1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Xe tăng bay” của Thế chiến II

Các phi cơ cường kích IL của quân đội Liên Xô từng được mệnh danh là “những chiếc tăng biết bay”. Lần đầu tiên trong lịch sử hàng không, toàn bộ các hệ thống máy móc cốt tử như động cơ, thùng nhiên liệu, khoang vũ khí chiến đấu, khoang cho tổ lái, tất cả đều được xếp thành một khối bọc thép.

Trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, cơ quan thiết kế và các hãng sản xuất máy bay của nhiều nước đã bắt tay vào việc chế các máy bay để hỗ trợ trực tiếp cho quân đội trên mặt đất, loại máy bay cường kích. Chúng cần phải được trang bị vũ khí mạnh, phải có tính năng bay tốt, và có độ bảo vệ cao trước hỏa lực của đối phương.

 

Ngoài ra, cần phải thiết kế những chiếc máy bay cường kích giành cho sản xuất ở quy mô lớn, vì sự mất mát những chiếc máy bay đó trong các trận đánh, như thường thấy, là tổn thất nghiêm trọng và cần được khắc phục nhanh chóng.

 

Tại Liên Xô, đề án máy bay cường kích do một công trình sư hàng đầu, ông Sergay Ilyushin đưa ra. Lần đầu tiên trong lịch sử hàng không thế giới, toàn bộ các hệ thống máy móc cốt tử, như động cơ, thùng chứa nhiên liệu, khoang vũ khí chiến đấu, khoang cho tổ lái, tất cả đều được xếp thành một khối bọc thép. Các tấm kính trong khoang cũng được bọc thép. Như vậy, chiếc chiến đấu cơ có thể bay ở tầm thấp mà không sợ mạo hiểm vì các vũ khí phòng không bắn tỉa và pháo cỡ nòng nhỏ của đối phương.

 

Vào đầu năm 1938, công trình sư Ilyushin đã gửi thư lên Stalin, trình bày thực chất sơ đồ cấu tạo máy bay và đề nghị sản xuất loại phi cơ cần thiết này để đưa vào thực tế chiến đấu. Và ngày 2/10/1939, một phi công giàu kinh nghiệm đã đưa chiếc máy bay cường kích đầu tiên lên bầu trời. Mùa xuân năm 1941, chiếc máy bay được nhận tên hiệu IL-2 đã vượt qua mọi thử nghiệm cấp quốc gia. Việc sản xuất nó được giao cho một cơ sở sản xuất máy bay ưu tú nhất của Liên Xô. Cho đến thời điểm phát xít Đức tấn công vào đất nước Xôviết, đã có 249 chiếc như thế được xuất xưởng.

 

Phi cơ cường kích của Ilyushin rất độc đáo. Nó được trang bị pháo cỡ nòng 23mm, hai súng liên thanh, có thể mang đến 600 kg bom và 8 thiết bị phản lực. Động cơ mạnh 1.750 mã lực, khiến cho chiếc máy bay có trọng lượng toàn thể 6 tấn có thể bay với tốc độ hơn 400km/giờ, tầm xa đến 700km, độ cao tối đa 3.500 m

 

 

“Xe tăng bay” của Thế chiến II - 1
 

Phi công Liên Xô và máy bay IL trong chiến tranh vệ quốc. (Aviation.ru)

Ngay trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh chống quân phát xít, những đứa con của công trình sư Ilyushin đã thể hiện khả năng chiến đấu ưu việt của mình. Chúng đã giáng những quả đấm mạnh xuống các đoàn xe tăng và xe môtô thiết giáp của địch, vào những điểm nút liên lạc, vào các nhà ga xe lửa và các sân bay trong vùng địch.

 

Đáng tiếc là, lứa IL-2 đầu tiên chỉ có một chỗ ngồi, không có súng liên thanh cỡ nòng lớn để bảo vệ phần đuôi máy bay khỏi cuộc tấn công của máy bay tiêm kích địch. Điều đó dẫn đến những tổn thất đáng kể.

 

Đến mùa xuân 1942, các chiếc cường kích đã được chế tạo theo phương án hai chỗ ngồi. Máy bay được sản xuất cùng lúc tại 3 nhà máy : ở Voronhezh – trung tâm nước Nga, ở Kuibyshev - vùng ven Volga, ngày nay gọi là Samara, và ở Nizhni Tagil - vùng Ural.

 

Thực tế sử dụng ngoài mặt trận đã chứng tỏ rằng, máy bay cường kích này không chỉ được vũ trang xuất sắc, mà còn chắc chắn và có sức sống dẻo dai. Đã có hàng trăm trường hợp, những chiếc IL trở về sân bay với thương tích đầy mình, cánh và đuôi bị gãy (mà ở IL, bộ phận này làm bằng gỗ), với hàng chục vết đạn trên khoang bọc thép. Trong một đêm, những người thợ máy khẩn trương chữa lành mọi vết thương, và sáng mai, chiếc chiến đấu cơ lại lên đường làm nhiệm vụ. Các phi công lái IL không hiếm khi sử dụng máy bay của mình như một chiếc tiêm kích hạng nặng, dũng cảm lao thẳng vào trận đánh với các máy bay thù và trở về chiến thắng.

 

Mẫu máy bay của công trình sư Ilyushin thường được cải tiến đến hoàn thiện, có trang bị vũ khí ngày càng mạnh hơn. Đầu năm 1944, đã xuất hiện cả mô hình phi cơ cường kích mẫu mới: IL-10. Máy bay này có động cơ mạnh 2.000 mã lực, vận tốc 550km/giờ, bay xa 800km, có trang bị pháo cỡ 37mm. Chiếc cường kích loại mới đã kịp tham gia vào chiến sự chống phát xít Đức và vào các chiến dịch chống quân Nhật tại Viễn Đông. Thế hệ những chiếc IL-10 còn đã được sử dụng trong quá trình cuộc chiến tranh tại Triều Tiên, những năm 1950-1953.

 

Trong những năm 1941-1945, Liên Xô đã xuất xưởng gần 40 nghìn chiếc máy bay cường kích mã hiệu IL. Trong binh chủng Không quân của các nước thành viên chiến tranh thế giới thứ hai, trên thực tế, không hề có loại phi cơ nào gần giống được với máy bay này. Quả là người Đức có máy bay cường kích ”Henshel 129”, nhưng về các tính năng kỹ thuật - chiến thuật, thua xa những chiếc Ilyushin. Thông thường, nhiệm vụ tấn công được giao cho các máy bay ném bom loại “Iunkers” của Đức, chiến đấu cơ tiêm kích ném bom loại “Zero” của Nhật, hay máy bay tiêm kích tầm xa loại “Laitning” của Mỹ. Nhưng tất cả các loại kể trên đều không phải là phi cơ bọc thép.

 

Trong những năm sau chiến tranh, ngành chế tạo máy bay cường kích của Liên Xô đã tiếp tục phát triển. Dần dà, cũng như ở các nước khác, một bộ phận nhiệm vụ của chúng được chuyển cho các máy bay trực thăng tấn công. Hiện nay, trong lực lượng không quân Nga, thịnh hành nhất và được đánh giá tốt nhất trong loại hình máy bay cường kích, là Sukhoi-25, hậu duệ trực tiếp của những chiếc “xe tăng biết bay” trong thời chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Theo Vnexpress/Nước Nga.net