Vũ khí siêu thanh - ưu tiên hàng đầu của các nước lớn
Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về công nghệ mới nổi giữa các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến, cuộc chạy đua các công nghệ như vũ khí siêu thanh đang được tăng tốc và việc có được chúng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nước lớn.
Năm 2019, Nga đã đưa vào vận hành Trung đoàn đầu tiên trang bị tên lửa Avangard (Avangard Hypersonic Glide Vehicle - HGV). Nga cũng là nước đầu tiên hoàn thành thử nghiệm Tên lửa hành trình siêu thanh (Hypersonic Cruise Missile - HCM) Zircon.
Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực siêu thanh ngày càng gia tăng, Nga - quốc gia dẫn đầu về công nghệ vũ khí siêu thanh, đã tuyên bố sẽ đưa Trung đoàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thứ hai với phương tiện lướt siêu thanh Avangard (HGV) vào trực chiến trong năm 2023. Bám đuổi Nga trong việc sở hữu vũ khí siêu thanh, Mỹ vẫn cần phải vượt qua rất nhiều khoảng cách.
Mỹ đang xây dựng một cơ sở thử nghiệm các tên lửa siêu thanh tại Purdue. Vào tháng 3/2020, Lầu Năm Góc đã tiến hành thử nghiệm thành công vật thể lượn siêu thanh (HGB). Bất chấp khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19, Mỹ đang chi số tiền khổng lồ cho nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội tăng 20% ngân sách cho nghiên cứu và phát triển.
Trong lịch sử, dự án siêu thanh X-20 Dyna-soar của Mỹ bắt đầu vào cuối những năm 1950, nhưng đã bị gác lại. Sau khi đóng cửa do một số nỗ lực không thành công trong việc thử nghiệm công nghệ siêu thanh vào năm 2010 và 2011, chương trình phát triển vũ khí siêu thanh đã được hồi sinh sau khi Trung Quốc thử nghiệm thành công HGV của họ.
Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới thử nghiệm thành công công nghệ tên lửa siêu thanh. Sự thành công của Nga trong phát triển tên lửa hành trình siêu thanh Zircon cũng là một tin tốt cho Ấn Độ, vì BrahMos-II là một biến thể của HCM Zircon của Nga. Ấn Độ theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia có vũ khí siêu thanh để giành lợi thế lớn khi chống lại một đối thủ không có vũ khí siêu thanh là Pakistan.
Một lý do khác đó là vũ khí siêu thanh có khả năng tiến hành các cuộc phản công đáp trả. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vũ khí siêu thanh ở Nam Á có được lợi thế rõ ràng như của Nga, Mỹ và Trung Quốc hay không? Trước mối đe dọa từ Ấn Độ, Pakistan cũng đang xem xét để khởi động chương trình phát triển siêu thanh của riêng mình.
Theo cựu Đô đốc Hải quân Zafar Mehmood Abbasi, trước mối đe dọa đang nổi lên từ nước láng giềng phía đông, Hải quân Pakistan đang phát triển tên lửa đạn đạo siêu thanh P282. Liệu Pakistan có thể duy trì chương trình vũ khí siêu thanh hay không là một cuộc tranh luận riêng biệt, nhưng điều đó sẽ nâng cao đáng kể khả năng của nước này trong việc đáp trả Ấn Độ trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.
Tuy vậy, cần phải có những quy tắc nhất định để kiểm soát sự phát triển của những loại vũ khí này. Ví dụ, Ấn Độ đã có thể phát triển BrahMos - II với sự giúp đỡ của Nga. Nhưng ở nước đông dân thứ hai thế giới này, các vụ trộm cắp vật liệu phóng xạ đang gia tăng. Trong 3 tháng qua, đã có 3 vụ trộm và mua bán trái phép uranium và vật liệu phóng xạ. Việc một quốc gia như vậy sở hữu công nghệ siêu thanh có thể gây báo động không chỉ cho hòa bình khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Thách thức đối với tất cả các quốc gia không chỉ là phát triển vũ khí siêu thanh mà còn ở việc tìm kiếm biện pháp đối phó. Ở Nga, hệ thống tên lửa phòng không mới S-500 được cho là có khả năng chống lại tên lửa siêu thanh. Tương tự, Mỹ và Trung Quốc đang nghiên cứu về Vũ khí Năng lượng Định hướng (DEW) và vũ khí chống vệ tinh để chống lại vũ khí siêu thanh.
Cảnh giác trước mối đe dọa tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang chuyển sang phát triển các biện pháp đối phó bằng cách sử dụng máy bay không người lái (UAV).
Sau khi Nga đưa Zircon HCM vào hoạt động, Ấn Độ sẽ có được sự tự tin để vận hành BrahMos - II cũng như sẽ củng cố sự ổn định chiến lược của Nam Á. Tương tự, Mỹ sẽ phải chịu áp lực thúc đẩy chương trình siêu thanh của nước này lên cấp độ tiếp theo, buộc các quốc gia khác phải tham gia vào các dự án tương tự. Vũ khí siêu thanh, một mặt, đang dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, mặt khác, ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược. Hiện tại, cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh đã được khởi động và các cường quốc đang dốc sức tăng tốc nó.