DMagazine

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời "tiên tri" bị cười nhạo tới tham vọng "vỡ vụn"

(Dân trí) - Cựu danh thủ Fan Zhiyi từng bị cười nhạo khi nói Trung Quốc sẽ thua đội tuyển Việt Nam. Tất nhiên, ông chẳng vui vẻ gì khi "lời tiên tri" đúng sự thật nhưng rõ ràng bóng đá Trung Quốc đang tụt lại.

Trận thua đội tuyển Việt Nam vào đúng ngày Mồng 1 Tết là đỉnh điểm của nỗi thất vọng với đội tuyển Trung Quốc. Nhưng không phải tới sau khi nhận kết quả tồi tệ ấy mà từ rất lâu rồi, bóng đá ở xứ tỷ dân đã nhận báo động nhưng có chăng, họ vẫn lờ đi hoặc cố tình không để ý tới.

Thậm chí, vào năm 2013, sau khi chứng kiến đội tuyển Trung Quốc thua 1-5 trước Thái Lan, cựu danh thủ Fan Zhiyi từng dự đoán rằng một ngày nào đó, đội tuyển nước này sẽ thua cả đội tuyển Việt Nam. Cuối cùng, nó đã trở thành sự thật. Fan Zhiyi bỗng dưng "nổi tiếng bất đắc dĩ" bởi "lời tiên tri" cách đây 8 năm.

Có lẽ, trong thâm tâm, Fan Zhiyi không bao giờ muốn điều đó xảy ra và ông cũng chẳng vui vẻ gì khi đón nhận kết quả vừa qua. Nhưng khi giọt nước tràn ly, tất cả vỡ vụn. Thầy trò HLV Li Xiaopeng trở thành tâm điểm của những sự chỉ trích trong nhiều ngày qua. Có quá nhiều góc khuất được phơi bày.

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 1
Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 3

"Tôi ăn hải sâm mỗi ngày" - lời tuyên bố của đội trưởng đội tuyển Trung Quốc, Wu Xi cách đây ít ngày đã thực sự tạo ra sự phẫn nộ với những người hâm mộ bóng đá Trung Quốc. Trên nền tảng mạng xã hội Weibo, cụm từ "hải sâm" bỗng trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Trong khi đó, đoạn video ghi lại phát biểu của Wu Xi thu hút được cả triệu lượt xem.

Sự phẫn nộ là điều có thể hiểu được. Nó tới trong thời điểm những cầu thủ nam Trung Quốc đang bị chỉ trích dữ dội sau thất bại trước đội tuyển Việt Nam vào ngày Mồng 1 Tết. Sau đó, khi đội bóng đá nữ Trung Quốc vô địch châu Á, sức ép dồn lên vai thầy trò HLV Li Xiaopeng còn lớn gấp bội bởi những sự so sánh đã xuất hiện.

Trong đó, Wu Xi là gương mặt bị chỉ trích nhiều nhất. Tờ Sohu không ngần ngại gọi đội trưởng đội tuyển Trung Quốc là "kẻ hèn nhát" khi né bóng trong tình huống Hùng Dũng tạt bóng cho Tấn Tài mở tỷ số cho đội tuyển Việt Nam. Hình ảnh né bóng của Wu Xi được đặt cạnh pha dùng người cản bóng của nữ tuyển thủ Wang Xiaoxue trong trận chung kết cúp châu Á với đội nữ Hàn Quốc.

"Những chia sẻ của Wang Xiaoxue khiến nhiều cầu thủ bóng đá nam Trung Quốc như Wu Xi, Wang Shenchao, và Yan Junling phải cảm thấy xấu hổ" tờ Sohu nhấn mạnh.

Tất nhiên, thời điểm Wu Xi trả lời phỏng vấn về sự xa hoa của cầu thủ Trung Quốc đã xuất hiện từ lâu. Nó chứng kiến một thời kỳ mà những tuyển thủ quốc gia nước này sống "xa hoa", giống như những "ông hoàng".

Cho tới trước thời điểm Liên đoàn bóng đá Trung Quốc áp dụng "mức lương trần" với các cầu thủ nước ngoài và nội địa, thu nhập của cầu thủ nhập tịch Elkeson rơi vào khoảng 11,5 triệu euro/năm. Những cầu thủ gốc Brazil khác như Fernando, Luo Guofu hay Alan cũng đều thuộc top nhận lương cao nhất. Trong khi đó, những ngôi sao nội địa như Zhang Linpeng, Wu Xi… cũng nhận tới 2,1 triệu euro/năm (hơn 66 tỷ đồng). Với mức thu nhập ấy, việc họ ăn hải sâm mỗi ngày là… bình thường.

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 5

Trong khi đó, chế độ của các cầu thủ lên đội tuyển quốc gia cũng rất hậu hĩnh. Họ được di chuyển bằng máy bay hạng sang, ở khách sạn 5 sao. Tờ PP Sport từng tiết lộ, đội tuyển Trung Quốc từng thuê hẳn tầng 16 ở khách sạn đắt đỏ nhất UAE trong suốt một tháng để đội nhà chuẩn bị cho vòng loại thứ hai World Cup. Mức chi tiêu cho mỗi cầu thủ trong một ngày vào khoảng 1228 nhân dân tệ (hơn 4,3 triệu đồng) bao gồm tiền phòng, ăn uống, giặt là, sử dụng phòng họp…

Chi phí thưởng cho mỗi chiến thắng của đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 lên tới 6 triệu nhân dân tệ (hơn 21 tỷ đồng).

"Đó là thu nhập mà đội bóng đá nữ Trung Quốc nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới" - tờ Sohu nhấn mạnh.

Một thống kê từ Sporting Intelligence vào năm 2019 (trước khi một vài doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc phá sản), mức lương trung bình của các cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG Trung Quốc vào khoảng 8,45 triệu nhân dân tệ (tương đương 30 tỷ đồng) mỗi năm. Đây là giải đấu trả lương cao thứ 6 trên thế giới, chỉ sau… 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu là Anh, Italia, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Mức lương trung bình của các cầu thủ ở giải Trung Quốc gấp… 5 lần giải Nhật Bản (giải đấu tốt nhất châu Á).

Nếu muốn biết các CLB Trung Quốc tiêu tiền "điên rồ" ra sao, hãy nhìn vào điều này. Dario Conca, một cầu thủ vô danh ở làng bóng đá thế giới từng trở thành cầu thủ nhận lương cao thứ 3 thế giới với 26,5 triệu euro mỗi năm, chỉ xếp sau hai siêu sao Messi và C.Ronaldo.

Hay trước đó, Carlos Tevez từng nhận lương 730.000 euro/tuần khi sang Shanghai Shenhua thi đấu. Đó là mức lương cao nhất thế giới ở thời điểm bấy giờ. Và cũng cần nhấn mạnh rằng, trước khi sang Trung Quốc, Tevez chỉ là cầu thủ hết thời và không còn trụ nổi ở châu Âu.

Ngay cả những ngôi sao ở đỉnh cao phong độ như Oscar hay Alex Teixeira từng đi theo tiếng gọi của đồng tiền, mà theo họ mô tả là: "Quyết định tôi sang Trung Quốc thi đấu chỉ đơn thuần là vì tiền bạc". Đỉnh điểm cho việc tiêu tiền của giải VĐQG Trung Quốc là vào năm 2017 khi các CLB nước này đã có 5 lần phá kỷ lục chuyển nhượng ở châu Á, trong đó nổi bật là CLB Shanghai SIPG chi tới 60 triệu euro mua Oscar từ Chelsea.

Bóng đá Trung Quốc xây dựng theo mô hình đi tắt đón đầu. Thay vì đào tạo trẻ, họ tập trung vào thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới (dù không ít đã hết thời) và nhập tịch những cầu thủ nước ngoài. Trong thời kỳ đỉnh cao của bóng đá Trung Quốc, HLV Wenger từng lo ngại rằng: "Có một nguy cơ rằng những lời mời gọi điên rồ từ Trung Quốc sẽ trở thành tiêu chuẩn mới của bóng đá thế giới. Mọi thứ sẽ hỗn loạn".

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 7

Thế nhưng, như tờ ESPN từng nhận định: "Bóng đá Trung Quốc chỉ mạnh mẽ ở bên ngoài nhưng yếu ớt ở bên trong. Chỉ cần các nhà đầu tư rút phích cắm, tất cả sẽ tê liệt". Chuyên gia Ma Dexing có cùng quan điểm: "Số tiền bỏ ra tuy lớn nhưng nền tảng thực sự của bóng đá Trung Quốc quá yếu. Chỉ cần các tập đoàn hay doanh nghiệp gặp vấn đề về tài chính thì tất cả sẽ vỡ vụn".

Và rồi, những lo ngại đã trở thành hiện thực. Có một thực tế rằng, 11/16 đội bóng ở giải VĐQG Trung Quốc được tài trợ hoặc sở hữu bởi những tập đoàn bất động sản. Và khi bong bóng bất động sản "nổ tung" thì trái bóng tròn cũng liêu xiêu. Việc nhà vô địch bóng đá Trung Quốc, Jiangsu Suning phá sản chỉ vài tháng sau khi lên ngôi là ví dụ điển hình nhất. Hay ở mùa giải này, khi tập đoàn Evergrande sụp đổ, đội bóng mạnh nhất Trung Quốc là Guangzhou FC cũng "lung lay dữ dội" khi hàng loạt nhân tố ngoại như HLV Cannavaro, các cầu thủ nhập tịch Elkeson, Fernando, Alan… đều tháo chạy.

Nên nhớ, trước khi Evergrande sụp đổ, CLB Guangzhou còn đang bắt đầu triển khai xây dựng sân vận động có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, với tham vọng biến nơi đây trở thành sân đấu xa hoa bậc nhất thế giới. Nhưng giờ đây, nó vẫn còn là công trình dang dở, không biết ngày nào sẽ hoàn thành.

Và còn một sự thật khác đáng lo hơn thế. Theo tiết lộ của New York Times, nhiều lá đơn khiếu nại đội bóng Trung Quốc nợ lương. Tờ báo này cho biết: "Văn phòng của FIFA ở Zurich đang chất đống những lá đơn khiếu nại, từ những cầu thủ và HLV ở các đội bóng Trung Quốc. Họ sợ rằng các CLB khó có đủ tiền chi ra".

Tờ báo của Mỹ nhấn mạnh thêm: "Cách đây vài năm, bóng đá Trung Quốc được xem là thiên đường, với những ông chủ đầy tham vọng, những khoản chi tiêu không cần nghĩ để thu hút những ngôi sao bóng đá thế giới. Nhưng tất cả không có kế hoạch nào. Ngay cả ngày sụp đổ của bóng đá Trung Quốc cũng không được báo trước".

Trước tình hình đó, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đang phải làm tất cả để cứu vãn nền bóng đá khỏi sự sụp đổ. Mới nhất, họ đề xuất giảm mức lương trần của các cầu thủ nội (trước thuế) xuống chỉ còn 3 triệu nhân dân tệ (10 tỷ đồng) mỗi năm. Đây là mức giảm thứ ba chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây. Thậm chí, thu nhập của các cầu thủ Trung Quốc giờ đây chỉ nhiều hơn một chút so với các đồng nghiệp nữ.

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 9
Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 11

Câu chuyện ăn hải sâm của Wu Xi nêu trên chỉ là một ví dụ điển hình. Nhưng suy cho cùng, nó vẫn chỉ là "con sóng nhẹ" bởi đó là quyền cá nhân. Vẫn còn nhiều chuyện chấn động hơn thế, liên quan tới cả hệ thống.

Cách đây vài ngày, chuyên gia bóng đá Li Xuan đã khơi mào trong việc khơi ra những góc khuất của đội tuyển Trung Quốc. Trong đó, bà chỉ ra rằng những cầu thủ Trung Quốc đã sử dụng tiểu xảo, cố tình thua đội tuyển Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa của việc này là gì? Không ai có thể biết.

"Có những bằng chứng cho thấy trận thua của đội tuyển Trung Quốc với đội tuyển Việt Nam cách đây vài ngày chỉ là tiểu xảo. Ai đó cố tình thất bại ở trận đấu này để đẩy đội tuyển quốc gia vào đường cùng" - chuyên gia Li Xuan phân tích.

Theo một vài thuyết âm mưu được mô tả trên mạng, những cầu thủ Trung Quốc không hài lòng với ông thầy mới Li Xiaopeng và muốn "lật ghế". Thậm chí, tờ Sina còn chỉ đích danh những "con cừu đen" là Zhang Linpeng, Wu Xi, Wang Shenchao và Wu Lei. Họ là những người trực tiếp (hoặc gián tiếp) mắc sai lầm dẫn tới những bàn thua.

Tất nhiên, thứ tiểu xảo mà bà Li Xuan nhắc tới vẫn còn là nghi vấn. Nhưng có những bằng chứng chỉ ra rằng sai lầm của các tuyển thủ Trung Quốc là có thật. Tờ PP Sport đã đưa ra một vài bằng chứng cho thấy cầu thủ Trung Quốc "không hết mình". Như trận đấu với Nhật Bản, hậu vệ Wang Shenchao vụng về giúp Nhật Bản có được quả phạt đền sớm, khiến đội nhà gặp khó.

Hay như trận đấu với đội tuyển Việt Nam, Wang Shenchao tiếp tục là tội đồ khi không kèm người chặt trong tình huống Tấn Tài đánh đầu mở tỷ số. Hậu vệ này còn phòng ngự như đi dạo trong vòng cấm, khiến cho Trung Quốc nhiều lần bị đẩy vào vùng nguy hiểm. Không chỉ Wang Shenchao, nhiều cầu thủ khác của đội tuyển Trung Quốc còn thi đấu dưới sức trong trận đấu với đội tuyển Việt Nam.

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 13

Sau tiết lộ của bà Li Xuan, tới lượt bình luận viên của đài CCTV, Liu Jianhong tiết lộ thêm câu chuyện khiến làng bóng đá Trung Quốc rúng động, đó là tình trạng mua bán suất lên đội tuyển. "Bạn có biết không? Ở thời điểm này, suất vào đội tuyển quốc gia có khung giá rõ ràng. Thậm chí, bạn chỉ cần chuyển khoản, rồi muốn ra sân bao nhiêu trận tùy thích" - ông Liu Jianhong nhấn mạnh.

Nguy hiểm hơn, tình trạng mua bán này xuất hiện ở nhiều cấp độ đội trẻ. "Có một người đàn ông từng nhắn riêng cho tôi. Ông ta có một cậu con trai chơi bóng rất khá. Nó bắt đầu làm quen với bóng đá từ năm 6 tuổi. Khi ông ấy gửi con đến học viện để thi tuyển, thằng bé đã khiến những HLV vô cùng hài lòng về trình độ của nó. Thế nhưng, đến buổi tối hôm ấy, một HLV đã liên lạc để ra giá với ông bố. Sau đó, ông đã phải bỏ cuộc. Không phải vì ông ấy thiếu tiền mà vì hiểu rằng, nếu muốn con trai theo con đường đá bóng chuyên nghiệp thì sẽ phải chi ra số tiền rất lớn. Giờ đây, các học viện bóng đá ở Trung Quốc coi bóng đá là công cụ để kiếm tiền" - bình luận viên Liu Jianhong.

Tất nhiên, những tiết lộ của ông Liu Jianhong cũng chưa được kiểm chứng. Nhưng không phải là thiếu căn cứ. Nguyên nhân dẫn tới việc HLV Li Tie bất ngờ từ chức không phải là vì thành tích kém của đội tuyển quốc gia mà vì… những bê bối.

Chiến lược gia sinh năm 1977 từng có nhiều sai phạm khi làm việc ở CLB Vũ Hán. Trong đó, ông đã lập nên nhiều công ty "sân sau" để trục lợi. Những cầu thủ muốn thi đấu cho Vũ Hán buộc phải ký hợp đồng với những công ty này (trên danh nghĩa là công ty đại diện).

HLV Li Tie còn được cho là đã nắm quyền kiểm soát hợp đồng và phân chia tiền thưởng ở đội Vũ Hán. Nếu như các cầu thủ từ chối ký hợp đồng với công ty của Li Tie sẽ bị gây khó dễ và thậm chí không được ra sân.

Và đương nhiên, có thể sẽ còn nhiều góc khuất nữa vẫn chưa được phơi bày ra ánh sáng. Chỉ sau một trận thua trước Việt Nam, bóng đá ở đất nước tỷ dân đã thực sự rung chuyển. Nó đòi hỏi những người làm bóng đá nước này cần phải có biện pháp cần thiết, để ngăn chặn tình hình trước khi quá muộn. Không phải ngẫu nhiên, một cuộc điều tra mua bán suất lên đội tuyển Trung Quốc đã được Liên đoàn bóng đá nước này bắt đầu mở ra.

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 15
Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 17

Cách đây 8 năm, cựu danh thủ Fan Zhiyi từng bị cười nhạo vì phát ngôn của mình. Nhưng giờ đây, khi mọi thứ đang dần sụp đổ, những người làm bóng đá Trung Quốc mới thực sự nhìn nhận lại chính mình.

Không phải là không có cảnh báo trước đó, nhưng có lẽ, những thành viên của đội tuyển Trung Quốc "không sợ súng". Chỉ tới khi lâm vào khó khăn, họ mới càng thấm thía. Cách đây 20 năm, họ từng bước lên đỉnh cao với tấm vé dự World Cup. Nhưng đó mãi là câu chuyện của quá khứ và không thể bấu víu vào đó. Hiện tại khốc liệt hơn rất nhiều với bóng đá Trung Quốc.

Cùng với sự vươn lên của đội tuyển Việt Nam trong những năm qua, giới truyền thông nước này từng có cái nhìn và định hướng rõ hơn về vấn đề phát triển bóng đá. Cách đây một năm, tờ Sina từng viết: "Thực tế, trong quá khứ, đội tuyển Trung Quốc chưa bao giờ thất bại trước Việt Nam ở giải đấu lớn nào. Nhưng hãy nhìn sự lớn mạnh của bóng đá Việt Nam những năm qua. Liệu chúng ta có còn tự tin thắng nổi họ?

Từ năm 2016 tới nay, các đội bóng trẻ của Việt Nam đã gây tiếng vang lớn như việc lọt vào giải U20 thế giới. Đỉnh cao nhất của Việt Nam là năm 2018 khi giành á quân giải U23 châu Á, lọt vào bán kết ASIAD, vô địch AFF Cup. Những thành tích này là nhờ vào quá trình đào tạo trẻ bài bản của bóng đá Việt Nam trong một thập kỷ qua. Họ dựa vào lối chơi chuyền ngắn, nhanh nhẹn và linh hoạt. Họ đã thực sự tìm ra con đường để vươn lên".

Bên cạnh đó, tờ Sina từng lấy học viện HAGL của bầu Đức như là hình mẫu của sự phát triển bền vững. Lứa thế hệ của Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường... chính là hạt nhân đầu tiên cho sự phát triển rực rỡ như hiện nay. Không những vậy, ở Việt Nam còn có nhiều lò đào tạo chất lượng khác như CLB Hà Nội, PVF, SL Nghệ An...

Nói Trung Quốc không phát triển bóng đá trẻ thì không đúng. Thậm chí, hệ thống đào tạo trẻ của họ khá sâu rộng, từ cấp độ trường học, đến các lò đào tạo. Hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm được chi ra để phát triển bóng đá cấp cơ sở.

Thế nhưng, không phải đứa trẻ Trung Quốc nào cũng muốn trở thành cầu thủ. Thay vào đó, chúng chơi thể thao chỉ để… có sức khỏe hoặc các bậc phụ huynh cần tìm một môi trường trông coi con em của họ. Chỉ có thành công của đội tuyển quốc gia mới khơi dậy lòng đam mê, tự hào của các em nhỏ nhưng giờ đây, nó là điều quá xa vời.

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 19

Ngoài ra, thực trạng mua bán suất (nếu có) cũng ngăn cản giấc mơ chơi bóng của không ít những đứa trẻ nghèo. Như tờ Sina bình luận: "Việc nuôi dưỡng và phát triển những cầu thủ giỏi đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền bạc. Chính vì vậy, bất kỳ ai cũng muốn có được sự cạnh tranh công bằng. Không thể để những kẻ không có năng lực dùng tiền để có suất ở đội tuyển. Nếu như vậy, bóng đá Trung Quốc sẽ thực sự đâm vào ngõ cụt.

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cần hiểu rằng nếu có chuyện nhận tiền thì thực sự là câu chuyện táo tợn. Họ cần phải đưa ra lời khẳng định với cả thế giới, chứ không chỉ dư luận trong nước. Những kẻ vi phạm (nếu có) cần phải bị trừng trị nghiêm khắc.

Nếu muốn đưa đội tuyển Trung Quốc tiến lên, việc phát triển bóng đá trẻ là chưa đủ. Điều quan trọng là phải thanh lọc những "con sâu" để tạo nên môi trường bóng đá trong sạch, lành mạnh, để những cầu thủ có năng lực có thể cống hiến cho đội tuyển quốc gia".

Bên cạnh đó, nền tảng đào tạo của bóng đá Trung Quốc cũng không quá tốt. Danh thủ Tim Cahill từng chia sẻ: "Một ngày nọ, con trai tôi nói rằng nếu như tôi tiếp tục ở lại Trung Quốc thì sẽ không tốt cho sự phát triển bóng đá của nó. Vì vậy, tôi đã quyết định ra đi".

Nói vậy để thấy rằng, để tạo môi trường đào tạo tốt như Việt Nam và nhiều quốc gia khác không phải là điều dễ dàng. Nó cần cái tâm, cái tầm của những người làm bóng đá và sự phát triển của cả hệ thống. Mọi thứ không thể nào đồng bộ nếu như không có sự thống nhất tới từ nhiều cấp độ khác nhau.

Vì lẽ đó, ngay cả khi bóng đá Trung Quốc thuê cả những HLV hàng đầu thế giới như Fabio Cannavaro, Marcello Lippi, Guus Hiddink, Jose Antonio Camacho, hay Alain Perrin về dẫn dắt thì tình hình vẫn không thể khá hơn. Bởi lẽ, họ không phải phù thủy để biến những nhân tố không đủ tốt trở thành tập thể vững mạnh.

Bóng đá Trung Quốc: Từ lời tiên tri bị cười nhạo tới tham vọng vỡ vụn - 21

Bên cạnh đó, với nền bóng đá mất định hướng như Trung Quốc, họ cũng thiếu đi một HLV có thể mang tới sự gắn kết tốt như Park Hang Seo. Gần đây, tờ Sohu từng nhấn mạnh: "Nếu phải chọn HLV nước ngoài ở thời điểm này, có lẽ Liên đoàn bóng đá Trung Quốc nên học hỏi đội tuyển Việt Nam. Trước đây, đội tuyển Việt Nam rất yếu và có thực lực kém xa đội tuyển Trung Quốc nhưng sau khi HLV Park Hang Seo nhậm chức, họ đã tiến bộ chóng mặt. Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Trung Quốc mới đây là kết quả của quá trình huấn luyện lâu dài của HLV người Hàn Quốc".

Việc đập đi xây lại từ đầu là cần thiết với đội tuyển Trung Quốc lúc này. Tất nhiên, nếu gặp lại đội tuyển Việt Nam vào một ngày nào đó, họ có thể thắng. Nhưng đó chỉ là một chiến thắng cụ thể và không phản ánh điều gì. Về khát vọng vươn tầm dự World Cup, họ đã thất bại từ lâu. Có chăng, thất bại trước đội tuyển Việt Nam vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly, đủ để họ nghĩ về cuộc cách mạng thực sự.

Nội dung: H.Long

Thiết kế: Nguyễn Vượng