Tổng quan Copa America 2011
Bảng C: Bảng “tử thần”
(Dân trí) - Nếu như ở 2 bảng A và B Argentina và Brazil tỏ ra quá vượt trội và hầu như sẽ cầm chắc ngôi đầu thì ở bảng C tình hình hoàn toàn khác. Với sự góp mặt của Chile, Mexico, Uruguay và Peru đây chính là bảng “tử thần” của giải lần này...
Uruguay được đánh giá cao với lực lượng rất mạnh
Uruguay: Ứng cử viên hạng nặng
Không được đánh giá cao khi World Cup 2010 mới bắt đầu, thế nhưng La Celeste đã trở thành “ngựa ô” của giải khi vào đến tận Bán kết trước khi chịu dừng bước trước Hà Lan với tỷ số 2-3. Cũng tại đây Diego Forlan còn giành Quả bóng vàng cho cầu thủ xuất sắc nhất giải. Cùng lúc đó màn trình diễn của những Luis Suarez hay Diego Lugano đã thực sự thu hút được những CLB lớn tại châu Âu.
Với không ít người, thành công của Uruguay có thể là bất ngờ nhưng nếu để ý kỹ hơn, họ hoàn toàn xứng đáng với thành tích ấy khi sở hữu một lực lượng đẳng cấp cùng chiến thuật rất hợp lý. Trên hàng công ngoài Forlan, Uruguay có những tên tuổi hàng đầu châu Âu là Suarez (Liverpool) và Edinson Cavani (Napoli).
Ở hàng thủ hòn đá tảng Lugano cùng Diego Godin dũng mãnh tạo thành bức tường thép trước cầu môn. Ngay cả trên băng ghế dự bị họ cũng có những gương mặt chất lượng như Nicolas Lodeiro (Ajax) hay Walter Gargano (Napoli). Rõ ràng tài năng là điều Uruguay không hề thiếu.
Tại các kỳ Copa America trước đây, đội bóng áo xanh trắng cũng đã 4 lần liên tiếp vào đến Bán kết. 4 năm trước họ chỉ chịu thua Brazil trên chấm 11m, đội sau đó đăng quang ngôi VĐ. Năm 2004, Uruguay cũng bị chính các “vũ công samba” ngáng đường ở Bán kết trong loạt luân lưu nhưng sau đó đã thắng trong trận tranh giải Ba.
Suarez và Cavani là mối đe dọa cho mọi hàng thủ
Năm 2001 họ thua Mexico ở Bán kết còn trước đó 2 năm Uruguay cũng chỉ chịu bại trận trước Brazil ở trận Chung kết. Nhưng lần này các CĐV của họ có quyền hy vọng vào danh hiệu cao nhất cho dù Argentina và Brazil mới là những đội kèo trên. Trước hết, sẽ khó có hàng thủ nào cưỡng lại được bộ 3 tấn công của Uruguay.
Sau thành công vang dội ở World Cup 2010, Forlan dù không chơi thực sự ấn tương tại Atletico nhưng vẫn có 5 lần lập công ở ĐTQG. Suarez thì thực sự là cứu tinh của Liverpool dù chỉ đến trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông sau 3 năm rưỡi làm mưa làm gió tại Hà Lan. Nguy hiểm hơn cả chính là Cavani. “Sát thủ” này đã ghi tổng cộng 33 bàn sau 47 trận đấu cho Napoli mùa trước, trong đó, có 26 bàn sau 36 trận ở Serie A.
Thông thường Uruguay sẽ ra sân với Forlan là mũi nhọn cao nhất được hỗ trợ bởi Gaston Ramirez, Suarez và Cavani. Tuy nhiên với sự cơ động của mình khi cần Suarez và Cavani đều có thể dâng cao trực tiếp ghi bàn, khiến các hậu vệ đối phương không kịp trở tay. Tiền đạo của Liverpool rất nhanh nhẹn và khôn khéo trong việc chọn khoảng trống và chớp thời cơ.
Trong khi đó Cavani có thể hình cùng khả năng không chiến rất tốt. Cho dù được bố trí đá giãn biên nhưng anh luôn sẵn sàng chạy cắt vào trong để đón các quả tạt của đồng đội hoặc dốc bóng tự dứt điểm. Rõ ràng với bộ 3 này Uruguay không khác nào một “quái vật” 3 đầu, có rất nhiều lựa chọn để hạ gục đối thủ.
Ở bên phần sân nhà, họ còn nguyên bộ khung từng tỏa sáng tại World Cup 2010 trong đó Lugano và Godin sẽ là những chốt chặn vững chắc. Trong 5 trận đấu đầu tiên tại Nam Phi mùa Hè năm ngoái, Uruguay chỉ để lọt lưới 2 bàn. Điều đó là đủ để cho thấy La Celeste đã sẵn sàng nghênh tiếp mọi đối thủ. Và nếu đội nào muốn đăng quang tại giải lần này, chắc chắn trước hết họ phải vượt qua được Uruguay.
Đội hình dự kiến: (4-2-3-1)
Fernando Muslera; Martin Caceres, Diego Godin, Diego Lugano, Maxi Pereira; Diego Perez, Egidio Arevalo, Gaston Ramirez; Luis Suarez, Edinson Cavani, Diego Forlan
Peru: Khó tạo bất ngờ
Ở vào một bảng đấu quá khó khăn với cả 3 đối thủ Mexico, Chile và Uruguay đều có đẳng cấp vượt trội, Peru sẽ khó có cơ hội để tranh chấp 2 vị trí cao nhất. Mọi hy vọng của họ nếu có sẽ chỉ là đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất.
Nếu mất nốt Farfan, Peru thực sự gặp khó
Dù vậy ngay cả mục tiêu này cũng khó khăn bởi họ đến với giải lần này mà không có thủ quân đồng thời là cầu thủ giàu kinh nghiệm đỉnh cao nhất: Claudio Pizarro. Tiền đạo từng khoác áo Bayern, Chelsea và Bremen này dính chấn thương và không kịp bình phục. Vắng anh Peru không chỉ mất đi một tiền đạo càn lướt và dứt điểm tốt mà có thể phải thay đổi cả chiến thuật của mình
“Peru đã mất rất nhiều khi Pizarro không thể góp mặt. Tình hình của chúng tôi thật khó khăn”, HLV Sergio Markarián thừa nhận. “Chúng tôi buộc phải xây dựng một đấu pháp mới để tiếp tục chiến đấu”. Ngoài tổn thất này Peru cũng còn đối mặt với nguy cơ mất tiền vệ đang khoác áo Schalke Jefferson Farfan. Trong buổi tập hôm 24/6 cũng anh bị ngã khá mạnh và chưa rõ có kịp trở lại trong trận mở màn.
Bởi vậy nhiều khả năng trận đấu đầu tiên với Uruguay, Peru sẽ phải ra sân với đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ. Đây là thử thách lớn bởi trong 18 lần gặp nhau từ trước đến nay họ đã để thua đến 11 trận và chỉ có 6 trận thắng. Cơ hội giành điểm lớn nhất của thầy trò Markarián trong 3 trận vòng bảng sẽ là trước Chile, đội họ có thành tích đối đầu rất cân bằng với 6 trận thắng, 6 hòa và 6 thua sau 18 lần gặp mặt.
Hoàng Tùng