1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ án Saddam Hussein qua lời kể của luật sư

Là một luật sư dân sự ở Jordan, Issam Ghazzawi đã "lao tâm khổ tứ" theo đuổi vụ án xét xử Saddam Hussein gây nhiều tranh cãi. Câu hỏi đặt ra: tại sao ông lại bảo vệ Saddam? Và cuộc sống tù đày của nhà cựu lãnh đạo Iraq hiện ra sao? Dưới đây là bài phỏng vấn của Newsweek với vị luật sư này.

Bên cạnh vai trò là một trong những luật sư chính của Saddam, Ghazzawi còn là người phát ngôn chính thức của uỷ ban bảo vệ cựu lãnh đạo Iraq - người mới đây bị cáo buộc tội sát hại 150 người Kurd tại Dujail năm 1982. Đây là cáo buộc đầu tiên trong tổng số 12 cáo buộc chống lại nhân loại nhằm vào Saddam.

 

Cho tới giờ, chưa có thời hạn cụ thể nào cho việc xét xử, nhưng Ghazzawi và rất nhiều luật sư khác từ các nước đã sẵn sàng chuẩn bị cho giờ khắc quan trọng ấy từ rất lâu.

 

Vậy tại sao họ lại bảo vệ Saddam? Ghazzawi nói rằng lý do là niền tin vào nguyên tắc: mọi người đều được hưởng một phiên toà công bằng. Song rõ ràng không ai không biết vụ án của Saddam cũng tạo cơ sở cho đoàn luật sư chỉ trích cái mà họ coi là "tính chất bất hợp pháp" của cuộc chiến Iraq.

 

Ngay từ trước khi cáo buộc đầu tiên chính thức được đưa ra, đoàn luật sư của Saddam đã lên tiếng phản đối cấu trúc và quy trình xét xử của toà án. Mới đây, họ đã ra một tuyên bố trong đó coi cáo buộc về vụ Dujail là "vô trách nhiệm và vi phạm nghiêm trọng quyền được xét xử công bằng".

 

Newsweek: Những ai muốn bảo vệ Saddam Hussein?

 

Ghazzawi: Tất cả các luật sư trung thực có niềm tin vào tính nhân bản và quyền con người sẽ biện hộ cho Saddam. Saddam Hussein là lãnh đạo của một quốc gia bị tấn công bất hợp pháp và không được tự vệ. Khi bạn cảm thấy công lý không được thực thi, thì trách nhiệm của bạn với tư cách con người và một luật sư là phải bảo vệ công lý.

 

Ông đã tham gia vụ này như thế nào?

 

Khi cuộc chiến Iraq diễn ra, chúng tôi - Hiệp hội luật sư Jordan đã thành lập một Uỷ ban bảo vệ Iraq, mang tên "Những người bảo vệ người dân Iraq". Khi Saddam bị bắt và cầm tù, chúng tôi nghĩ phải bảo vệ ông, bảo vệ người Iraq. Vũ khí của chúng tôi là luật pháp, ngoài ra không có gì khác. Mới đầu, chúng tôi chỉ có 7 người, sau đó tăng lên 20-25....nhưng cũng có thể nói có tới 2.500 luật sư trên thế giới sẽ tình nguyện tham gia nếu được yêu cầu.

 

Có bao nhiêu luật sư người Mỹ tham gia?

 

Nếu là tình nguyện viên thì có 20, còn thành viên thật sự thì có 2.

 

Những thách thức chính khi đại diện cho Saddam là gì?

 

Có rất nhiều thách thức. Họ nói rằng họ có 8 triệu tài liệu, giấy tờ làm căn cứ cho những cáo buộc của họ. Họ đã làm việc với các công tố viên suốt 1 năm rưỡi nay. Thế mà chúng tôi chưa một lần được nhìn thấy bất kì giấy tờ nào. Chúng tôi có quyền được thấy những giấy tờ ấy và cách họ cáo buộc Saddam mỗi tội danh.

 

Chúng tôi đã yêu cầu được gặp khách hàng của mình rất nhiều lần. Nhưng họ chỉ cho chúng tôi gặp 3 lần và cả 3 đều không được định trước. Tất cả các cuộc gặp đều có sự giám sát của một sĩ quan. Lần cuối cùng chúng tôi gặp Saddam trong 2 giờ đồng hồ và hai viên sĩ quan giám sát có mặt trong phòng từ đầu tới cuối.

 

Tất nhiên mọi thứ đều được ghi âm vì thế không hề tồn tại sự riêng tư giữa khách hàng và luật sư. Đó là lý do Saddam không nói nhiều với chúng tôi. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu gửi một đội bác sĩ tới để kiểm tra sức khoẻ của Saddam song chúng tôi không được phép làm điều này. Tôi sợ ông ấy có thể bị giết trong tù hay bị tiêm một loại thuốc nào đó...Họ có thể quyết định "khử" ông ta trước khi phiên toà diễn ra.

 

Ông có nghĩ Saddam sẽ bị xử tử?

 

Đó là một khả năng vì người Mỹ không muốn trưng quá nhiều thứ ra trước công chúng. Họ không thích có một cuộc điều trần. Nếu có, thì sẽ có nhiều quan chức cấp cao của Mỹ được triệu tập tới để làm chứng. Nếu họ tiến hành một phiên toà công bằng, họ sẽ thất bại. Nếu họ tổ chức một phiên toà kiểu "trò hề", họ sẽ bị cả thế giới chế giễu. Tôi không nghĩ, họ có lợi khi tiến hành một phiên toà minh bạch, rõ ràng. Do đó, họ có thể sát hại Saddam trong tù bằng cách đầu độc hoặc tiêm thuốc. Không thiếu những trò này và họ có thể làm việc đó.

 

Không một luật sư nào của Saddam đòi hỏi thay đổi địa điểm xét xử phải không?

 

 Đó chỉ là ý muốn của chúng tôi, không phải yêu cầu. Chúng tôi không chấp nhận ý kiến phải xét xử Saddam tại toà án vì ông ấy có quyền miễn trừ và vì tính bất hợp pháp của cuộc chiến Iraq - điều mà LHQ đã tuyên bố.

 

Ông nghĩ Saddam sẽ phải nhận bao nhiêu cáo buộc?

 

Các công tố viên thì nói là 18, rồi sau đó 14 và bây giờ là 12. Chúng tôi không hề hay biết gì. Rất khó để chuẩn bị lời biện hộ khi chỉ biết mơ hồ về các cáo buộc.

 

Theo ông, Saddam còn bị cáo buộc tội gì nữa?

 

Chỉ có Chúa mới biết. Họ nói ông ấy có thể bị cáo buộc tới 500 tội danh, nhưng chỉ 12 tội là đủ xử tử ông ấy rồi. Bạn có tin rằng họ sẽ ra một bản án trước khi tuyên cáo trạng? Đó là điều đang diễn ra ở Iraq.

 

Dựa vào những cáo buộc mà các ông đã nghe, các ông sẽ chuẩn bị lời biện hộ như thế nào?

 

Thật sự chúng tôi đang bị lúng túng, dự đoán một số cáo buộc và tin rằng một số lời buộc tội có thể là cáo buộc chính thức. Chúng tôi đang cố gắng làm những gì tốt nhất để đưa ra lời phản biện về tính bất hợp pháp của cuộc tấn công, những lời nói dối của chính phủ Mỹ và các quan chức để biện hộ cho cuộc chiến, việc sát hại khoảng 100.000 thường dân Iraq, phá huỷ các thành phố...

 

Ông có cảm thấy sẽ có những điều kiện để tiến hành một phiên toà công bằng vừa đại diện cho khách hàng của ông, lại vừa đảm bảo những giá trị của luật pháp?

 

Rất khó nói. Thứ gần nhất với một phiên toà công bằng là toà án do LHQ hình thành.

 

Vậy thì sao các ông không bỏ đi và nói: "Chúng tôi sẽ phản đối bằng cách không tham gia vào quá trình xét xử?"

 

Có lẽ đó là việc chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi có thể bị buộc phải làm như vậy.

 

Ông trả lời thế nào khi người ta nói rằng vì Saddam phải chịu trách nhiệm cho một trong những tội ác lớn nhất của thế kỷ 20, ông ta đáng bị xử tử?

 

Trước hết, đó là những cáo buộc không có căn cứ. Nếu được điều tra theo đúng luật pháp, ông ấy sẽ được tuyên trắng án. Ví dụ, việc tàn sát người Kurd và Shiite ở miền nam sau cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, họ đã làm phản ở chính đất nước của mình vào thời điểm chiến tranh. Đó là sự phản bội tổ quốc.

 

Chính phủ và quân đội Iraq lúc ấy được lệnh không được bắn bất kì ai và trở lại doanh trại. Ngay cả người Mỹ cũng đã cho phép chính phủ Iraq dùng trực thăng để kiềm chế cuộc bạo loạn. Và phần lớn những người bị giết là binh lính Iraq chứ không phải dân thường. Nếu như họ đào mộ lên, họ sẽ thấy vật giúp nhận dạng được đính trên quần áo người chết.

 

Những ngôi mộ chôn người hàng loạt bị khai quật sau khi Mỹ tấn công Iraq thì sao? Có rất nhiều xác thường dân được tìm thấy.

 

Vâng, khi có nhiều người chết ở cùng một khu vực, ý tôi là nhiều binh sĩ, trong cái nóng lên tới 500 C thì không ai có thời gian cũng như khả năng để chôn cất từng người trừ phi cho tất cả vào các hố chôn tập thể.

 

Luật sư người Iraq của Saddam phải tuân thủ những sắp xếp gì để được gặp ông ấy?

 

Chúng tôi phải nộp một tờ đơn đề nghị gửi lên Hiệp hội luật sư Iraq. Họ sẽ gửi qua đường thư tín tới vùng Xanh và người đưa thư sẽ chuyển tới vị tướng chịu trách nhiệm. Khi vị tướng này đồng ý, họ có thể tiếp xúc với luật sư và yêu cầu ông ta chờ đợi trong khoảng 1 tuần. Họ thậm chí có thể không cho thời hạn, chỉ nói rằng: "Cuộc gặp có thể diễn ra vào ngày mai, hoặc có thể 1 tuần nữa. Hãy chuẩn bị".

 

Nếu được, họ đón ông ấy bằng một chiếc xe hơi có kính màu và đưa tới nơi nào đó đã định làm địa điểm gặp mặt. Luật sư sẽ không thể quan sát nơi ông ta đang tới. Quá trình này bản thân nó cho thấy sự bất hợp lý. Một trò cười, vậy mà chúng tôi vẫn phải tuân theo.

 

Saddam có bao giờ than phiền về bất kì hành động ngược đãi nào không?

 

Trong hai ngày đầu tiên sau khi bị bắt, ông ấy đã bị ngược đãi về thể xác. Chân bị gãy... họ đã đánh, đấm và đá ông ấy. Sau đó, họ lại đối xử không đến nỗi tệ. Họ cho ông ấy vào nhà giam, và không thể liên lạc được. Quân đội Mỹ cho ông ấy thức ăn và chăm sóc y tế. Chúng tôi không biết gì thêm. họ vẫn thẩm vấn ông ấy mà không có mặt luật sư trong nhiều tháng.

Saddam bị hỏi những câu loại gì trong quá trình thẩm vấn?

 

Tôi chỉ biết những gì ông ấy không được hỏi. Người ta không hỏi ông ấy về vũ khí hoá học, sinh học hay hạt nhân. Không hề. Họ biết đó là sự dối trá ngay từ đầu. Ông ấy không được hỏi bất kì câu nào liên quan tới những vấn đề ấy.

 

Saddam có lo sợ sẽ bị xử tử khi mới bị bắt không?

 

Không...ông ấy có ý chí vững vàng.

Cuộc sống thường ngày của Saddam ở trong tù ra sao?

 

Hiện ông ấy được đối xử tốt. Ông ấy được ăn đều đặn, chế độ ăn mà các tướng lĩnh được hưởng. Họ không làm phiền ông ấy ở trong nhà giam. Ông ấy được đi bộ nửa giờ mỗi buổi sáng và tối dọc theo hành lang nhà giam.

 

Saddam dành thời gian trong tù như thế nào?

 

Hãy thử nghĩ xem bạn có thể làm gì khi không được liên lạc với bất kì ai trong nhà giam? Ông ấy cầu nguyện, đọc sách về luật pháp mà Tổ chức Chữ thập đỏ cung cấp và đọc kinh Koran. Đôi khi, Saddam còn làm thơ....

 

Ông ấy có bao giờ đòi hỏi gì khi bị giam giữ không?

 

Không, Saddam chưa từng yêu cầu gì.

 

Những bức hình chụp Saddam trong bộ đồ lót thì sao?

 

Ngay cả chính phủ mới ở Iraq cũng cho rằng việc làm này là vô đạo đức và bất hợp pháp.

 

Saddam có cảm thấy lạc quan về phiên toà sắp tới không?

 

Không phải là phiên toà. Ông ấy không nghĩ về nó. Nhưng ông ấy lạc quan vì người Iraq sẽ được tự do.

 

Saddam có nghĩ sẽ được trở lại cầm quyền không?

 

Ông ấy không nói bất kì điều vì với chúng tôi về vấn đề này.

 

Sau vụ này, ông định làm gì?

 

Tôi sẽ không tham gia bất kì vụ nào nữa. Đây là đỉnh điểm của sự nghiệp rồi. Không cần phải đi thêm nữa. Tôi sẽ về hưu ngay lập tức.

 

Theo Tân Huyền

Vietnamnet