1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Anh và Đức: Đi tìm mô hình lý tưởng cho bóng đá

(Dân trí) - Cây bút Gabriele Marcotti của Anh đã đưa ra những so sánh thú vị giữa mô hình phát triển của hai nền bóng đá Anh và Đức, trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal.

Nhìn lại Champions League tuần trước, bạn có thể cho rằng nó thể hiện sự thay đổi trong cán cân quyền lực của bóng đá châu Âu. 3/4 đội bóng giải ngoại hạng Anh, vốn tự hào là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới, đều thất bại trong những trận đấu họ được đánh giá cao hơn nếu xét về thứ hạng tại châu Âu.

Đội bóng vô địch Champions League năm ngoái Chelsea gục ngã trên sân Shaktar Donetsk, tân vương nước Anh Man City thua Ajax, một trong 4 đội bóng hàng đầu giải Hà Lan. Arsenal thất bại choáng váng trên sân nhà trước Schalke. MU là đội bóng duy nhất của nước Anh chiến thắng trước Braga, nhưng họ bị dẫn trước đến 2 bàn mà chỉ lội ngược dòng từ sự yếu kém của đối thủ.
 
Thành công của bóng đá Đức nhờ lượng lớn CĐV đến sân và tình hình tài chính ổn định

Thành công của bóng đá Đức nhờ lượng lớn CĐV đến sân và tình hình tài chính ổn định

Tương phản với đó là màn trình diễn của các đội bóng Bundesliga. Schalke chiến thắng lại London, Bayern Munich ca khúc khải hoàn trong chuyến hành quân đến sân của Lille, trong khi Dortmund giành chiến thắng oai hùng trước Real Madrid trên sân nhà. Nếu mở rộng ra thêm ở đấu trường Europa League, giải đấu hạng 2 tại châu Âu, thành tích của các CLB Đức thật ấn tượng: đá 7 trận, thắng 6 và hòa 1.

Có thể đó chỉ là phong độ nhất thời, nhưng thực tế là Bundesliga đang lớn mạnh thực sự. Năm ngoái, họ đã vượt qua Serie A (Italy) để vươn lên là nền bóng đá mạnh thứ 3 của UEFA (kèm theo 4 suất dự Champions League), nhờ những thành công trong 5 mùa giải gần đây nhất. La Liga (Tây Ban Nha) và Premier League (Anh) vẫn đang là hai giải đấu hàng đầu xét về thành tích thi đấu, nhưng sẽ rất thú vị nếu nhìn vào những khác biệt giữa hai mô hình bóng đá của Đức và Anh.

Giải Ngoại hạng Anh hoạt động trong một môi trường kinh tế thị trường hầu như hoàn toàn tự do. Các câu lạc bộ có thể được một hoặc vài cá nhân nắm chặt và có rất ít quy định về việc họ tìm nguồn vốn ở đâu hay nợ nần bao nhiêu. Người hâm mộ hầu như không có sự đại diện nào, trừ khi họ tìm cách mua được cổ phần, mà việc này không dễ chút nào. Họ chỉ có thể thể hiện quan điểm với vai trò khách hàng, tức là quyết định bỏ tiền ra mua các dịch vụ/sản phẩm hay không.

Ngược lại, các đội bóng Đức tạo ra mối liên kết với các CĐV bằng luật “50+1”, có nghĩa là ít nhất 51% cổ phần của đội bóng phải được sở hữu bởi các hội viên của đội bóng, giống như cách thức hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận hoặc quỹ đầu tư công. Hai trường hợp ngoại lệ là CLB VFL Wolfsburg (đội bóng thuộc sở hữu của công nhân nhà máy Volkswagen và Bayer Leverkusen (thuộc sở hữu của công ty dược phẩm Bayer AG).

Hai mô hình của Anh và Đức đều có những lợi thế và hạn chế riêng. Sự tự do của Giải Ngoại hạng Anh khiến nó trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn và khiến cho nguồn tài chính chảy vào giải trở nên dồi dào hơn. Nửa số CLB hàng đầu của Anh thuộc sở hữu của người nước ngoài. Ngược lại, giải Đức thì hầu như không thu hút được các nhà đầu tư, dù là ngoài hay trong nước, vì họ không bao giờ giành được quyền kiểm soát.

Nhưng cùng lúc, mô hình của các CLB Anh khiến họ hứng chịu nhiều rủi ro về kinh doanh hơn; còn tại Đức, những rủi ro đó được giảm thiểu vì các đội bóng do tập thể quản lý và họ có thể dễ dàng loại bỏ những cá nhân phạm sai lầm về điều hành. Bên cạnh đó, những điều luật nghiêm khắc quy định giới hạn về những khoản thua lỗ và nợ nần của các đội bóng, giúp tạo ra môi trường ổn định hơn.
 
Hầu hết các cầu thủ tài năng của nước Đức đều chơi bóng ở Bundesliga

Hầu hết các cầu thủ tài năng của nước Đức đều chơi bóng ở Bundesliga

Anh và Đức đều có lý do để bênh vực mô hình bóng đá của mình. Premier League vẫn là giải đấu được nhiều người biết đến nhất và thành công nhất về thương mại. Dự kiến từ năm 2013 đến 2016, trung bình Premier League thu về 1,6 tỷ USD từ tiền bản quyền truyền hình mỗi mùa giải, trong khi con số này của Bundesliga là 634 triệu USD/mùa.

Nhưng Bundesliga lại tự hào là có lượng khán giả đến sân lớn hơn. Năm ngoái, trung bình mỗi trận đấu ở Bundesliga có khoảng 45.000 khán giả đến sân, trong khi con số này ở Premier League là 34.600 khán giả. Các sân đấu ở nước Đức đều rất hiện đại, nhiều trong số đó là các sân vận động được xây dựng và nâng cấp để đăng cai World Cup 2006. Mức giá vé phải chăng là yếu tố giúp bóng đá Đức thu hút lượng lớn khán giả đến sân.

Nhờ có lượng khán giả lớn, kết hợp với nền kinh tế nội địa mạnh, các CLB ở Đức thu hút được các hợp đồng thương mại và tài trợ lớn hơn so với ở Anh. Năm 2011, Bayern Munich đạt doanh thu đến 230 triệu USD, nhiều hơn cả MU (148 triệu USD) và Arsenal (66,2 triệu USD) cộng lại. Riêng Schalke, vốn không phải đại gia ở nước Đức cũng có mức thu nhập thương mại đến 117,7 USD, nhiều hơn các CLB Anh danh tiếng khác như Chelsea, Liverpool, Tottenham hay Manchester City.

Những điều trên cho thấy trong xu thế toàn cầu hòa, các CLB Đức có được sự vững vàng về kinh tế dựa trên nguồn lực trong nước và họ sẽ không hề bỡ ngỡ khi Luật công bằng tài chính hiện hành. Với chính sách xã hội hóa bóng đá hết sức hiệu quả của mình, Bundesliga sẽ còn thu được nhiều thành công hơn trong tương lai.

Một điểm khác mà người Đức có thể tự hào thì ngoài Khedria và  Oezil (Real Madrid) thì những ngôi sao lớn nhất của  đất nước như Neuer, Schweinsteiger, Gomez, Kroos, Mueller (Bayern) hay Reus, Schmelzer, Gotze đều ở lại Bundesliga. Họ cũng có một ĐTQG thành công vang dội hơn hẳn nước Anh, từ lâu vốn tự hào là giải đấu hay nhất thế giới nếu nhìn vào thành tích tại các kỳ World Cup hay Euro nhiều năm trở lại đây.

Kim Anh
Theo TWSJ