Vương Kỳ Sơn và sứ mệnh dập mối đe dọa đảng cầm quyền TQ
Vương Kỳ Sơn không xa lạ gì với những vụ việc khẩn cấp. Nhưng sứ mệnh hiện tại của ông được coi là quan trọng nhất từ trước tới nay: dập tắt lửa tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chính đảng cầm quyền TQ.
Khi Vương trở thành lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TƯ TQ (CCDI) vào cuối năm 2012, thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư không vui. Họ cho rằng, ông nên đảm nhận trọng trách về kinh tế hay tài chính vì sự nhạy bén kinh doanh và kiến thức am hiểu sâu rộng ở các lĩnh vực này.
Hiện tại, người ta hiểu rằng, các nhà lãnh đạo TQ không thể chọn lựa một người tốt hơn để lãnh đạo một cuộc chiến chưa từng có, tấn công vào các quan tham sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, khẳng định chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong hai năm qua, CCDI đã điều tra hàng chục nghìn quan chức, hơn 30 quan chức cấp cao đã bị bắt giữ vì các cáo buộc tham nhũng. Trong đó có Chu Vĩnh Khang - nguyên ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị TQ, nguyên Bộ trưởng Công an cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo chính quyền địa phương...
Giờ đây, CCDI đã trở thành một cơ quan đáng sợ nhất với hàng ngũ quan chức đảng, chính quyền TQ.
Dĩ nhiên, nhiều nhà đầu tư và giới quan sát TQ cũng đang tự hỏi, chiến dịch có thể kéo dài bao lâu khi ít nhiều lãnh đạo cấp cao TQ đã nghỉ hưu cảnh báo ông Tập, ông Vương không nên đi quá xa. Một số người còn lo ngại các tác động kinh tế khi chiến dịch chống tham nhũng đặc biệt hướng mục tiêu vào lối sống xa hoa của quan chức, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể trong doanh thu của hệ thống nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu bán đồ xa xỉ.
Và ông Tập, ông Vương vẫn quyết tâm thúc đẩy cuộc chiến.
Trong thực tế, những nhà phân tích thông hiểu về TQ cho rằng, đội ngũ lãnh đạo nghỉ hưu ở nước này đã ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng bởi họ hiểu rằng, tính hợp pháp của đảng cầm quyền sẽ bị đe dọa nếu vấn nạn tham nhũng không được kiềm chế.
Một lý do khiến Vương thường được gọi là "trưởng cứu hỏa" bởi ông là một trong những chính khách thông hiểu sâu sắc và lãnh đạo xử lý nhiều cuộc khủng hoảng.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đã điều ông tới Quảng Đông xử lý vụ phá sản một công ty đầu tư lớn của nhà nước, giám sát các cuộc thương thảo khó khăn với các chủ nợ nước ngoài đang tức giận khi đó.
Trong thời điểm cao trào của dịch SARS ở Bắc Kinh, ông Hồ Cẩm Đào đã phái Vương tới thành phố để xử lý khủng hoảng và ngăn chặn dịch bệnh.
Những người thường gặp ông Vương nói rằng, ông có lập luận sắc bén và sự hài hước, nhưng với đa số người dân, ông kín tiếng hơn nhiều so với các lãnh đạo cấp cao khác.
Bài phát biểu đầy "ngẫu hứng" của ông với một nhóm cố vấn chính phủ tháng trước, được công khai trên các phương tiện truyền thông TQ, đã nói rõ tư duy chống tham nhũng. Ông sử dụng ngôn ngữ bình dân để nói về việc tại sao ông sẽ tiếp tục cuộc chiến này cho đến khi hết nhiệm kỳ năm 2017. Ông cũng giải thích "học thuyết" làm thế nào để khiến các thành viên trong đảng cầm quyền "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng".
Cải cách thể chế để xử gốc rễ tham nhũng
Ông cho rằng, chiến dịch đầy khó khăn hiện tại mới chỉ là ép các quan chức né tránh tham nhũng, nghĩa là mới chỉ điều trị triệu chứng tham nhũng chứ không phải nhằm vào gốc rễ. Theo ông, cải cách thể chế mới đảm bảo các quan chức không thể tham nhũng, và thậm chí không có mong muốn tham nhũng.
Ông cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng, cuộc chiến hiện tại nên "khoan dung" với các quan tham nghỉ hưu và tập trung vào quan chức tại vị. Vương Kỳ Sơn khẳng định, cả hai nhóm này đều là mục tiêu. Ông nói rằng, chính chiến dịch chống tham nhũng đã khiến nhiều quan chức không làm gì để né tránh chú ý.
Thú vị hơn, giữa lúc nhà chức trách TQ đang kiểm soát chặt chẽ truyền thông, thì ông lại ca ngợi tầm quan trọng của truyền thông và nỗ lực của dân thường trong phát hiện ra các quan tham thông qua những phương tiện truyền thông xã hội. Ông nói, đây sẽ là thứ vũ khí lợi hại trong cuộc chiến chống tham quan. Vương khẳng định: "Trong cuộc chiến này, chúng ta không thể thất bại".
Tuy nhiên, cho dù Vương là nhà lãnh đạo tốt nhất của chiến dịch chống tham nhũng, thì tuổi tác đang chống lại ông. Ông sẽ ở tuổi 69 vào năm 2017 khi nhiệm kỳ 5 năm kết thúc và TQ bước vào cuộc bầu chọn các nhà lãnh đạo mới. Có một quy tắc bất thành văn ở TQ, chỉ có quan chức ở tuổi 67 hay trẻ hơn mới có thể tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm khác.
Vietnamnet/SCMP