1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vũ khí hiện đại Nga - Câu chuyện viễn tưởng có thật!

Chỉ cách đây vài năm, phương Tây không thể nghĩ rằng Nga sẽ thành công trong cải cách quân đội và chế tạo các loại vũ khí mới công nghệ cao.

Trang bị, vũ khí Nga “trả bài” xuất sắc ở Syria

Kênh truyền hình Mỹ Vice News ngày 25-3 cho biết, chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS của Nga ở Syria là một thành công chính trị cũng như quân sự. Lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) Nga đã chứng tỏ những thành tựu trong lĩnh vực vũ khí mới và huấn luyện quân sự.

Trong 6 tháng, chỉ có một máy bay bị bắn hạ (do yếu tố bị “đánh trộm” chứ không phải là kỹ thuật yếu kém), dù trước đây vài năm phương Tây tin chắc Nga có "vấn đề nghiêm trọng" về vấn đề vũ khí quá già lão và không có kinh nghiệm thực hành tác chiến.

Vice News trích lời nhà phân tích Michael Kofman, thuộc Trung tâm phân tích hải quân Hoa Kỳ cho rằng, sau cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia năm 2008, không có ai tin rằng, vào năm 2016, người Nga dám phát động một chiến dịch quân sự ở nơi xa như Syria.

Và khi đó, hẳn cũng không ai tin tưởng rằng, lực lượng Không quân được nâng cấp của Nga có thể duy trì cường độ hoạt động không kích hàng tháng trời, sử dụng cả máy bay không người lái. Ai nó như vậy sẽ bị người khác cho rằng đó là câu chuyện khoa học viễn tưởng - vị chuyên gia Mỹ nói.

Theo kênh truyền hình Mỹ, Nga bắt đầu chương trình cải tổ quân đội sau cuộc chiến với Gruzia năm 2008.

Cuộc chiến tranh ngắn ngủi này đã bộc lộ những điểm yếu của quân đội Nga như khả năng hiệp đồng tác chiến quân binh chủng kém, khả năng trinh sát hạn chế, không có vũ khí tấn công chính xác cao…

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga đang được nhiều nước hỏi mua
Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga đang được nhiều nước hỏi mua

Do đó, Moscow đã mạnh tay tiến hành chiến dịch cải tổ, tái trang bị quân đội với tên gọi là “Diện mạo mới”. Chỉ sau thời gian 5-6 năm, bộ mặt của quân đội Nga đã thay đổi hoàn toàn, bắt đầu thể hiện ở chiến dịch “Mùa xuân Crimea” hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2014.

Moscow dự định đến năm 2020 sẽ thay thế 70% vũ khí, thiết bị quân sự. Mục tiêu đầy tham vọng này không hề là sự khoe khoang rỗng tuếch, đó chính là đích ngắm quan trọng nhất của quốc gia lớn nhất địa cầu, dù đã mất đi sự hùng mạnh sau khi Liên Xô tan rã.

Giờ đây, Nga đạt được những kết quả đáng kể về xây dựng lực lượng đào tạo chính qui, thêm vào đó là sự tăng cường sức mạnh không quân và hệ thống tên lửa phòng không.

Ở Syria, Moscow đã cho thấy độ tin cậy cao của các máy bay ném bom, hệ thống tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu. Quân đội Nga trở nên đặc biệt cơ động, công tác chỉ huy và điều khiển hiệu quả hơn, đó là những thay đổi cực kỳ quan trọng trong quân đội - bài báo viết.

Hình ảnh của Nga trên trường quốc tế và sự phát triển kho vũ khí tồn tại mối liên hệ trực tiếp, cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng năm 2015 là bằng chứng về điều này. Hoạt động kỷ niệm cho thấy, Moscow khẳng định mình là một cường quốc hùng mạnh, không ai được phép coi thường.

Chuyên gia Mỹ nhận xét, rất có thể, các bước đi tiếp theo trong việc cải cách các lực lượng vũ trang đối với Nga sẽ phức tạp hơn, chặng đường cải cách đòi hỏi sự "tốn kém và phức tạp hơn". Tuy nhiên, thành công ở Syria đã chứng tỏ, Nga đạt được những gì từ năm 2008.

Máy bay ném bom tiến tuyến Su-34 cũng được nhiều nước quan tâm
Máy bay ném bom tiến tuyến Su-34 cũng được nhiều nước quan tâm

Vũ khí Nga ngày càng hoàn thiện, chiếm thị phần lớn

Tổng thống Nga Putin đã từng đánh giá rằng, các thiết bị quân sự của Nga đã “trả thi” xuất sắc ở Syria.

Thử thách nghiêm trọng đối với kỹ thuật quân sự hiện đại của Nga, trước hết là các trang thiết bị không quân, chính là thực tế sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định hồi tháng 2-2016.

Tổng Tư lệnh tối cao Vladimir Putin nhận xét rằng những mẫu vũ khí mới vừa nhập vào hệ trang bị của quân đội Nga "đã được vận hành tích cực, thường xuyên rà soát kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu tại các binh chủng và đơn vị trong các cuộc tập trận, thao diễn, huấn luyện".

Do đó, kỳ thi nghiêm khắc với các công nghệ hiện đại đặc biệt là kỹ thuật máy bay chính là thực tế sử dụng để chiến đấu hiệu quả chống bọn khủng bố ở Syria, và lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga đã hoàn thành xuất sắc “bài kiểm tra” khả năng ở Syria - nguyên thủ quốc gia Nga tuyên bố.

Trong khi đó, giới chức công nghiệp quốc phòng Nga cũng cho rằng, kinh nghiệm tác chiến ở Syria đã giúp các tập đoàn Nga hoàn thiện máy bay chiến đấu. Để thực hiện nhiệm vụ này, Nga đã đưa sang Syria các máy bay ném bom Su-24 và Su-34; cường kích Su-25; tiêm kích Su-30SM và Su-35.

Kinh nghiệm tiến hành chiến sự của Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga ở Syria sẽ được chú ý khi phát triển các đề án về chiến đấu cơ mới và cải tiến những máy bay hiện có - ông Aleksandr Klementiev, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn chế tạo máy bay Sukhoi tuyên bố.

Sau chiến dịch, tất cả những hoạt động tác chiến của các máy bay ở Syria sẽ được các chuyên gia phân tích kỹ lưỡng và những kết luận thu được sẽ giúp ích cho giới chế tạo hàng không Nga trong việc mở rộng khả năng lực của Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga.

Trong tương lai thì như thế, còn hiện tại Nga cũng đã gặt hái được những “quả ngọt” từ chiến dịch quân sự đầy ấn tượng này. Hoạt động thành công của không quân Nga tại Syria đã góp phần gia tăng sự quan tâm của khách hàng nước ngoài trong việc mua thiết bị quân sự của Nga.

Iran muốn mua một số lượng lớn máy bay tiêm kích Su-30SM của Nga
Iran muốn mua một số lượng lớn máy bay tiêm kích Su-30SM của Nga

Các chuyên gia quân sự Nga cho biết, với những thông tin đã xác định, xuất khẩu máy bay chiến đấu sẽ mang lại cho Nga hơn 10 tỷ USD. Máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến thuật Su-30MK, Su-35, Su-34 sẽ là sản phẩm xuất khẩu không quân chính của đất nước.

Theo tờ Izvestia, dẫn phân tích của các chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Moscow, trong 5 năm tới, Nga có thể ký những hợp đồng xuất khẩu lớn, cung cấp ít nhất 200 máy bay chiến đấu dòng Su, với tổng giá trị hợp đồng vượt quá 10 tỷ USD.

Đối với máy bay chiến đấu và máy bay ném bom Su-30MK, Su-34, Su-35 của Nga, hoạt động ở Syria là ứng dụng thực tế đầu tiên. Đánh giá của Bộ Quốc phòng về số lượng mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt rất ấn tượng.

Số lượng đơn đặt hàng gửi cho công ty nhà nước "Rosoboronexport" để mua các máy bay này đang gia tăng. Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đang phải xếp hàng chờ đến lượt mua Su-34 và Su-35 (theo đúng nghĩa đen của nó), còn Iran cũng mong muốn sở hữu số lượng lớn Su-30SM.

Người đứng đầu Rosoboronexport, ông Anatoly Isaykin cho biết, thị phần các thiết bị không quân trong gói đơn đặt hàng quốc phòng Nga năm 2015 là 41%, với tổng kim ngạch lên tới gần 5,3 tỷ USD. Dự kiến, khối lượng xuất khẩu và tỷ lệ chiếm của nó trong tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2016.

Theo Huy Bình

Đất Việt