1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ Snowden tiết lộ tài liệu mật: Ngọn lửa nhỏ làm bùng đám cháy lớn

(Dân trí) - Đã hơn ba tuần trôi qua nhưng cuộc khủng hoảng mang tên Snowden vẫn chưa có hồi kết. Chỉ một hành động cá nhân nhưng đã dẫn tới căng thẳng giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc và Ecuador. Nhiều người lo ngại, ngọn lửa nhỏ này sẽ bùng phát thành một đám cháy lớn.

“Kẻ phản bội nước Mỹ” Snwden đang gây sóng gió quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung.
“Kẻ phản bội nước Mỹ” Snwden đang gây sóng gió quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung.

Hơn một tháng sau khi tới Hồng Kông (Trung Quốc) và chỉ 2 ngày sau khi bị chính phủ Mỹ tróc nã vì tội làm gián điệp do đã đánh cắp, tiết lộ các thông tin bí mật quốc gia, ngày 23/6, cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã bí mật rời Hồng Kông tới sân bay… ở thủ đô Mátxcơva để đến nước thứ ba tị nạn.  

Hành động tiết lộ và trốn chạy này của Snowden đang đặt quan hệ của Mỹ với Hồng Kông, Trung Quốc, Nga và cả Ecuador -nơi Snowden đã nộp đơn xin tị nạn chính trị- vào vòng xoáy khủng hoảng mới.

Hồng Kông khôn ngoan thoát hiểm

Với sự ra đi bí mật hôm 23/6, mặc dù Snowden không còn hiện diện trên lãnh thổ Hồng Kông nhưng dư chấn gây ra bởi sự kiện này chưa phải đã hết. Cho đến nay, chính phủ của Tổng thống Obama vẫn trách cứ chính quyền của Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đã để “sổng” mất Snowden, nhưng xét dưới góc độ khác, hòn đảo này cũng có những khó khăn nhất định do luôn ở thế kẹt giữa Đại lục và Washington.

Nhìn lại, kể từ khi Snowden quyết định công khai sự có mặt của mình ở Hồng Kông ngày 9/6, chính quyền nơi đây đã bị đặt vào thế khó xử. Trong mắt đại bộ phận người dân Hồng Kông, Snowden không phải là tội phạm mà là anh hùng bảo vệ tự do và quyền riêng tư của con người. Họ đã tụ hợp nhau bên ngoài Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông để yêu cầu bảo vệ “người anh hùng của truyền thông tự do” và chỉ trích Mỹ vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Trong khi đó, chính phủ Mỹ ra sức tạo sức ép bằng nhiều cách thức khác nhau.

Vì tính nhạy cảm của vấn đề nên chính quyền Hồng Kông đã hành xử rất thận trọng, hòng tìm ra phương thức gỡ rối khả dĩ nhất cho tất cả các bên, vừa “bảo toàn” quan hệ với Mỹ và Đại lục, đồng thời không làm ảnh hưởng tới đại cục quan hệ Mỹ - Trung vốn đã có quá nhiều vấn đề nhạy cảm.

Do vậy, giới chức Hồng Kông đã quyết định để Snowden bí mật ra đi với lời giải thích có nhầm lẫn tên trong hồ sơ của cựu nhân viên CIA này. Đặc khu hành chính của Trung Quốc cho rằng lựa chọn này -dù có phải nhận chỉ trích từ Mỹ- cũng sẽ êm dịu hơn nhiều so với hậu quả của việc Snowden ở lại và bị dẫn độ về Mỹ theo hiệp định dẫn độ đã được hai bên ký kết từ năm 1996

Trên thực tế, quyết định của Hồng Kông không phải là điều khó hiểu, bởi dù có luật pháp riêng nhưng Hồng Kông lại phải chịu sự điều chỉnh của Đại lục trong các vấn đề ngoại giao và quốc phòng. Trưởng đặc khu  Lương Chấn Anh không muốn bị vướng vào vòng rắc rối luẩn quẩn với cả hai phía về sau này.

Tuy nhiên, sự ra đi của Snowden không đồng nghĩa với việc ngòi nổ khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ với Trung Quốc đã được tháo ngòi nổ, cho dù Bắc Kinh trong thời gian qua cũng đã có những bước hành xử rất khôn khéo.

Trung Quốc thể hiện bản lĩnh khôn ngoan

Nếu nhìn lại diễn tiến sự việc, câu chuyện mà Snowden mang đến Hồng Kông không chỉ đơn thuần là những bí mật về chương trình do thám Internet và nghe lén cuộc thoại của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), mà còn bao gồm cả thông tin về việc an ninh Mỹ đã thâm nhập hàng nghìn máy chủ ở Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới.

Đối với Bắc Kinh, đây là một món quà lớn bất ngờ rơi xuống, vì nó không khác nào “bằng chứng sống” tố cáo hành vi phạm tội của Mỹ. Những tiết lộ của Snowden hoàn toàn có thể giúp Bắc Kinh xoay chuyển cục diện bất lợi sau hơn nửa năm liên tiếp bị Washington cáo buộc xâm nhập các hệ thống máy tính của Mỹ.

Thế nhưng, trong quan hệ ngoại giao nước lớn, ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh không thể hành xử vội vàng và thiếu thận trọng. Bắc Kinh không thể để một cá nhân như Snowden làm ảnh hưởng tới mối quan hệ vừa hợp tác - vừa đấu tranh và có quá nhiều lợi ích cộng hưởng với Washington.

Chính vì thế, trong thời gian Snowden ở Hồng Kông, Trung Quốc Đại lục đã hầu như không đưa ra bất kỳ bình luận hay chỉ trích gì đi quá trong quan hệ với Mỹ. Cách xử lý này không chỉ thể hiện bản lĩnh quan hệ quốc tế khôn ngoan của ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh, mà còn cho thấy Trung Quốc không muốn làm căng thêm quan hệ với Mỹ.

Sau khi Snowden rời Hồng Kông, Trung Quốc Đại lục cũng đã khéo léo nhắc nhở siêu cường số 1 thế giới thấy rằng sự việc này hoàn toàn thuộc quyền tự quyết của Hồng Kông, và rằng từ nay Snowden không còn nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc.

Không chỉ thế, Trung Quốc cũng đã tranh thủ tận dụng chính những tiết lộ của Snowden để đập lại những cáo buộc gián điệp mạng trước đây của Mỹ. Cách làm “lấy mỡ nó rán nó” này của Bắc Kinh không chỉ khiến Washington “há miệng, mắc quai”, mà còn hạn chế được tối đa những ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ - Trung.

Nói cách khác, cục diện quan hệ giữa hai bên đang trở về thế cân bằng, nếu không muốn nói là có phần nghiêng về phía Trung Quốc hơn, trong sự kiện gián điệp đang gây ồn ào trên báo chí thế giới.

Nga có lẽ cũng đang được hưởng lợi từ sự kiện này, cho dù cách hành xử của Moscow lại đi theo một con đường khác.

Sự trả thù của "chú gấu Nga"?

Không phải vô cớ Snowden đã chọn điểm Mátxcơva là điểm đến tiếp theo sau khi rời Hồng Kông. Từng là nhân viên tình báo Mỹ, lại nắm giữ trong tay nhiều thông tin liên quan đến chương trình giám sát tuyệt mật của chính phủ Mỹ, Snowden đã có lựa chọn chiến lược khi quyết định quá cảnh Nga.

Lựa chọn đó không chỉ xuất phát từ việc cựu nhân viên CIA này đang nắm trong tay nhiều thông tin mà Mátxcơva thèm muốn, mà còn từ thực tế Nga - Mỹ chưa ký hiệp ước dẫn độ cũng như khả năng chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng “chơi rắn” với Nhà Trắng sau không ít bất đồng giữa hai bên trong nhiều hồ sơ quốc tế nóng.

Snowden đặt kỳ vọng rất nhiều vào chính quyền Mátxcơva và những diễn biến đến thời điểm này cho thấy dường như những toan tính của Snowden là đúng, vì chính Tổng thống Putin đã đích thân tuyên bố “là hành khách quá cảnh, anh ta (Snowden) có quyền mua vé và bay tới bất kỳ nơi nào”.

Dư luận quốc tế có lẽ cũng không quá ngạc nhiên với cách ứng xử này của Điện Kremli. Sau quá nhiều vấn đề nổi cộm trong quan hệ Nga - Mỹ như khủng hoảng Syria, hạt nhân Iran, hệ thống lá chắn tên lửa (NMD), đạo luật nhân quyền Magnitxky…, không có lý do gì để Mátxcơva lại bắt tay giúp Washington trong khi chính Mỹ cũng đang  ủng hộ nhiều nhà bất đồng chính kiến của Nga.

Thế nhưng, đẩy sự việc Snowden đi quá xa cũng không phải là ý định của Mátxcơva, vì Điện Kremli thừa hiểu mối quan hệ vừa đối tác - đối thủ với Nhà Trắng sẽ mang lại những lợi ích chiến lược lớn hơn nhiều so với “miếng mồi ngon” Snowden hiện nay.

Trong một động thái mới nhất, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Tổng thống Ecuador Rafael Correa yêu cầu không chấp thuận đơn xin tị nạn của “kẻ phản bội nước Mỹ”.

Hành động này của ông Biden khiến giới bình luận nghi ngờ đốm lửa nhỏ đang bùng lên thành đám cháy lớn. Tuy nhiên, dù thế nào đám cháy đó cũng không thể thiêu cháy được các trục quan hệ chính Mỹ - Nga và Mỹ - Trung trong thế kỷ 21. Những tác động từ đám cháy này, có chăng, chỉ là việc tạo ra thế cân bằng mới trong quan hệ giữa các nước lớn và gióng lên hồi chuông về khả năng một cá nhân cũng có thể làm khuynh đảo cục diện ngoại giao nước lớn trong thời đại bùng nổ Internet hiện nay.

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm