“Asiad 18 sẽ tổ chức tiết kiệm, hợp lý”

(Dân trí) - Xung quanh những vấn đề liên quan đến việc tổ chức Asiad 2019 của Việt Nam, chúng tôi có cuộc trao đổi ông Giang-người có công lớn giúp Việt Nam giành quyền đăng cai sự kiện thể thao số 1 châu lục.

Nhiều người đang rất quan tâm số tiền 150 triệu USD có đủ tổ chức Asiad hay không. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Trước tiên phải khẳng định việc đăng cai Asiad là cơ hội để Việt Nam nâng cao hình ảnh, vị thế trong khu vực và trên quốc tế, là tiền đề để chúng ta đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao, nâng cao tầm vóc người Việt. Đây là một trong các đề án đã được đưa vào Chiến lược phát triển TDTT của Việt Nam đến Năm 2020 do Chính phủ phê duyệt, đã được Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Khóa 11 khẳng định.


Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang


Hiện nay các công trình thể thao của Việt Nam đáp ứng được khoảng 80% cho việc tổ chức Asiad rồi. Đặc biệt, việc tổ chức Asiad sẽ ăn theo quy hoạch phát triển của Thủ đô đến 2030,tầm nhìn đến 2050 và nhất là Kế hoạch đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại đến năm 2020.

Cụ thể, riêng giao thông đến năm 2020 sẽ hoàn thiện 7 tuyến đường cao tốc qua thủ đô, 8 cây cầu xây mới qua sông Hồng, sông Đà và sông Đuống, hoàn thiện vành đai 3 đã và đang triển khai một kế hoạch với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 20.4 tỷ USD.

Vấn đề kinh phí là một bài toán lớn. Xin ông cho biết chúng ta sẽ có những nguồn thu nào cho Asiad 18?

Trong dự thảo đề án đăng cai Asiad, nguồn xã hội hóa và nguồn thu từ tổ chức Asiad khoảng 14.116 tỉ đồng (trong đó thu từ các đoàn là 1.131 tỉ đồng, huy động nguồn khác là 12.983 tỉ đồng). Và trong nguồn 12.983 tỉ đồng này có riêng dự án sân đua xe đạp lòng chảo và cụm công trình khách sạn - tổ hợp thương mại giá trị ước tính ban đầu do phía nhà đầu tư đưa ra là 500 triệu USD (tương đương 10.500 tỉ đồng). Tại phiên giải trình vừa qua của Chính phủ, Ủy ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội kết luận là chúng ta cần làm như thế nào cho tiết kiệm, hợp lý.

Dự án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo và làng VĐV sẽ rất tốn kém?

Dự án xây làng VĐV, dự kiến khoảng 1.350 tỉ đồng sẽ triển khai theo hình thức doanh nghiệp ứng vốn đầu tư, sau đó bán để thu hồi vốn. Nếu tốn kém quá chúng ta có thể xin UB Olympic châu Á cho sử dụng khách sạn thay cho làng VĐV. Tôi cho rằng với số lượng các khách sạn hiện nay và nhiều khách sạn sẽ còn được xây mới trong thời gian tới, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cho Asiad.

Còn sân đua xe đạp lòng chảo, phía Hàn Quốc có nhã ý góp vốn thực hiện và vấn đề này vẫn đang được các bên bàn bạc. Dự kiến mức đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước cho triển khai xây sân đua xe đạp lòng chảo là 420 tỉ đồng.

Ông có cho rằng TTVN chưa phát triển nên việc tranh tài tại Asiad sẽ quá sức?

Sau 20 năm hội nhập TTVN đã vững vàng ở Top 3 ĐNÁ,chúng ta đã có nhiều VĐV hàng đầu thế giới, châu lục mà truớc đây chúng ta chưa có. Chúng ta có những Ánh Viên, Hoàng Ngân, Tiến Minh, Trường Sơn, Xuân Vinh... cùng hoàng loạt những VĐV trẻ khác là sự đảm bảo cho thành tích tại Asiad 18. Chúng ta sẽ đạt chỉ tiêu 10-15 HCV để ít nhất có vị trí thứ 10.

Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta bỏ không tổ chức Asiad nữa. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Lúc này chuyện nên bàn là chúng ta tổ chức như thế nào cho tốt. Những khó khăn là đương nhiên rồi và chúng ta cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Như tôi nói ở trên, việc tổ chức Asiad sẽ mang lại nhiều mặt lợi ích cho Việt Nam, chứ không chỉ cho riêng ngành thể thao.

Xin cảm ơn ông!

Hiểu Minh thực hiện