(Dân trí) - Bóng đá Anh không phải bắt đầu vào năm 1992, 30 năm về trước, nhưng cột mốc này đánh dấu sự ra đời của Ngoại hạng Anh, giống như một cột mốc Công nguyên của giải đấu…
Bóng đá Anh không phải bắt đầu vào năm 1992, 30 năm về trước, nhưng cột mốc này đánh dấu sự ra đời của Ngoại hạng Anh, giống như một cột mốc Công nguyên của giải đấu…
Đêm lạnh đầu năm 1993, Ngoại hạng Anh chập chững bước đi mùa giải đầu tiên, Simon Kuper, cây bút thể thao nổi tiếng cùng bạn đi xem Arsenal đấu với Leeds, một trận đại chiến. Họ đến Highbury không cần mua vé, bỏ ra 5 bảng mỗi người để có thể bước vào khán đài đứng Clock End theo dõi trận đấu. Sân bóng nhỏ nhưng chỉ phủ 2/3 sức chứa. 26.516 khán giả đến sân.
Và thật không may, đa số chọn khán đài Clock End. Phần đông họ đứng trước mặt Simon Kuper. Vì thế, tầm mắt bị che khuất của ông chỉ nhìn thấy một phần sân bóng lầy lội hơn cả ruộng khoai, và hoàn toàn không nhìn thấy khung thành phía xa, nơi cả 4 bàn thắng của trận đấu được ghi.
Gordon Strachan có một màn trình diễn rực rỡ cho Leeds. "Chẳng hiểu bọn chúng cho hắn ta ăn cái quái gì mà đá hay thế", gã cổ động viên (CĐV) đứng cạnh Simon Kuper thốt lên, và hắn hét vào mặt hàng thủ Arsenal: "Nào, xử hắn đi chứ! Chúng mày thuộc Hiệp hội Tri ân Gordon Strachan đấy à???".
David Hillier, hậu vệ của Arsenal là tâm điểm búa rìu chỉ trích từ phía khán giả nhà. Sau hàng chục tình huống xử lý vụng về, các CĐV bắt đầu đưa ra những tư vấn khiếm nhã và tục tĩu cho tương lai của Hillier. "Tống tiễn hắn đi, Tài (trọng tài)!", một CĐV Arsenal hét lên. "Cấm hắn thi đấu suốt đời luôn đi", một người hâm mộ khác quyết liệt hơn. "Hoặc lâu hơn nếu có thể", tay CĐV thứ ba bồi vào.
Trên sân, chỉ có những người Anh và thứ bóng đá "chạy và sút" cổ lỗ và hoang dại như thể môn thể thao này sót lại từ thời Trung cổ.
30 năm về trước, bóng đá Anh chạm đáy…
Là quốc gia sản sinh ra bóng đá hiện đại, môn thể thao phổ biến nhất hành tinh, khỏi nói về sức ảnh hưởng và sự tự tôn của người Anh với túc cầu. Tuy nhiên, suốt 100 năm hình thành và phát triển, văn hóa bóng đá tại xứ sở sương mù mang nặng tính địa phương. Tư duy vùng miền dẫn đến sự trì trệ, ngại thay đổi cũng như tình trạng thù địch ngày càng sâu sắc giữa các hội cổ động viên. Nạn hooligan trở thành nỗi ác mộng kinh hoàng.
Đối với các ông chủ CLB, việc đầu tư vào đội bóng không phải để kiếm lời. Đến cuối thập niên 1970 mới xuất hiện những bảng quảng cáo bên đường biên. Ngay cả như vậy thì nguồn thu vào thời điểm đó chỉ đủ trang trải chi phí trồng cỏ cho mặt sân. Bởi vậy, các ông chủ chi tiền như một cách làm "từ thiện" để bảo tồn văn hóa địa phương và phần nào đánh bóng tên tuổi.
Về hạ tầng, với đặc tính bảo thủ địa phương của CĐV và cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu tư gần như bằng không, việc tân trang các sân bóng là điều xa xỉ chứ chưa nói đến chuyện xây mới. Thế nên, vào cuối thập niên 1980 và đầu 1990, hầu hết các đội bóng tại Anh đều thi đấu trên những sân bóng đá được xây dựng từ đầu thế kỷ, cơ sở vật chất vừa thiếu thốn, vừa sơ sài và thậm chí thiếu an toàn.
Đến sân xem bóng là trải nghiệm kinh hoàng đối với bất kỳ ai trừ đám hooligan cuồng tín. Sân bóng xập xệ, mái che dột nát, hàng rào hoen gỉ và cả sân bóng bốc lên mùi khai vì tình trạng xuống cấp của nhà vệ sinh. Nhưng chưa hết, cầu trường còn biến thành võ đài để đám hooligan ẩu đả và gây náo loạn.
Ngày 11/5/1985, 56 khán giả thiệt mạng sau vụ hỏa hoạn tại sân bóng cũ kỹ có tên Valley Parade của CLB Bradford. Nguyên do đám cháy là ai đó đã vứt mẩu thuốc lá làm bén lửa vào đống rác chất ngay dưới khán đài và cả sân bóng thì chẳng có nổi cái bình cứu hỏa. Cũng trong tháng này, 39 CĐV bị đè chết tại sân vận động Heysel ở Brussels, Bỉ, khi xảy ra cuộc ẩu đả giữa CĐV Liverpool và Juventus. 600 CĐV khác bị thương. 4 năm sau, một thảm họa khác xảy đến ở Hillsborough, nguyên nhân là kế hoạch bảo an kém cỏi, khiến 97 CĐV thiệt mạng.
Tờ The Sun khi ấy miêu tả bóng đá như "một trò tiêu khiển hạ đẳng dành cho những kẻ hèn kém và diễn ra trên những sân vận động chẳng khác gì ổ chuột". Thống kê chỉ ra, lượng CĐV đến sân đạt mức thấp kỷ lục kể từ thập niên… 1920. Bóng đá Anh chạm đáy và trở thành nỗi hổ thẹn quốc gia. Hay nói cách khác, bóng đá, trớ trêu thay, lại bị ruồng rẫy ngay trên chính quê hương mình.
Trước tình trạng bi đát như vậy, tháng 10/1990, ông Gred Dyke, Giám đốc đài ITV Sport, kênh trình chiếu các trận đấu ở giải Hạng nhất (vô địch quốc gia) Anh, đã tổ chức bữa ăn tối giữa các đội bóng lớn tự xưng là Big Five của xứ sương mù. Họ đang có ý định tách khỏi Liên đoàn bóng đá Anh (FA) để không phải chia sẻ thu nhập từ bản quyền truyền hình với 87 đội bóng khác do Liên đoàn quản lý.
Kế hoạch là ITV sẽ mua trực tiếp bản quyền truyền hình của 5 đội bóng này. Các chủ tịch đi đến thống nhất tạo ra giải đấu riêng mang tên Premier League - Ngoại hạng Anh. Nhiều thập kỷ sau, Dyke nhìn lại: "Ai có thể biết trước được chúng ta lại chứng kiến bóng đá Anh phần lớn thuộc sở hữu của các tỷ phú ngoại quốc, được dẫn dắt bởi các HLV nước ngoài, và tình trạng mất cân đối giữa cầu thủ trong và ngoài nước".
Những bước tiến ban đầu của Ngoại hạng Anh một phần do sự tranh chấp ngẫu nhiên, khi người ngoài cuộc chen chân để tạo thế ngược dòng. Một đài truyền hình vệ tinh mới, có tên là BSkyB, tiền thân của Sky Sport, do ông trùm truyền thông thế lực nhất thế giới Rupert Murdoch gây dựng, đã trả giá cao hơn ITV để mua lại bản quyền truyền hình giải đấu với giá 60,8 triệu bảng mỗi mùa - một thương vụ khó tin vào thời điểm đó. Cần biết rằng mùa giải 1991/92, mùa giải cuối cùng trước khi Hạng Nhất Anh bị khai tử, tiền bản quyền truyền hình của giải đấu vỏn vẹn 11 triệu bảng.
Còn hiện tại, các hợp đồng bản quyền truyền hình đem đến tổng giá trị 3,1 tỷ bảng. Bởi lẽ, về độ phủ sóng, Ngoại hạng Anh là giải đấu thể thao có lượng người xem nhiều nhất thế giới, được phát sóng trên 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, 643 triệu ngôi nhà và 4,7 tỷ người.
Như vậy, từ khi Premier League ra đời, bản quyền truyền hình giải đấu này đã tăng tới gần 300 lần. Hãy thử tưởng tượng thu nhập của bạn tăng 300 lần, bạn sẽ giàu có tới cỡ nào?!
Cụ thể hơn, chỉ sau 1/4 thế kỷ, giá trị các CLB tại Ngoại hạng Anh đã tăng hơn 10.000%, từ 50 triệu bảng vào năm 1992 thành 10 tỷ bảng ngày nay. Vì giàu có như vậy, các đội bóng không ngần ngại đầu tư tân trang hoặc xây mới sân vận động.
Từ khi Premier League ra đời, 100% sân bóng được tân trang, 9 sân bóng bị phá bỏ đồng nghĩa 9 đội bóng xây sân mới. Mùa giải Ngoại hạng Anh đầu tiên chứng kiến trung bình mỗi trận có 21.126 khán giả đến sân và sân bóng quy mô lớn nhất là Old Trafford cũng chỉ có 55.000 chỗ ngồi. Đến hiện tại, trung bình mỗi trận đấu giải vô địch quốc gia (VĐQG) hấp dẫn nhất hành tinh đón 35.000 CĐV.
Sau khi đạt thỏa thuận bản quyền truyền hình, chỉ những người mua ăng-ten chảo vệ tinh mới có thể xem giải đấu mới thành lập. Nhưng chính phủ Anh thời hậu Thatcher cho phép điều đó vì tin tưởng vào thị trường tự do - điều kiện thiết yếu cho sự thành công của Ngoại hạng Anh.
Một nước Đức giàu mạnh và sở hữu nền bóng đá hùng mạnh bậc nhất hành tinh lại không thể phát triển giải vô địch quốc gia hùng mạnh như đảo quốc sương mù bởi luật 50+1. Luật này quy định một CLB chuyên nghiệp phải sở hữu ít nhất 50% số vốn của chính đội bóng và 1% thuộc về người hâm mộ, đồng nghĩa không có chuyện một ông chủ nào đó có thể làm chủ CLB tại Đức.
Một khía cạnh khác, sau sự kiện Hillsborough, chính phủ Anh ra lệnh các CLB cải tạo những sân bóng đổ nát và bắt buộc phải phủ kín 100% ghế ngồi. Ghế hóa, thậm chí "giường hóa" để tạo sự tiện dụng và thoải mái cho khách hàng là ý tưởng kinh doanh hiển nhiên trong mọi ngành nghề, nhưng các đội bóng luôn chống lại sự vận động thuận tự nhiên này.
Để tiết kiệm chi phí và không gian, các đội bóng cho xây dựng những khán đài dựng đứng và ngay cạnh đường biên. Không có đường chạy điền kinh vì điền kinh không trả tiền cho CLB.
Các mái che xây thấp bằng vật liệu rẻ tiền nhưng vô tình lại biến thành chiếc loa khuếch đại âm thanh huyên náo của các CĐV cuồng nhiệt. Những tiếng hò reo, những bài hát cổ động thúc giục cầu thủ chơi bóng như điên trên sân cỏ - một dấu ấn rất riêng của Premier League.
Kiến trúc sư người Thụy Sỹ, Jacques Herzog, tác giả sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh, sân Allianz Arena tại Munich, từng nói: "Bằng cách nào đó, mô hình tạo dựng niềm đam mê cho chúng tôi là những sân bóng cũ kỹ tại Anh. Sân vận động không có vẻ gì hào nhoáng, như Old Trafford hay Anfield.
Nhưng có những chi tiết rất thú vị, như cổng vòm hay đường hầm thiết kế đặc trưng để biến thành ngôi nhà cho người hâm mộ. Ví dụ, đường hầm vào sân ở Anfield (với biển báo "This is Anfield") là nơi các cầu thủ biết rằng họ sắp bước vào sân bóng đầy sôi động".
Herzog yêu thích sự gần gũi chật chội của sân bóng Anh: "Nhà hát kiểu Shakespeare - có lẽ thậm chí là hình mẫu cho sân vận động bóng đá ở Anh". Tại các sân bóng, người hâm mộ Anh tự coi bản thân là một phần của trận đấu.
Họ đồng sáng tạo ra "chương trình" bằng cách cổ vũ và hát các bài hát truyền thống. Họ không khát khao chiến thắng bằng mọi giá. Những thất bại trở thành món ăn ưa thích cho sự hài hước tự giễu, như diễn viên hài Jassper Carrott giải thích về cuộc sống của một người hâm mộ Birmingham City: "Bạn thua một số trận, bạn hòa một số trận". CĐV Man City trong những năm tháng tồi tệ khi cổ vũ đội bóng yêu quý tại giải đấu thấp hơn, sẽ hát một cách siêu thực: "Chúng ta thực ra không ở đây".
Huyền thoại, nhà hiền triết Johan Cruyff thì rút ra kết luận: "Nếu nhìn vào các quốc gia khác, chiến thắng là trên hết. Tại Anh, có thể nói tự thân bóng đá đã là trên hết". Vì các đội bóng tại Premier League được phép thua trong mắt người hâm mộ như vậy nên họ dám chơi thứ bóng đá cởi mở, hấp dẫn và tận hiến.
Trước thềm Ngoại hạng Anh 2022/23, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh đã đi qua 30 mùa giải. Hãy xem đội bóng nào thành công nhất dựa trên bảng xếp hạng tổng:
6 - Man City (Điểm: 1,629 (từ 962 trận), Mùa giải tham dự: 25, Hiệu số bàn thắng bại: +590)
Man City không phải thế lực của bóng đá Anh cho đến khi những ông chủ tới từ Trung Đông xuất hiện. Đặc biệt với việc Pep Guardiola được bổ nhiệm làm HLV, gã trọc phú thành Manchester đã trở thành kẻ thống trị xứ sở sương mù trong những năm gần đây. 6 mùa vị chiến lược gia người Tây Ban Nha tại vị, The Citizens có 4 lần đăng quang Ngoại hạng Anh, trong đó có những mùa giải về đích với hơn 90 điểm, thậm chí lập kỷ lục 100 điểm. Nhờ vậy, trên bảng xếp hạng tổng, Man City đã leo từ top 20 vào năm 2008 vào top 6. Về số lần đăng quang, đội chủ sân Etihad xếp thứ hai với 6 danh hiệu.
5 - Tottenham (Điểm: 1,787 (từ 1152 trận), Mùa giải tham dự: 30, Hiệu số bàn thắng bại: +307
Tottenham không phải là thế lực lớn cũng chẳng lắm tiền nhiều của. Tuy nhiên, định hướng phát triển căn cơ và chắt bóp của ngài chủ tịch nổi tiếng keo kiệt Daniel Levy đã giúp đội bóng này phát triển ổn định. Từ xuất phát điểm 13 mùa giải đầu tiên của Ngoại hạng Anh không hề có tên trong top 6, The Spurs vươn lên trở thành gương mặt quen thuộc giành vé dự cúp châu Âu, thậm chí Champions League. Tuy nhiên, đăng quang vẫn là giấc mơ xa vời đối với Tottenham.
4 - Liverpool (Điểm: 2,109 (từ 1152 trận), Mùa giải tham dự: 30, Hiệu số bàn thắng bại: +874)
Liverpool là thế lực số một của bóng đá Anh thời kỳ tiền Premier League. Tuy nhiên, khi Ngoại hạng Anh ra đời, The Kop trải qua giai đoạn sa sút. Cho dù chưa bao giờ rớt ra khỏi top 8 trong 30 mùa giải đã qua nhưng Lữ đoàn đỏ cũng chỉ một lần đăng quang, ngang bằng thành tích với Leicester và Blackburn. Ngay cả những năm gần đây, dù vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt giai đoạn 2018-2020 đã giành tới 196 điểm trên 228 điểm tối đa, Liverpool vẫn bị gắn mác kẻ về nhì vĩ đại trong đế chế Man City với chỉ một lần đăng quang và 2 lần á quân.
3 - Chelsea (Điểm: 2,138 (từ 1152 trận), Mùa giải tham dự: 30, Hiệu số bàn thắng bại: +848)
3 trong 4 mùa Ngoại hạng Anh đầu tiên, Chelsea về đích thứ 11. Tuy nhiên, nửa sau kỷ nguyên Premier League chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của The Blues. Trong 16 mùa gần nhất, Chelsea giành 5 chức vô địch, ngang bằng thành tích của Man Utd. Thành công của đội chủ sân Stamford Bridge cũng đến từ sự đầu tư mạnh mẽ của tài phiệt ngoại quốc, cụ thể là ông chủ cũ Roman Abramovich. Hiện tại, dù đã đổi chủ song The Blues vẫn duy trì được nền tảng vững vàng và tiềm lực mạnh mẽ để tranh đua vị trí trong top 4 và thậm chí chức vô địch.
2 - Arsenal (Điểm: 2,141 (từ 1152 trận), Mùa giải tham dự: 30, Hiệu số bàn thắng bại: +869)
Những năm đầu kỷ nguyên Ngoại hạng Anh, Arsenal dưới sự dẫn dắt của HLV Arsene Wenger là thế lực số hai tại xứ sở sương mù với 3 chức vô địch. Đỉnh cao của The Gunners là thế hệ "Bất khả chiến bại" với những Thierry Henry, Dennis Bergkamp, Patrick Vieira, Robert Pires, Sol Campbell v.v. Những năm gần đây, cho dù sa sút song Arsenal vẫn luôn đứng trong top 6. Nhờ vậy, họ duy trì được vị trí cao trên bảng tổng sắp.
1 - Man Utd (Điểm: 2,366 (từ 1152 trận), Mùa giải tham dự: 30, Hiệu số bàn thắng bại: +1,119
Chẳng có gì bất ngờ khi đội bóng này đã đăng quang gần phân nửa số mùa giải (13) từ khi Ngoại hạng Anh ra đời đứng đầu trên bảng tổng sắp. Điều bất ngờ là đế chế của Quỷ đỏ thời hậu Sir Alex Ferguson lại không có nổi lần đăng quang nào nữa kể từ năm 2013 đến nay. Qua các triều đại HLV David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer hay Ralf Rangnick, Man Utd ngày càng tàn lụi và mùa trước đạt số điểm thấp kỷ lục (58) trong kỷ nguyên Ngoại hạng.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên