1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ý đồ Trung Quốc khi tậu máy bay ném bom Nga

Nhiều trang web Trung Quốc lần nữa lại thông tin rằng, Nga đã nhất trí bán cho Bắc Kinh một số máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 với giá 1,5 tỉ USD.

Một máy bay Tu-22 của Nga. (Ảnh:

Một máy bay Tu-22 của Nga. (Ảnh: Aviationist)
 
Khi phục vụ lực lượng không quân Trung Quốc, Tu-22M3 sẽ được biết tới với tên gọi “H-10″. Hợp đồng giữa Trung Quốc và Nga bao gồm 36 máy bay, đợt đầu giao 12 chiếc, đợt sau 24 chiếc.

Máy bay oanh tạc Tu-22 sẽ được triển khai trong vai trò tấn công hàng hải và tấn công các mục tiêu tầm thấp để tránh bị rađa phát hiện.

Đây là loại máy bay ném bom chiến lược siêu thanh, được quân đội Nga sử dụng để tuần tra bầu trời thuộc vùng biên giới phía nam, Trung Á và Biển Đen. Tu-22M3 có tầm bay 6.800 km và có thể mang 24.000 kg chất nổ, trong đó có bom nguyên tử, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cho biết, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của không quân nước này bắn trúng mục tiêu giả định trong cuộc tập trận của hạm đội Phương Bắc. Với cuộc bắn thử này, Tu-22M3 đã quay trở lại nhiệm vụ chiến đấu quan trọng nhất của nó: hủy diệt các tàu chiến mặt nước của đối phương từ trên không, đặc biệt là tàu sân bay.

Tu-22M được chế tạo năm 1969 ở đỉnh điểm của thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ, máy bay này mang tên lửa siêu âm Kh-22, được thiết kế với mục đích tiêu diệt tàu sân bay trong cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ và được mệnh danh “vũ khí khủng khiếp ở mọi giới hạn”.

Tên lửa hành trình tầm xa Kh-22 do cục thiết kế Raduga nghiên cứu phát triển từ những năm 1960 "chuyên trị" tàu sân bay Mỹ. Tên lửa có khối lượng phóng 5,8 tấn, lắp đầu đạn nổ thường 900kg hoặc đầu đạn hạt nhân 350-1.000 kiloton.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tiến tới sử dụng máy bay ném bom Tu-22 trang bị tên lửa Kh-22 có thể là sự thay đổi quan trọng trong cân bằng chiến lược khu vực.

Tu-22 sẽ mang lại cho Trung Quốc một công cụ khác khi theo đuổi kế hoạch “từ chối tiếp cận” ở Biển Đông cũng như Thái Bình Dương; tạo cho họ một nền tảng nhanh chóng để tiến hành phóng các tên lửa hành trình, vũ khí thông thường hoặc hạt nhân trong nhiều tình huống chiến tranh khác nhau.

Hay nói một cách khác, nó sẽ là mối đe dọa mới với hải quân Mỹ trong khu vực.


Theo Thái An
Vietnamnet/theo Business Insider, VOA