Bóng đá Việt Nam đang ở đâu tại Đông Nam Á?

(Dân trí) - Hai năm liền vào bán kết các giải đấu tầm khu vực, bóng đá Việt Nam dĩ nhiên vẫn nằm trong nhóm đội khá. Nhưng bị loại 2 lần liên tiếp ở vòng bán kết, cũng có nghĩa là chúng ta chưa có khả năng tranh chấp vị trí cao nhất...

Thiếu ổn định

Ngoài trừ Thái Lan giờ đã trên tầm khu vực, so với các nền bóng đá còn lại tại Đông Nam Á, rất khó nói các đại diện của bóng đá Việt Nam đứng trên hay đứng dưới họ? Dưới thời HLV Miura, các đội tuyển của chúng ta đã biết cách đánh bại Malaysia, Philippines. Nhưng ngặt nỗi, bây giờ, đến lượt Myanmar có thể hạ chúng ta, có thể trở thành rào cản của các đội tuyển Việt Nam.

Cần nhắc lại chi tiết Myanmar vốn trong khoảng 20 năm nay, cho đến trước SEA Games 2013 cách nay 2 năm, hầu như sa sút nhiều hơn là tiến bộ. Thế nhưng, khi họ có dấu hiệu quay lại, thế hệ cầu thủ trẻ của họ hiện tại lại có thể vượt mặt thế hệ cùng trang lứa của bóng đá Việt Nam.

Cụ thể, ngoài đội tuyển U23 Myanmar vừa thắng U23 Việt Nam ở bán kết SEA Games 2015, đội tuyển U19 của nước này còn vào đến VCK World Cup U20 thế giới, trong khi lứa Công Phượng và các đồng đội của tuyển U19 Việt Nam năm ngoái lại thất bại với mục tiêu tương tự.

Vấn đề của các đội tuyển Việt Nam từ năm ngoái đến năm nay là rất thiếu ổn định. Chúng ta có thể chơi bùng nổ trong những trận cầu ít được chờ đợi, thậm chí bị đánh giá là lép vế so với đối thủ (như trận thắng Philippines ở vòng bảng, thắng Malaysia ở bán kết lượt đi AFF Cup 2014), nhưng lại hay ngã ngựa trong những trận cầu đòi hỏi sự điểm tĩnh, khi đã nắm lợi thế trong tay (thua Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014, thua Myanmar ở bán kết SEA Games 2015).

Sự thiếu ổn định của đội tuyển U23 Việt Nam phản ánh đẳng cấp thấp của nền bóng đá nói chung
Sự thiếu ổn định của đội tuyển U23 Việt Nam phản ánh đẳng cấp thấp của nền bóng đá nói chung


Đấy có lẽ cũng là vấn đề liên quan đến đẳng cấp của nền bóng đá. Nếu là đẳng cấp trên người khác, có lẽ người ta sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố phong độ hay tâm lý trong từng trận đấu riêng lẻ (ví như Thái Lan, có thể có khi họ đá hay, có khi đá chưa thật hay, nhưng điểm chung là hay hoặc không hay thì họ vẫn đủ sức đánh bại các đối thủ khác, vì đẳng cấp họ cao hơn).

Chân đế không vững, phần ngọn đung đưa

Nhưng bây giờ nếu trách riêng đội tuyển, hoặc trách các thành viên của đội U23 Việt Nam đang dự SEA Games về sự thiếu ổn định của đội bóng này có lẽ là chưa đủ, và chưa thật công bằng đối với họ.

Nguyên nhân sâu xa hơn cho sự thiếu ổn định đấy chắc chắn bắt nguồn từ giải trong nước. Không thể đòi hỏi một đội tuyển giữ được sự ổn định khi mà ngay chính giải quốc nội cũng chẳng ổn định. Càng không thể đòi hỏi đội tuyển có đẳng cấp cao trong một nền bóng đá có phần chân đế nói chung là giải trong nước có chất lượng không cao.

U23 Việt Nam thất bại trước Myanmar trong trận bán kết SEA Games chủ yếu đến từ 2 nguyên nhân chính là chất lượng kỹ thuật và tâm lý thi đấu. Sự thiếu ổn định về mặt kỹ thuật, nhất là kỹ thuật dứt điểm khiến chúng ta không tận dụng các cơ hội triệt để bằng họ. Sự yếu kém về mặt tâm lý khiến cho đoàn quân của HLV Miura không biết cách giữ cái đầu lạnh trong những thời điểm không được phép mắc sai lầm (dạng như tình huống dùng tay chơi bóng dẫn đến phạt đền của Ngọc Thắng, hay sự phung phí của Hồng Quân).

Chất lượng của đội tuyển nói cho cùng chỉ phản ánh mặt bằng chung của toàn bộ nền bóng đá. Làm sao có được những thế hệ cầu thủ ổn định về mặt kỹ thuật khi người ta hết năm này đến năm khác cứ qua loa với khâu đào tạo (thậm chí cơ quan điều hành nền bóng đá còn sẵn sàng sửa đổi quy chế, để giúp một số đội lách luật, khỏi phải tham dự một vài giải đấu trẻ cấp quốc gia)? Làm sao có được dàn cầu thủ giàu bản lĩnh khi công tác sử dụng cầu thủ nội, nhất là cầu thủ trẻ vẫn chưa được chú trọng đúng mức?

Thành ra, thay vì cứ quanh quẩn với câu hỏi chúng ta có may mắn hay không khi bị loại ở bán kết SEA Games năm nay? Cứ phải nhìn thẳng vào điểm bóng đá Việt Nam bây giờ không mạnh, không đủ sức nằm trong nhóm tranh ngôi vô địch khu vực. Cứ thừa nhận những yếu kém của mình để biết yếu mà sửa, thay cho cái cách vụng chèo nhưng khéo chống của những người làm bóng đá suốt nhiều năm qua!

Trọng Vũ