Làm gì với các công trình thể thao sau Asiad 18?

(Dân trí) - Ngoài chuyện kinh phí, một vấn đề rất được quan tâm khi Việt Nam tổ chức Asiad ở chỗ các công trình phục vụ đại hội sẽ được sử dụng ra sao sau đó? Bởi từng có không ít công trình thể thao lâm vào cảnh nằm “trùm mền” sau các kỳ đại hội…

Các công trình phục vụ SEA Games 22 và AIG 3 vẫn chưa hoạt động hết công suất

Trước khi nhận được quyền đăng cai Asiad 18 năm 2018, Việt Nam từng tổ chức 2 đại hội thể thao lớn khác là SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG) lần thứ 3 năm 2009.

Có một điều không thể không đề cập là những công trình quan trọng nhất phục vụ 2 đại hội này cho đến giờ vẫn chưa hoạt động đúng công suất, chưa đúng với quy mô của nó.

Rõ nhất là cung điền kinh trong nhà phục vụ AIG 3. Sau giải đấu ấy, cung điền kinh trong nhà gần như không còn được phục vụ các cuộc tranh tài trong môn… điền kinh, bởi một điều đơn giản là người Việt Nam không có thói quen thi đấu điền kinh trong nhà, chúng ta cũng không có các giải vô địch điền kinh trong nhà như các nước phát triển trên thế giới. Đấy cũng chính là lý do mà cho đến giờ, cung điền kinh trong nhà đã được thay đổi công năng sử dụng cho phù hợp.

Làm gì với các công trình thể thao sau Asiad 18?
Sau SEA Games 22 cách nay 11 năm, NTĐ TDTT Phú Thọ (TPHCM) thường xuyên được dùng để tổ chức... hội chợ

Còn tại SEA Games 22 cách nay 11 năm, 2 công trình quan trọng nhất dành cho đại hội này là SVĐ Mỹ Đình (Hà Nội) và NTĐ TDTT Phú Thọ (TPHCM). 2 công trình này vẫn còn, nhưng hoạt động chưa đúng với công suất mà quy mô của nó.

Sau SEA Games 22, sân Mỹ Đình thường chỉ sáng đèn mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu. Riêng các CLB bóng đá trong nước rất ngại việc phải thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà của mình tại V-League, vì sân quá to so với lượng khán giả thực tế đến sân, đồng thời lại ở cách xa trung tâm, khó thu hút người xem.

NTĐ Phú Thọ ở TPHCM cũng lâm vào cảnh tương tự. Ngoại trừ một số trận đấu futsal quốc tế mỗi năm, một vài giải võ, thể hình… cấp độ châu lục, NTĐ Phú Thọ chủ yếu được phụ vụ để tổ chức… hội chợ.

Việc này không những gây lãng phí đối với một công trình hoành tráng được xây dựng để phục vụ TDTT, mà còn vô tình “giẫm” lên chức năng của các trung tâm hội chợ triễn lãm vốn đã có từ trước đó ở TPHCM.

Bất động sản còn không có lối ra, huống hồ là làng VĐV Asiad

Đấy là vấn đề được các Đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm xung quanh đề án tổ chức Asiad 18. Bộ VH-TT&DL cho biết với làng VĐV Asiad, sau đại hội sẽ được dùng để bán cho người dân.

Nhưng vấn đề được đặt ra là tính khả thi của đề án này? Trong bối cảnh mà thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn ở đầu ra, nhiều dự án và nhiều công trình nhà ở vẫn khó kiếm người mua, thì thêm một làng VĐV được thay đổi công năng và chào bán liệu có lâm vào tình cảnh vắng khách tương tự?

Thêm một công trình khác được nhắc đến nhiều chính là sân đua xe đạp lòng chảo. Công trình này, theo như lo ngại của các Đại biểu Quốc hội, là không những gây tốn kém (kinh phi đầu tư dự kiến vào khoảng 10.000 tỷ đồng), mà còn có thể cũng trở nên lãng phí sau Asiad 18.

Xe đạp lòng chảo là một ít phổ biến tại Việt Nam. Chúng ta ít có các giải đấu và ít có VĐV tập luyện môn xe đạp lòng chảo. Thế nên, nếu thành hình, sau Asiad 18, nhà thi đấu dành cho môn xe đạp lòng chảo sẽ được sử dụng ra sao? Liệu có lâm vào cảnh tương tự như NTĐ Phú Thọ hay cung điền kinh trong nhà?

Đấy cũng chính là lý do mà đã có ý kiến đề xuất không tổ chức môn xe đạp lòng chảo tại Asiad 18, vừa tránh lãng phí, vừa đỡ phải đau đầu với những bài toán khác có thể phát sinh song song với việc thành hình công trình thi đấu này.

Việc tính toán kỹ từng hạng mục cũng như từng khoản đầu tư cho Asiad 18 được đánh giá là rất quan trọng, bởi mỗi con tính sai đều có thể gây lãng phí, tạo thêm gánh nặng trên vai người dân.

Và có lẽ đây là thời điểm mà nhiều người bắt đầu hiểu tại sao hàng loạt quốc gia muốn rút lui trong cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 18 cách nay chưa lâu!

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm