Xây dựng đội quân chống IS: Mỹ thua xa Nga
Trong khi Nga lột xác quân đội Syria trong sứ mệnh chống quân khủng bố IS thì Mỹ lại chật vật để xây dựng quân đội Iraq với nhiệm vụ tương tự.
Mỹ chật vật
Những khó khăn của Mỹ tại Iraq xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó ý thức kỷ luật. Thiếu tá Ignacio Arias của quân đội Tây Ban Nha phàn nàn: “Bọn họ đến rồi đi mà chẳng cần xin phép gì hết”.
Các rắc rối xuất hiện tại căn cứ huấn luyện này phản ánh các khó khăn chung trong quá trình xây dựng lực lượng lục quân Iraq đủ khả năng đánh bật các phiến quân IS ra khỏi Mosul ở Iraq.
Được biết, hồi tháng 3/2015 Lầu Năm Góc công bố rằng Iraq sắp mở một cuộc công kích vào thành phố chiến lược này. Nhưng kế hoạch tham vọng này liên tục bị gác lại do quân đội Iraq phải nỗ lực đẩy lui phiến quân IS khỏi các thành phố nhỏ hơn cùng các thị trấn khác.
Cuối cùng vào tháng 3/2016 quân đội Iraq đã mở chiến dịch tiến công bị trì hoãn trong thời gian dài này. Nhưng chiến dịch giải phóng Mosul đã nhanh chóng dừng lại.
Nhịp độ chậm của của chiến dịch này khiến các vị chỉ huy Mỹ và quan chức Lầu Năm Góc không hài lòng. Họ hy vọng tái chiếm được thành phố nằm ở phía bắc Iraq này và giáng đòn quyết định vào lực lượng IS trước khi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ.
Trước thực tế này, hôm 18/4 Tổng thống Obama chỉ bày tỏ hy vọng: “Kỳ vọng của tôi là vào cuối năm nay, chúng ta sẽ tạo được điều kiện để khiến cho thành phố Mosul thất thủ… Chúng ta không tự chiến đấu. Bằng việc hỗ trợ huấn luyện cho họ, dùng lực lượng đặc nhiệm để yểm trợ họ… chúng ta tiếp tục siết chặt thòng lọng quanh IS”.
Phục vụ chiến dịch này, thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai 200 quân và 4 khẩu lựu pháo 155mm vào ngày 17/3 tới một tiền đồn mới có tên Căn cứ hỏa lực Bell gần Makhmour. Tại đây các cố vấn Mỹ huấn luyện lính Iraq chuẩn bị cho cuộc tấn công Mosul.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ gửi thêm 217 cố vấn quân sự sang Iraq, cho phép họ kèm cặp binh sĩ Iraq ở cấp tiểu đoàn và ra sát tiền tuyến hơn, thay vì chủ yếu đóng trong đại bản doanh của các sư đoàn Iraq.
Động thái này nâng tổng số lính Mỹ chính thức ở Iraq lên 4.087 người. Nhưng số quân này không bao gồm lính đặc nhiệm. Quan chức Mỹ cho biết có hơn 5.000 nhân viên quân sự Mỹ ở Iraq.
Ông Carter cũng cho biết Lầu Năm Góc sẽ tăng cường hỗ trợ hậu cần cho quân đội Iraq và sẽ triển khai một số trực thăng tấn công Apache và pháo binh tầm xa để hỗ trợ quân đội Iraq tác chiến.
Ngoài ra Mỹ sẽ cấp 417 triệu USD cho chính quyền người Kurd ở miền bắc Iraq. Phần lớn số tiền này là để trả lương cho dân quân người Kurd – những người là đồng minh then chốt trong cuộc chiến chống IS.
Nga lột xác quân đội Syria
Trong khi Mỹ đang chật vật xây dựng lực lượng quân đội Iraq đủ mạnh để đối đầu với IS thì người Nga chỉ với thời gian ngắn đã khiến quân độ Syria gần như lột xác hoàn toàn.
Hồi cuối tháng 2/2016, tờ The Independent của Anh viết rằng, những vũ khí mới nhất của Nga đã tạo lợi thế cho các lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ Syria, làm thay đổi tiến trình cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và các lực lượng vũ trang đối lập ở đất nước này.
Trong 5 năm qua, quân đội Syria đã tổn thất hơn 60 nghìn người, nhưng nhờ công nghệ quân sự Nga mà thiệt hại đã giảm đáng kể.
Theo bài báo, người Syria cực kỳ ấn tượng với xe tăng T-90 hiện đại hóa mà Nga đã đưa vào cuối năm ngoái. Những hệ thống bảo vệ chủ động được trang bị cho các loại xe quân sự của Nga cho phép thay đổi quỹ đạo tên lửa đối phương, khi tên lửa chỉ còn cách xe tăng một vài mét.
Đối với quân đội Syria, không kém phần quan trọng so với xe tăng, các phương tiện tình báo điện tử của Nga đã giúp người Syri nâng cao khả năng thu thập tin tức chiến trường, họ phá vỡ hàng phòng ngự của chiến binh ở khu vực miền núi phần tây bắc đất nước, bài báo viết.
Các chuyên gia Nga đã huấn luyện quân nhân Syria thông thạo kỹ năng điều khiển xử lý trang thiết bị quân sự và chiến thuật tác chiến phù hợp để chiến đấu ở khu vực đô thị và miền núi.
Hiệu quả rõ rệt là việc từ khi Nga can thiệp vào Syria, quân chính phủ đã ngừng thua, liên tiếp mở các chiến dịch tấn công và giành lại nhiều vùng đất từ IS và các nhóm phiến quân đối lập.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết nhận định, công lao lớn nhất của Nga với Syria không phải đến từ hành động cung cấp vũ khí trang bị hiện đại, mà là việc các cố vấn Nga đã giúp quân đội Syria thay đổi hướng chiến lược và chiến thuật tác chiến để giành chiến thắng.
Theo Tuấn Hưng (tổng hợp)
Đất Việt