Bí ẩn cách duy trì tâm lý "vững như bàn thạch" của Djokovic
(Dân trí) - Sau khi thua hai set trước Tsitsipas, Djokovic bất ngờ xách đồ đi vào đường hầm giống như ở trận gặp Musetti. Không hiểu Nole "làm gì", chỉ biết rằng khi trở lại anh thi đấu thăng hoa như "lên đồng".
Novak Djokovic bắt đầu trận chung kết Roland Garros 2021 với chút khó khăn trước sự quyết tâm và mạnh mẽ của Stefanos Tsitsipas. Tay vợt 22 tuổi người Hy Lạp đeo bám Djokovic trong set đầu tiên, thậm chí vùng lên khiến Djokovic không thể tận dụng được lợi thế sau khi có break bản lề, Tsitsipas đã chiến đấu như một chiến binh để giành chiến thắng set đầu tiên sau loạt tie-break.
Tsitsipas tiếp tục gây khó khăn cho Djokovic trong set đấu thứ hai, tay vợt người Hy Lạp sớm giành lợi thế với break rồi nhanh chóng tiến thẳng tới chiến thắng. Tsitsipas đã áp đảo đối thủ khi thời gian thi đấu set thứ hai chỉ bằng một nửa set thứ nhất. Với hai set thắng, Tsitsipas cần thêm một set thắng nữa sẽ chạm tay vào chiến thắng chung cuộc. Tuy nhiên, với những người theo dõi Djokovic lâu năm, tất cả đều cảm nhận được rằng, cuộc chiến với Nole mới chỉ bắt đầu.
Rất nhanh chóng, Djokovic đưa ra hành động của mình. Sau khi chủ động buông giai đoạn cuối để kết thúc nhanh set hai, Djokovic lao nhanh về khu vực để đồ đạc cá nhân. Không ngồi nghỉ ngơi trên ghế như đối thủ, Djokovic xách túi đồ đi vào đường hầm, giống hệt những gì anh đã làm trong trận đấu tại vòng bốn với Lorenzo Musetti.
Ở trận đấu với tài năng trẻ 19 tuổi người Italia, Djokovic bị đối thủ quật ngã trong hai set đầu tiên sau những loạt tie-break "căng như dây đàn". Những gì Musetti thể hiện trước Djokovic trong hai set đầu quá ấn tượng, tạo những cảm giác anh có thể cuốn phăng tay vợt số 1 thế giới. Kết thúc set hai, Djokovic xách túi đồ đi vào đường hầm, chẳng ai biết anh làm gì trong phòng thay đồ. Chỉ có điều, khi trở lại Djokovic lột xác hoàn toàn trên sân đấu, anh như trở thành một tay vợt khác.
Bằng một phong độ xuất sắc hơn hẳn, Djokovic nhanh chóng nhấn chìm Musetti trong hai set tiếp theo, với tổng thời gian thi đấu còn chưa bằng một set trước đó và xóa bỏ hoàn toàn mọi lợi thế của đối thủ. Musetti bỏ cuộc do chấn thương ở giữa set năm, điều đó giúp tay vợt trẻ rút lui trong danh dự, vì nếu tiếp tục thi đấu Djokovic cũng sẽ dễ dàng thổi bay đối thủ.
Khi Tsitsipas ngồi đợi chờ Djokovic trở lại sân trong trận chung kết, có chút gì đó bất an với tay vợt người Hy Lạp. Quả thật, những lo lắng đã thành sự thật khi lịch sử đã lặp lại. Sau khi từ đường hầm đi ra, Djokovic thi đấu tốt hơn hẳn, luôn ở thế thượng phong và giành chiến thắng liên tiếp ba set (6-3, 6-2, 6-4) tạo nên màn lội ngược dòng thần kỳ để giành cúp vô địch.
Sau trận đấu, Tsitsipas cho biết: "Djokovic rời sân sau set thứ hai, rồi trở lại giống như một tay vợt khác hoàn toàn. Anh ấy đã chơi thực sự tốt, không cho tôi khoảng không. Tôi cảm thấy như anh ấy đột ngột có thể đọc trận đấu của tôi tốt hơn một chút".
Djokovic làm gì sau khi đi vào đường hầm trong cả hai trận đấu là việc khiến nhiều người tò mò. Sau trận chung kết Roland Garros, Djokovic bật mí về vũ khí khiến anh thăng hoa trong những trận đấu tưởng như anh đã cầm chắc thất bại.
"Tôi chưa bao giờ nói ra về việc tự nói chuyện với chính mình, nhưng tôi luôn ghi nhớ những cuộc trò chuyện trong đầu. Luôn có hai giọng nói trong đầu tôi, một nói rằng tôi không thể làm được gì nữa, rằng cuộc chiến đã kết thúc. Giọng nói ấy vang lên khá mạnh sau set thứ hai", Djokovic nói.
"Tôi cảm thấy rằng đó là thời điểm thích hợp để giọng nói thứ hai vang lên. Tôi cố gắng kìm nén giọng nói đầu tiên nói rằng tôi không thể lội ngược dòng. Tôi tự nhủ mình có thể làm được và tự động viên mình. Tôi hạ quyết tâm, bắt đầu lặp lại điều đó trong tâm trí nhiều hơn, cố gắng duy trì duy nhất giọng nói ấy trong đầu".
"Khi tôi bắt đầu chơi ở set thứ ba, đặc biệt là trong vài game đầu tiên, tôi đã thấy trận đấu của mình diễn ra như thế nào, nó hỗ trợ tiếng nói thứ hai tích cực hơn, đáng khích lệ hơn. Sau đó không còn nghi ngờ việc tôi có thể lội ngược dòng".
Cách Djokovic lấy lại tinh thần ở vào những thời khắc khó khăn trong những trận đấu "sinh tử" quả thật độc đáo. Thông thường khi đứng trước áp lực, các tay vợt sẽ ít nhiều cảm thấy lo lắng, còn với riêng Djokovic, càng áp lực anh thi đấu "càng hăng". Đó là sự khác biệt lớn giữa Djokovic với các tay vợt khác, bao gồm cả những tay vợt hàng đầu thế giới như Rafael Nadal, Roger Federer.
Tất nhiên, Djokovic không chỉ có một chiêu "tự nói chuyện trong phòng thay đồ" để xử lý những vấn đề về tâm lý. Ở trận tứ kết Roland Garros gặp Matteo Berrettini, sau khi bỏ lỡ match-point, Djokovic bực tức tự nói lảm nhảm rồi sút tung tấm biển quảng cáo. Đó là điều khiến nhiều người bất ngờ, bởi khi đó Djokovic đang chiếm lợi thế, không phải ở thế bám đuổi.
Hành động của Djokovic được anh giải thích để trút bỏ mọi bực tức chất chứa trước đó. Quả thật, ngay sau khi sút méo tấm biển, Djokovic đã bẻ game thành công để giành chiến thắng trước Berrettini. Nhìn lại quá khứ, Djokovic cũng rất nhiều lần tự nói lảm nhảm, hò hét hay đập nát vợt để giải tỏa tâm lý mỗi khi muốn trút bỏ bực tức.
Cách Djokovic xây dựng và giữ vững tinh thần cho bản thân ở các trận đấu khá kỳ lạ, không giống một ai. Cho dù những hành động của Djokovic khiến nhiều người thấy "kém sang", nhưng khi mọi thứ vẫn ở trong tầm kiểm soát thì việc Nole dùng "tuyệt chiêu" cũng chẳng có gì để phàn nàn. Xét cho cùng, lịch sử luôn chỉ vinh danh người chiến thắng.