Bạo lực sân cỏ thành thói quen ở V-League

(Dân trí) - Cần nhắc lại chi tiết các vòng đấu cuối của V-League hầu như không còn ý nghĩa tranh chấp thứ hạng với hàng loạt đội bóng. Nhưng thật lạ là trong bối cảnh ấy, bạo lực vẫn xuất hiện như thể đấy là thói quen của cầu thủ nội.

Pha vào bóng rợn người của Quế Ngọc Hải (SL Nghệ An), khiến Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) gãy chân diễn ra trong bối cảnh mà đội bóng xứ Nghệ hầu như không còn động lực ở V-League năm nay.

Thậm chí, cách đó ít vòng đấu, chính các cầu thủ SL Nghệ An còn tỏ thái độ… thương người, rồi đá không quyết liệt trong trận đấu với HA Gia Lai trên sân Pleiku (như phát biểu của lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ). Ấy thế mà họ lại vào bóng ác ý với người khác, ở một trận đấu cũng chẳng lấy gì làm căng.

Có lẽ cũng chẳng còn cách giải thích nào ngoài chuyện việc đá bóng thô bạo, thô bạo đến mức ác ý dường như đã trở thành thói quen của một bộ phận cầu thủ, dẫn đến chuyện họ đá dữ ngay cả trong những trận đấu chẳng mấy có ý nghĩa về việc cạnh tranh vị trí.

 

Pha vào bóng của Ngọc Hải dẫn đến chấn thương của Anh Khoa (SHB Đà Nẵng)
Pha vào bóng của Ngọc Hải dẫn đến chấn thương của Anh Khoa (SHB Đà Nẵng)

 

Cũng vì thói quen đấy mà năm ngoái mới có cảnh Đình Đồng của chính SL Nghệ An đạp gãy chân Anh Hùng của HV.An Giang tại V-League, với tính chất không khác mấy so với pha vào bóng của Ngọc Hải nhằm vào Anh Khoa bây giờ.

Nên biết rằng HV.An Giang năm ngoái được liệt vào nhóm có nguy cơ rớt hạng, về lý thuyết không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, không phải là đối thủ tranh chấp với SL Nghệ An. Thành ra, càng không thể nói trận SL Nghệ An - HV.An Giang năm ngoái là trận đấu theo kiểu một mất một còn.

Rồi cách nay mấy vòng đấu là màn “đấu võ” giữa 2 đội Than Quảng Ninh và Hải Phòng trên sân Cẩm Phả. Một trận đấu có đủ thẻ đỏ, có cầu thủ phải rời sân bằng xe cứu thương và có màn đốt pháo sáng trên khán đài. Cho dù, đấy cũng là trận đấu giữa 2 đội bóng chẳng còn mục tiêu quá lớn ở mùa giải năm nay.

Cả Than Quảng Ninh và Hải Phòng đều không còn khả năng vô địch, cũng không phải lo rớt hạng trong thời điểm ấy, vậy mà vẫn đá bóng như chỉ chực đánh nhau.

Nếu tính luôn màn nhảy xổ vào nhau giữa cầu thủ 2 đội Hà Nội T&T và HA Gia Lai trên sân Pleiku ở vòng 24 thì chỉ trong mấy vòng cuối V-League, bạo lực tăng mạnh hơn hẳn giai đoạn đầu.

Cũng kỳ thực là tình trạng bạo lực ấy không hề phản ánh tính chất quyết liệt của giải đấu, cũng chẳng phản ánh tính chất căng thẳng của các trận đấu nhuộm màu bạo lực (có mấy người nói trận HA Gia Lai – Hà Nội T&T ở vòng 24 là trận đấu căng thẳng về mặt tính chất?). Bạo lực hầu như chỉ phản ánh rằng các cầu thủ đôi khi lao vào nhau như một thói quen.

Lại một điểm trừ cho V-League, điểm trừ cho giải đấu chẳng hề tăng về chất lượng, không tăng về tính cạnh tranh, nhưng kể cả khi thiếu tính cạnh tranh mà bạo lực vẫn không hề giảm!

Kim Điền

 

Bạo lực sân cỏ thành thói quen ở V-League - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm