiệp. Đúng là phú quý giật lùi!

 

Thiện Nhân