Vụ giẫm đạp gần Thánh địa Mecca qua lời kể nhân chứng
(Dân trí) - “Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào kinh khủng như thế. Mọi người xô ngã, giẫm đạp lên nhau như thể họ bị mất trí. Nhiều người chết nằm la liệt trên đường giữa trời nắng, và hình ảnh đó khiến tôi bị ám ảnh”, một nhân chứng kể lại.
Anh Abdullah Lotfy, 44 tuổi, người Ai Cập, là một trong số những người may mắn sống sót trong vụ giẫm đạp kinh hoàng tại thánh địa Mecca ngày hôm qua (24/9). Anh Lotfy cho biết vụ việc xảy ra do hai nhóm người hành hương lớn cùng hướng về Jamarat, nơi các tín đồ thực hiện nghi lễ "Ném đá Quỷ" để trừ tà. Những người này đã cố tình đổ về một con đường mà không theo lịch trình thời gian họ được phân bổ.
“Cảnh tượng lúc đó rất hỗn loạn, mọi người cố trèo lên nhau để thở. Không ai có thể kiểm soát hành động của mình. Cứ như là bạn bị chìm giữa những lớp sóng, bạn đang tiến về phía trước rồi lại đột ngột bị đẩy ra sau”, anh Lotfy kể lại.
Giới chức Arập Xêút đã dự đoán lượng người tham dự lễ hành hương Hajj thường niên của người Hồi giáo năm nay sẽ tăng cao và các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh đã được chuẩn bị. Trước ngày lễ, nước này đã vận hành hệ thống kiểm soát đám đông bằng máy tính, tuy nhiên hệ thống này không bao quát được khu vực xảy ra vụ giẫm đạp.
Mohammed Awad, 36 tuổi, một tín đồ Hồi giáo người Sudan, cùng cha mình hành hương về thánh địa Mecca. Anh không ngờ rằng chuyến đi tâm linh của hai cha con lại trở thành thảm kịch.
“Tôi và bố bị lạc nhau khi dòng người bắt đầu xô đẩy và giẫm đạp lên nhau. Tôi cố thoát ra khỏi đám đông và phải mất 30 phút tôi mới có thể trèo lên một cánh cổng sắt. Lúc đó tôi rất hoảng hốt. Hơn một tiếng sau tôi mới tìm được bố mình, bị 10 cái xác đè lên nhưng may mắn là ông vẫn còn sống. Tôi không thể đếm được bao nhiêu người đã chết vì bị giẫm đạp. Có quá nhiều người chết đến nỗi họ bị chất thành đống đè lên nhau”, anh Awad cho biết.
Lễ Eid al-Adha không chỉ thu hút sự quan tâm của những người Hồi giáo các nước gần Arập Xêút. Nhiều người sùng đạo ở châu Âu cũng có mặt ở thánh đường Mecca trong dịp này với tâm nguyện cầu mong những điều tốt lành. Bashaar Jamil là một trong số những người Anh đã chứng kiến thảm kịch giẫm đạp tại nơi linh thiêng nhất đối với những người Hồi giáo.
“Sau khi cầu nguyện, ai cũng muốn rời đi thật nhanh. Chính quyền đã đóng cửa lối ra và tất cả mọi người đều đổ xô tới một cửa. Tôi và mẹ mình đã may mắn thoát ra ngoài khoảng 30 phút trước khi xảy ra giẫm đạp”, Jamil cho biết.
“Sẽ thật kinh khủng nếu một lượng lớn người di chuyển ra vào mà không có hệ thống kiểm soát. Chính quyền Arập Xê-út đã đầu tư mở rộng ba cột trụ để tăng diện tích và số lượng các điểm ra vào cho người hành hương, song họ chưa chú ý đến việc đảm bảo an toàn. Không có đường ra vào dành riêng cho người già, người tàn tật và cũng không có lối thoát hiểm”, Jamil cho biết thêm.
Theo Sharek Kader đến từ Bangladesh, người cũng có mặt tại hiện trường vụ giẫm đạp, lực lượng an ninh không thể làm được gì khi dòng người cứ thế cuốn đi. Anh cho biết điều cần làm là phổ biến những quy định an toàn cho những người hành hương trước khi cấp visa và cho phép họ tham dự buổi lễ.
Tính đến nay, 717 người đã thiệt mạng và hơn 800 người bị thương trong vụ giẫm đạp. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác định danh tính của các nạn nhân. Thái tử Arập Xêút Mohammed bin Nayef đã ra lệnh điều tra nguyên nhân thảm kịch đau xót không phải bây giờ mới xảy ra này.
Nhật Minh
Theo Global News, The Guardian