1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Vũ khí" giúp Mỹ ngược dòng "sóng thần" Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có với sự xuất hiện của các biến chủng mới đã làm lung lay nhiều "thành trì" chống dịch của thế giới, song Mỹ đang cho thấy điều ngược lại.

Vũ khí giúp Mỹ ngược dòng sóng thần Covid-19 - 1
Người tiêm chủng đầy đủ không nhất thiết phải đeo khẩu trang, giãn cách xã hội ở Mỹ (Ảnh: Getty).

Nước Mỹ "ngược dòng"

Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang chật vật đối phó với làn sóng bùng phát Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có do sự xuất hiện của các biến chủng mới, Mỹ đã dần kiểm soát được đại dịch nhờ các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tiêm chủng vắc xin và cộng thêm cả sự may mắn.

Hôm 29/12, một thành viên Vệ binh Quốc gia Mỹ ở Colorado đã trở thành ca đầu tiên nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 mới dễ lây lan từ Anh, hay còn gọi là B.1.1.7. Biến chủng này từng khiến Anh chao đảo và bắt đầu lây lan mạnh ở châu Âu. Các nhà khoa học đã lo ngại, biến chủng mới cùng với các biến chủng dễ lây lan khác đã xuất hiện ở Mỹ gồm biến chủng từ Nam Phi và từ Brazil và cả biến chủng nội địa cũng sẽ nhanh chóng "nhấn chìm" Mỹ.

Những biến thể này xuất hiện khi Mỹ đang ở tình trạng dường như không thể tồi tệ hơn. Khi đó, số ca Covid-19 bắt đầu tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ, trầm trọng hơn bất cứ làn sóng nào trước đó. Việc phân phối vắc xin Moderna và Pfizer - BioNTech bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn và cả những vấn đề liên quan đến truyền đạt thông điệp. Giới khoa học cảnh báo, các biến chủng, đặc biệt là B.1.1.7 có thể kéo theo làn sóng Covid-19 thứ tư nhanh chóng làm sụp đổ hệ thống y tế vốn kiệt quệ sau các làn sóng trước.

Điều đó đã không xảy ra. B.1.1.7 chiếm đa số các ca nhiễm bệnh ở Mỹ và hiện chiếm tới gần 3/4 số ca mắc mới. Tuy nhiên, kịch bản như các chuyên gia lo ngại đã không xảy ra. Số ca nhiễm hàng ngày ở Mỹ bắt đầu giảm từ tháng 4 và hiện giờ đã giảm hơn 85% so với giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 1.

Chiến thuật "câu giờ" và giải mã biến chủng

Vũ khí giúp Mỹ ngược dòng sóng thần Covid-19 - 2

Mỹ đã tránh được làn sóng Covid-19 nghiêm trọng do các biến chủng mới gây ra (Ảnh: New York Times).

Các chuyên gia chỉ ra một loạt yếu tố giúp Mỹ né được làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay mà nhiều nước phải trải qua gồm đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, các biện pháp hạn chế khác và cả tính chất lây lan theo mùa của virus. Những yếu tố này giúp Mỹ có thời gian để tiêm phòng cho hàng chục triệu người khi biến chủng bắt đầu xuất hiện. Họ cũng may mắn hơn bởi không giống các biến chủng khác, B.1.17 không thể né vắc xin.

Sau khi biến chủng B.1.1.7 xuất hiện ở Mỹ cuối năm ngoái, các nhà khoa học ở Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các biến chủng mới chứa các đột biến đáng lo ngại và cách mà các biến chủng cạnh tranh nhau. Từ đó, Mỹ đã cải thiện đáng kể khả năng giám sát cách thức đột biến của các biến chủng. Tuần trước hơn 28.800 giải trình tự gen của virus, khoảng 10% số ca dương tính, đã được tải lên hệ thống dữ liệu trực tuyến quốc tế có tên gọi GISAID. Một bức tranh rõ ràng hơn giúp các nhà khoa học quan sát được sự cạnh tranh giữa các biến chủng.

Biến chủng nội địa ở California sau đó được xác định là biến chủng yếu hơn. Đến ngày 24/4, số ca nhiễm biến chủng này ở Mỹ chỉ còn chiếm khoảng 3,2%, trong khi số ca nhiễm biến chủng B.1.1.7 tăng vọt lên 66%. Thực tế, B.1.1.7 dường như là biến chủng đáng lo ngại hơn hầu hết biến chủng đã được xác định.

Để đối phó làn sóng do B.1.1.7 gây ra, hầu hết các bang của Mỹ đã áp dụng ít nhất là hạn chế một phần hoạt động kinh doanh trong nhà hàng và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. "B.1.1.7 dễ lây lan hơn nhưng nó không thể lọt qua khẩu trang. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn nó lây lan", Tiến sĩ Emma Hodcroft, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Bern, nhận định.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học, trong đó có chuyên gia sinh học Sarah Cobey của Đại học Chicago, vẫn còn nhiều thắc mắc như tại sao đà lây nhiễm của Covid-19 lại giảm vào giữa mùa đông ở Mỹ, hay tại sao một số biến chủng làm chao đảo hệ thống ở các nước khác nhưng lại không lan rộng ở Mỹ. Ví dụ, chủng B.1.351 nhanh chóng làm kiệt quệ hệ thống y tế của Nam Phi và một số quốc gia châu Phi khác vào cuối năm ngoái. Nó xuất hiện ở Mỹ vào cuối tháng 1 năm nay nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1% số ca nhiễm. Hay chủng P.1 khiến Brazil lao đao, nhưng đến nay cũng chỉ chiếm hơn 10% số ca ở Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể do các biến chủng đó không cạnh tranh được với B.1.1.7.

Chương trình tiêm chủng vượt bậc

Vũ khí giúp Mỹ ngược dòng sóng thần Covid-19 - 3
Mỹ là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cao nhất thế giới (Ảnh: CNBC).

Hôm 13/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ra hướng dẫn nêu rõ, bất cứ ai đã tiêm chủng đầy đủ đều có thể tham gia các sự kiện trong nhà hay ngoài trời, lớn hay nhỏ mà không cần đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội.

Thông báo này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch ứng phó Covid-19 của Mỹ và mang đến hy vọng Mỹ có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường khi ngày càng có nhiều người tiêm chủng.

"Tôi nghĩ đó là một cột mốc vĩ đại, một ngày tuyệt vời, có thể thực hiện được nhờ thành công phi thường mà chúng ta đã có trong việc tiêm chủng nhanh chóng cho rất nhiều người Mỹ", Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng cùng ngày.

Gần 60% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vắc xin, hơn 40% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trung bình, mỗi ngày Mỹ tiêm chủng gần 2,7 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, thậm chí ở giai đoạn đỉnh điểm, con số này lên tới xấp xỉ 3,4 triệu liều.

Chính quyền Tổng thống Biden đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành ít nhất 1 liều vắc xin trước ngày 4/7. Mỹ cũng đã phê chuẩn sử dụng vắc xin của Pfizer - BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi.

"Hướng dẫn mới của CDC là một bằng chứng nữa cho thấy những gì mà khoa học đã nói với chúng ta nhiều tháng qua đó là vắc xin có tác dụng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19. Càng nhiều người tiêm chủng thì chúng ta càng nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy bình luận.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky cũng cho biết: "Số ca nhiễm bắt đầu giảm. Chúng tôi cho rằng điều này là nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng và người dân cũng ý thức phòng dịch hơn, vì vậy tôi lạc quan rằng chúng ta sắp đẩy lùi được đại dịch". Mặc dù vậy, bà Walensky cũng cảnh báo, virus là "kẻ cơ hội" có thể tấn công bất cứ cộng đồng nào có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tuy vậy, ông Murthy cũng cảnh báo: "Đại dịch đòi hỏi sự hợp tác và hỗ trợ toàn cầu. Khi còn nơi nào đó trên thế giới vẫn phải chống chọi với tình trạng dịch lây lan vượt tầm kiểm soát nghĩa là các biến chủng mới vẫn có thể xuất hiện và phá vỡ miễn dịch mà con người có được nhờ tiêm chủng. Đó cũng chính là một thách thức với Mỹ".

Các chuyên gia cảnh báo, tình hình Covid-19 ở Mỹ vẫn có thể xấu đi khi xuất hiện các biến chủng nguy hiểm hơn và khả năng miễn dịch nhờ vắc xin có thể giảm đi vào mùa đông. Không ai biết các biến chủng đang xuất hiện ở những nơi khác của thế giới, như biến chủng đang hoành hành ở Ấn Độ hay các biến chủng đang lây lan với tỷ lệ thấp ở Mỹ, sẽ hoạt động như thế nào. "Sẽ còn nhiều đột biến xảy ra", chuyên gia Cobey nhận định.

Do vậy, mặc dù đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang, giãn cách xã hội nhờ chương trình tiêm chủng, giới chức Mỹ vẫn khuyến cáo người dân không nên chủ quan phòng dịch.