1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ nổ khinh khí cầu qua lời kể của 1 du khách Việt

Chị Nguyễn Thùy Chi, người trực tiếp chứng kiến vụ nổ khinh khí cầu khiến 18 người chết xảy ra sáng 26/2 tại thành phố du lịch Luxor nổi tiếng của Ai Cập, đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng và cảm thấy hết sức may mắn.

 

Nhân viên an ninh Ai Cập điều tra tại hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên an ninh Ai Cập điều tra tại hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Ai Cập qua điện thoại, nữ cán bộ ngân hàng 37 tuổi người Hà Nội này cho biết sau khi tham quan các danh lam thắng cảnh tại thủ đô Cairo từ ngày 22/2, chị quyết định đặt vé máy bay một mình đi thăm Luxor, cách Cairo hơn 500 km về phía Nam.

Cũng như nhiều du khách khác, ngoài các điểm đến truyền thống tại Luxor như Thung lũng các vị vua - nơi an táng của nhiều Pharaoh, đền Karnak..., chị Chi đã tự đặt cho mình một chỗ tham quan vùng đất cổ này bằng khinh khí cầu tại khu Bờ Tây sông Nile.
 
Chuyến bay được khởi hành vào lúc 6h sáng. Ngoài chị Chi, trên khinh khí cầu lúc đó có khoảng 20 du khách quốc tế khác. Vào khoảng 7h30, quả khinh khí cầu của chị tiếp đất, chuẩn bị kết thúc chuyến du ngoạn. Lúc đó, trời đã sáng rõ; mọi người vẫn chưa được được phép rời khinh khí cầu xuống đất. Đột nhiên, chị Chi và một số du khách thấy có khói tỏa ra từ một quả khinh khí cầu khác đang bay trước mặt. Có ai đó trong đoàn của chị thét lên chỉ về hướng đám cháy.
 
Lửa nhanh chóng bốc lên và quả khinh khí cầu gặp nạn lao thẳng xuống đất sau chỉ 1-2 giây. Vụ việc diễn biến quá nhanh khiến tất cả mọi người đều bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sau khi nghe mọi người kể lại, nhiều du khách trên chuyến bay (đứng ở hướng khác), kể cả người điều khiển, vẫn không tin vụ tai nạn đã xảy ra. Mọi người đều hết sức hốt hoảng và bàn tán xôn xao.
 
Sau khi định thần, chị Chi đã gọi điện báo tin cho người thân tại Cairo và tiếp tục khởi hành về phía Nam tới thăm Aswan và Abu Simbel. Trao đổi với chúng tôi, chị Chi cho biết: "Lần sau chắc không bao giờ dám bước chân lên khinh khí cầu nữa!"
 
Theo thông báo chính thức của Bộ Y tế Ai Cập, vụ nổ khinh khí cầu làm 18 du khách người Nhật, Pháp, Anh, Hong Kong (Trung Quốc), Bulgaria và Ai Cập thiệt mạng. Ba người có mặt trên khinh khí cầu, trong đó có hai du khách Anh và hoa tiêu người địa phương, đã may mắn thoát chết.
 
Theo người đại diện Hiệp hội các nhà điều hành khinh khí cầu Luxor, người lái khinh khí cầu trên đã sống sót khi quyết định nhảy xuống đất từ độ cao 10-15m.
 
Bộ Y tế Ai Cập cũng cử một đội y bác sĩ xuống Luxor để chuyển những người bị thương lên thủ đô Cairo để điều trị. Ngay sau vụ tai nạn này, Tỉnh trưởng Luxor đã quyết định tạm dừng các chuyến tham quan bằng khinh khí cầu. Hiện nguyên nhân vụ tai nạn này đang được các cơ quan chức năng Ai Cập khẩn trương điều tra làm rõ.
 
Theo báo chí địa phương, một số vụ tai nạn khinh khí cầu đã xảy ra tại Luxor. Vào năm 2009, một quả khinh khí cầu đã lao xuống đất do đụng phải một trạm phát sóng di động khiến 16 người bị thương.
 
Các nhà chức trách sau đó đã quyết định tạm ngừng dịch vụ khinh khí cầu trong vòng sáu tháng, thắt chặt các biện pháp đảm bảo an ninh và tiến hành đào tạo lại cho toàn bộ đội ngũ nhân viên điều khiển khinh khí cầu. Theo đó, chỉ cho phép tám quả khinh khí cầu được bay cùng lúc thay vì hơn 50 quả trước đó.
 
Với nhiều phế tích, đền đài nổi tiếng thời Pharaoh, Luxor là một trong những địa điểm du lịch được ưa thích nhất tại Ai Cập. Các chuyến tham quan bằng khinh khí cầu thường được tổ chức vào lúc mặt trời mọc tại khu vực Bờ Tây sông Nile. Vụ tai nạn trên xảy ra giữa lúc ngành du lịch Ai Cập đang đối mặt với hàng loạt khó khăn do lượng du khách quốc tế giảm mạnh kể từ khi nổ ra làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak vào tháng 2/2011./.
 
Theo Hữu Chiến
Vietnamplus

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm