1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ý đồ cải tổ quân sự Trung Quốc

Chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (PLA) đã bước vào khâu cuối cùng. Hội nghị đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) tháng 11/2013 đã phê chuẩn kế hoạch cải tổ cơ cấu quy mô lớn. Nó trùng khớp với việc nước này tiếp tục quả quyết trong tranh chấp lãnh thổ.

Ngay sau khi trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Tập Cận Bình đã không chỉ thông qua các chính sách hiện đại hoá quân sự được thực thi dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, mà còn thẳng thắn tuyên bố ủng hộ việc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa cũng như nâng cấp công nghệ của PLA.
 

Máy bay J-16. Ảnh: asian-defence-news

Máy bay J-16. Ảnh: asian-defence-news

Việc cải tổ cơ cấu được hội nghị CCP thông qua có những thay đổi. Theo đó, cơ cấu chỉ huy của PLA gồm 4 bộ phận chính và 7 quân khu. Hải quân (PLAN), Không quân (PLAAF), Nhị pháo (lực lượng tên lửa chiến lược) được giao vai trò tăng cường hoạt động và sẽ nhận ưu tiên trong phân bổ ngân sách cũng như nhân lực. Nhân sự trong các đơn vị này được nhận mức lương cao hơn so với cộng sự thuộc lực lượng mặt đất.

Trong những ngày diễn ra hội nghị, phó chủ tịch quân ủy Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng đã có bài viết đăng trên Nhân dân nhật báo xác nhận việc thực thi cải cách. Ông cho hay số lượng lực lượng phi tác chiến sẽ giảm đáng kể và nỗ lực cải cách tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo PLA sẽ giành thắng lợi trong các cuộc chiến.

Ở một tin tức riêng biệt được tiết lộ ban đầu trên bản tiếng Anh của Trung Quốc nhật báo, kế hoạch cải tổ đã được hoàn chỉnh để hợp nhất các quân khu. Theo đó, 7 quân khu sẽ hợp thành “5 vùng tác chiến” trong vòng 5 năm tới. Động thái này nhằm tập trung hỏa lực và quân đội cho một loại hình tác chiến cụ thể để nhanh chóng triển khai. Các lực lượng mặt đất, trên biển sẽ được phân nhóm riêng. Kế hoạch tái cơ cấu nhằm thể hiện rõ học thuyết PLA về “phòng thủ tích cực”.

Vùng tác chiến

Theo các thông tin, 3 quân khu ven biển chính là Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu sẽ thành “3 vùng tác chiến”. Với vai trò chủ yếu là hoạt động hàng hải, mục tiêu chính của họ là củng cố các nỗ lực và thiết lập vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Đông cũng như đối phó với liên minh Mỹ - Nhật. Vào năm 2020, 3 vùng tác chiến sẽ được tăng cường với các nhóm tàu sân bay chiến đấu. Các thông tin cho hay, tàu sân bay Liêu Ninh hiện có sẽ được triển khai ở Hoa Đông, trong khi 2 tàu khác sẽ hoạt động ở Biển Đông.

Vào ngày 1/1, Tân Hoa xã đã đăng tải những hình ảnh tàu Liêu Ninh trở về căn cứ tại Thanh Đảo sau một tháng diễn tập ở Biển Đông. Vào tháng 4/2013, hãng này đề cập tới tuyên bố của phó Đô đốc Tống Huệ rằng, tàu sân bay thứ hai đang trong quá trình xây dựng. Con tàu này sẽ lớn hơn, mang được nhiều máy bay chiến đấu hơn. Vào ngày 18/1, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh Vương Dân tiết lộ, tàu sân bay nội địa thứ hai của Trung Quốc đang được chế tạo ở Đại Liên.

Bốn quân khu nội địa gồm Thẩm Dương, Bắc Kinh, Thành Đô và Lan Châu sẽ hợp nhất thành 2 vùng tác chiến. Thành Đô và Lan Châu chủ yếu đảm nhận vùng biên giới Trung - Ấn. Mỗi vùng tác chiến sẽ có các đơn vị của hải quân, không quân và nhị pháo. Họ sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy tác chiến thống nhất. Các thông tin cũng tiết lộ rằng, khoảng 300.000 nhân sự phi tác chiến của PLA sẽ bị cắt giảm vào 2022 dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc phủ nhận điều này.

Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã đạt tiến bộ nhanh chóng về phát triển công nghệ quốc phòng và khí tài. Diễn biến mới nhất là tuyên bố ngày 9/1 về việc nước này tiến hành bay thử lần đầu tiên một thiết bị đẩy mang tên lửa siêu thanh có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân và trở thành quốc gia thứ năm có khả năng này. Các chuyên gia quân sự đánh giá đây là loại vũ khí có thể làm thay đổi cục diện vì nó có thể bắn trúng một mục tiêu trước khi các hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới kịp phản ứng.

Cũng trong tháng này, các hình ảnh về loại máy bay chiến đấu tàng hình hai chỗ ngồi J-16 do tập đoàn máy bay Thẩm Dương sản xuất đã được đăng tải trực tuyến. J-16 là máy bay chiến đấu đa năng mới thế hệ 4+ được chế tạo riêng cho lực lượng không quân thuộc Hải quân Trung Quốc để triển khai ở các căn cứ ven bờ, dựa trên nền tảng của máy bay chiến đấu J-11B. Máy bay này có thể mang các tên lửa không đối không và chống hạm, bán kính chiến đấu hàng trăm km, có thể hỗ trợ các tàu chiến Trung Quốc để kiểm soát vùng biển khu vực.

Toàn bộ cải cách là để PLA có khả năng “hướng ra phía ngoài, phục vụ cho những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh cũng như tăng sức nặng cho chính sách ngoại giao thực thi cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc”.
 
Theo Thái An
Vietnamnet/newindianexpress