1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Mỹ nghe lén cả trụ sở Liên Hợp Quốc và EU”

(Dân trí) - Đây là thông tin gây chấn động mới nhất liên quan đến những tài liệu mật mà cựu điệp viên Snowden tiết lộ với báo giới, được một tờ báo của Đức đăng tải. Chủ tịch nghị viện châu Âu đã lập tức lên tiếng yêu cầu tiến hành điều tra thông tin trên.

Trụ sở NSA tại Mỹ
Trụ sở NSA tại Mỹ

Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, thông tin được tạp chí Der Spiegel của Đức số ra ngày hôm nay (30/6) tiết lộ. Theo đó, “những tài liệu mật mà người tố giác Edward Snowden có được và Spiegel được xem một phần” cho thấy, Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ (NSA) đã nghe lén cả các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ

Một tài liệu của NSA, đề năm 2010, đã gọi Liên minh châu Âu là một “địa điểm mục tiêu”.

“Tài liệu này cho thấy, ngoài việc cài thiết bị nghe lén trong các tòa nhà tại trung tâm Washington, DC, mạng máy tính của cơ quan đại diện EU cũng bị đột nhập. Với cách này, người Mỹ có thể tiếp cận các cuộc thảo luận trong các văn phòng của EU cũng như các bức thư điện tử và tài liệu nội bộ trên máy tính”, Der Spiegel khẳng định.

Và cũng theo tài liệu này, các đại diện của EU tại Liên Hợp Quốc cũng bị theo dõi theo cách thức tương tự.

Thông tin mà Der Spiegel có được còn cho thấy, NSA từng đứng đằng sau một “chiến dịch nghe trộm điện tử”, rõ ràng nhắm tới tòa nhà Justus Lipsius, nơi làm việc của Hội đồng Bộ trưởng EU và Hội đồng châu Âu.

Tờ tạp chí của Đức khẳng định, khoảng 5 năm trước, các quan chức an ninh châu Âu đã chú ý “tới vài cuộc gọi nhỡ rõ ràng nhắm tới hệ thống bảo trì từ xa tại tòa nhà Justus Lipsius. Các nhân viên an ninh sau đó đã lần theo dấu vết các cuộc gọi đến tổng hành dinh của NATO tại ngoại ô của Brussels.

Một phân tích chính xác cho thấy các cuộc tấn công vào hệ thống viễn thông đã được thực hiện từ một khu nhà tách biệt so với phần còn lại của trụ sở NATO, nơi các chuyên gia của NSA sử dụng”

Ngay khi hay thông tin trên, chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã khẳng định với hãng tin Reuters rằng, nếu thông tin trên là chính xác, nó sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng” tới mối quan hệ giữa EU và Mỹ.

“Thay mặt Nghị viện châu Âu, tôi yêu cầu làm rõ toàn bộ và đề nghị cung cấp thông tin thêm một cách nhanh chóng từ giới chức Mỹ liên quan đến cáo buộc này”, ông Schulz khẳng định trong một bức thư điện tử.

Trong khi đó, trong ngày hôm qua, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm cho Tổng thống Ecuador Rafael Correa đề nghị không cho cựu điệp viên CIA Edward Snowden tị nạn chính trị.

Hiện Snowden đang phải đối mặt với các tội danh: đánh cắp tài sản quốc gia, tiết lộ trái phép thông tin quốc phòng và cố ý tiết lộ các tài liệu tình báo mật. Mỗi tội danh này có thể khiến Snowden lãnh án tối đa 10 năm tù.

Theo ông Correa, ông Biden “đã truyền tải yêu cầu một cách lịch sự từ nước Mỹ đối với việc từ chối đề nghị” xin tị nạn chính trị của Snowden.

Vị Tổng thống Ecuador cho biết đã trả lời phó Tổng thống Mỹ rằng: “Cảm ơn ngài phó Tổng thống vì đã gọi điện. Chúng tôi luôn đề cao nước Mỹ. Chúng tôi không muốn ở trong tình thế này”. Nếu ông Snowden có tới “lãnh thổ Ecuador” mang theo đề nghị đó, “những người đầu tiên chúng tôi tham khảo ý kiến sẽ là Mỹ”.

Thanh Tùng
Theo BBC, RIA Novosti

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm