1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bài toán khó với các công trình tổ chức Asiad 18

(Dân trí)-Việt Nam sẽ không xây mới nhiều nhà thi đấu phục vụ cho Asiad 2019, mà phần lớn sử dụng lại những công trình phục vụ cho SEA Games 22 năm 2003. Điều đáng nói đây là những công trình có quy mô tầm khu vực, lại đang xuống cấp sau nhiều năm không được sử dụng hiệu quả, liệu có đủ điều kiện tổ chức Asiad?

Theo phương án của Bộ VH, TT&DL thì kinh phí từ ngân sách nhà nước dự kiến chi cho công tác tổ chức ASIAD 18 là 3.150 tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD. Mức này ngang với tổng chi cho SEA Games cách đây 10 năm. Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm, 80% cơ sở vật chất từ SEA Games 22 năm 2003 để lại sau khi được duy tu, bảo dưỡng, mở rộng có thể phục vụ cho Asiad 18, nên nếu chúng ta biết tiết kiệm thì sẽ tổ chức Asiad 18 thành công.


Cung điền kinh đang hoạt động không hiệu quả

Cung điền kinh đang hoạt động không hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: "Chúng ta đã có sẵn 80% số lượng công trình phục vụ thi đấu Asiad, nhưng để phục vụ thi đấu được thì cần nâng cấp, sửa chữa và số kinh phí dự kiến cho việc này khoảng 2.600 tỷ đồng. Còn dự kiến các công trình xây mới cần nguồn kinh phí 3.000 tỷ nữa”.

Việt Nam có thể tận dụng cơ sở vật chất vốn có, được xây dựng từ cách đây hơn 10 năm nhằm phục vụ cho SEA Games. Tuy nhiên, chắc chắn những công trình này sẽ phải nâng cấp, thậm chí là tăng thêm chỗ ngồi và lắp đặt nhiều hệ thống, thiết bị hiện đại để phục vụ cho sân chơi lớn nhất châu lục như Asiad. Như vậy, số tiền bỏ ra cho việc này cũng không hề nhỏ. Huống hồ, từ SEA Games 22 tới nay, những công trình thể thao trên hầu hết đều không được bảo dưỡng thường xuyên, dẫn đến việc bị xuống cấp.

SVĐ Quốc gia Mỹ Đình với kinh phí xây dựng khoảng 50 triệu USD, từ SEA Games 22 tới nay chủ yếu tổ chức các giải bóng đá. Trong những gần đây, để tăng thêm kinh phí để hoạt động, Ban quản lý sân đã có nhiều hoạt động kinh doanh. Sân Mỹ Đình giờ không còn để đá bóng, mà có thể chơi golf hay nhiều loại hình giải trí khác.

Là sân lớn và hiện đại nhất cả nước, SVĐ Mỹ Đình dự kiến sẽ là nơi tổ chức khai mạc, bế mạc cũng như một số môn tại Asiad. Từ nay đến khi Asiad diễn ra, sân này cũng sẽ phải nâng cấp nhiều thứ để đáp ứng tiêu chuẩn của châu Á. Đặc biệt, các phòng chức năng sau nhiều năm không hoạt động, có khả năng đã lạc hậu hay hỏng hóc nhiều.


Cung Thể thao dưới nước hầu như đã đóng cửa

Cung Thể thao dưới nước hầu như đã đóng cửa


Nằm ngay sát sân Mỹ Đình là tổ hợp các khu thể thao khác. Cung thể thao dưới nước hầu như đóng cửa bởi mỗi năm tại đây chỉ tổ chức vài giải bơi của Quốc gia, thậm chí phong trào. Sau 5-6 năm nữa, rất khó có thể khẳng định cung dưới nước có đủ sức tổ chức một Đại hội lớn có sự tham dự của 45 Quốc gia và vùng lãnh thổ như Asiad.

Nhà thi đấu Gia Lâm cũng từng được báo chí lên tiếng về sự xuống cấp rất đáng lo ngại. Từ sau SEA Games 22 (tổ chức môn karate), nhà thi đấu này chủ yếu là nơi tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cấp huyện, cấp xã, thậm chí còn cho thuê là nơi biểu diễn văn nghệ, đám cưới…Tương tự là Nhà thi đấu Quần ngựa hay Hoàng Mai, giờ đây chỉ được biết đến là nơi tổ chức các sự kiện giải trí, hay thậm chí chỉ là địa điểm…trông giữ xe.

Mỗi năm, các Nhà thi đấu trên đều có kinh phí để bảo dưỡng, nhưng đều chỉ cho có. Hơn nữa, với vài giải quốc gia, việc nâng cấp cũng chỉ để đáp ứng đủ nhu cầu, không cần thiết phải hiện đại hay đủ tiêu chuẩn quốc tế.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thể thao lo ngại, kinh phí để nâng cấp các nhà thi đấu này, sẽ tốn kém rất lớn, thậm chí còn như xây mới. Rất nhiều nhà thi đấu với diện tích nhỏ, chắc chắn sẽ phải nâng số ghế ngồi, mua mới hoàn toàn các thiết bị âm thanh, ánh sáng, phòng chức năng…Đó là chưa kể các nhà thi đấu cũng phải có một đội ngũ điều hành có chuyên môn cao, có kinh nghiệm để khi giải diễn ra, không gặp những sự cố.


Sân Mỹ Đình gần đây chủ yếu tổ chức các trận đấu bóng đá

Sân Mỹ Đình gần đây chủ yếu tổ chức các trận đấu bóng đá

Vấn đề đáng lo ngại hơn nữa là sau khi nâng cấp đủ tiêu chuẩn tổ chức Asiad, thì việc sử dụng như thế nào với những công trình này sau khi đại hội kết thúc, cũng là một bài toán lớn.

Một quan chức của Tổng cục TDTT cho biết, các công trình thể thao do Hà Nội quản lý, UBND thành phố sẽ phải có quyết định sử dụng sao cho hợp lý với công suất tối đa, tránh hiện tượng xuống cấp hoặc rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, gây lãng phí tiền của. Các công trình này sẽ phục vụ những lợi ích cộng đồng. Các nhà thi đấu có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, phát triển các môn thể thao có thế mạnh của chúng ta.

Tính toán là vậy nhưng thực tế lại khác xa. Cung điền kinh trong nhà: Có kinh phí xây dựng 540 tỉ đồng, nhưng chỉ sử dụng cho giải điền kinh ở Asian Indoor Games đúng 1 lần. Hiện đường chạy đã bị lột cất kho. Mặt bằng sân điền kinh này được chia thành các sân quần vợt để cho thuê. Đây là một sự lãng phí cực lớn, tốn kém ngân sách Nhà nước nhưng thu lại chẳng đáng là bao.

Trên thế giới, nhiều Quốc gia cũng rơi vào tình trạng nhà thi đấu “đắp chiếu” sau khi tổ chức xong một sự kiện thể thao lớn. Ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ nên việc nâng cấp sao cho vừa đủ tiêu chuẩn, vừa tránh lãng phí và khâu sử dụng thời hậu Asiad như nào cần được các cấp quản lý tính kỹ.

An An