1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Vụ án” Colin Powell

Sau "State of Denial" của Bob Woodward, Karen DeYoung (cũng là cây bút Washington Post) tung ra quyển "Soldier: The Life of Colin Powell" cho thấy Colin Powell đã “ngã trên thanh gươm mình” như thế nào.

Dưới đây là đoạn trích từ Washington Post:

 

Thứ tư, 10/11/2004, tám ngày sau khi Tổng thống Bush tái đắc cử, Ngoại trưởng Powell nhận cú điện từ đổng lý văn phòng Nhà Trắng Andrew Card. “Tổng thống muốn thay đổi” - Card cho biết, và dùng lối nói tế nhị để tránh từ “từ chức” hoặc “sa thải”. Bush muốn nhận đơn từ chức của Powell vào hai ngày sau, 12/11. Bush đã không điện trực tiếp cho Powell lần nào sau cú điện của Card. Và Powell tự viết đơn từ chức, như được hướng dẫn. Dằn tâm trạng bị xúc phạm, Powell nói rằng “từ chức là quyết định riêng”...

 

Có thể Powell cảm thấy cay đắng hơn nếu nhớ lại buổi họp báo tại nông trại Bush ở Texas ba ngày sau khi Al Gore chấp nhận thất cử, khi Bush quay sang ông, đang đứng sát cạnh Bush, và nói với các phóng viên: “Ông ấy (Powell) là một pháo đài vững chãi. Khi bạn tìm được một người như thế, bạn phải nương vào ông ấy”. Khi phóng viên hỏi về những giọt nước mắt đọng trên má, Bush trả lời: “Đó là phút giây đầy xúc cảm, bởi tôi rất ngưỡng mộ Colin Powell”.

 

Trong suốt nhiệm kỳ một, hết lần này sang lần khác, Powell chứng kiến Rumsfeld và Cheney can thiệp và thúc Bush đi xa khỏi chính sách ngoại giao ôn hòa, trong đó có vấn đề CHDCND Triều Tiên và Trung Đông. Sau sự kiện khủng bố Mỹ 11/9/2001, sự chú ý của Rumsfeld-Cheney chuyển sang Iraq. Một trong những chi tiết cho thấy Powell bị xử ép và dồn vào chân tường là vụ phát biểu trước Hội đồng Bảo an về vấn đề Iraq, trong một báo cáo mà phần lớn đều do chánh văn phòng của Cheney soạn.

 

Thời điểm Powell đọc báo cáo trước HĐBA dự kiến là ngày 5/2/2003 và Bush sẽ thông báo điều này trong thông điệp liên bang của mình. Nhận thấy có đầy chi tiết bất ổn trong báo cáo về tình hình Iraq, Powell điện cho Condoleezza Rice, đề nghị Bush nói trong thông điệp liên bang rằng “Ngoại trưởng Powell sẽ đến Liên Hiệp Quốc vào tuần tới. Đừng nói ngày giờ cụ thể” (nhằm để Powell có thêm thời gian dò soát kỹ lại báo cáo tường trình trước HĐBA. Rice hứa nhưng năm phút sau gọi lại và nói rằng thời điểm Powell ra trước HĐBA đã được thông báo cho báo chí cả rồi!)

 

Cá nhân chánh văn phòng của Powell là Lawrence Wilkerson cũng đồng ý rằng bản báo cáo do Cheney soạn nghe như tiểu thuyết ba xu hơn là tài liệu được viết nhằm thuyết phục thế giới. Chiều cùng ngày, Wilkerson lập một nhóm viên chức Bộ Ngoại giao, tổ chức cuộc họp tại tổng hành dinh CIA để xem xét các chứng cứ qui kết Iraq và sửa báo cáo lại thành “một diễn văn Colin Powell”. John Hannah (tùy viên của Cheney) và William Tobey (giám đốc giải trừ quân bị thuộc Hội đồng an ninh quốc gia) cùng có mặt để trả lời các câu hỏi. Nhiệm vụ của nhóm Wilkerson không chỉ hiệu chỉnh lại báo cáo Cheney mà còn gỡ gạc uy tín cho Powell...

 

10h30 sáng 5/2/2003, Powell bước vào HĐBA. Cuộc thăm dò ngay sáng hôm đó cho thấy khi Mỹ cần phải có động thái gì đó đối với Iraq, dân Mỹ tin Powell hơn Bush (tỉ lệ 63%/24%). Khi xem Powell tường trình trước HĐBA, Alma - vợ Powell - linh cảm không ổn và cảm thấy chồng mình đang bị Nhà Trắng lợi dụng. Linda - con gái Powell - cũng nhận thấy có gì đó bất thường trong quá trình Powell trình bày, dường như ông ấy đang cố tiêm một chút cảm xúc giả tạo vào những từ ngữ khô khan bằng sức mạnh tối đa của ý chí.

 

Wilkerson - rời HĐBA ngay sau diễn văn Powell kết thúc và trở về phòng khách sạn chìm trong giấc ngủ rồi thức dậy với tâm trạng tuyệt vọng - sau này mới biết hầu hết nội dung bài diễn văn mà mình từng vắt óc chỉnh sửa một cách vất vả đều dựa vào những thông tin ngụy biện dối trá...

 

Ngày 23/1/2004, CIA tuyên bố David Kay (chỉ huy nhóm khảo sát Iraq trong chiến dịch tìm kiếm vũ khí giết người hàng loạt) bị thay thế mà không một lời giải thích. Chiều cùng ngày, khi tiếp xúc báo chí, Kay cho biết mình ngày càng hoài nghi về sự tồn tại của vũ khí giết người hàng loạt của Saddam.

 

Hôm sau, khi Powell đến Cộng hòa Gruzia dự lễ đăng quang tổng thống, phóng viên đã vây kín máy bay và cật vấn về sự mâu thuẫn giữa bài diễn văn Powell với phát biểu của Kay. “Cách đây một năm ông nói có 100-500 tấn vũ khí hóa học tại Iraq. Thế ai đúng đây?” - một phóng viên hỏi. Powell trả lời: “Tôi nghĩ câu trả lời là tôi cũng chưa biết”. Nhận xét của Powell, như gáo nước lạnh tạt vào Nhà Trắng, lập tức được báo chí khắp thế giới đăng tải.

 

Condoleezza Rice điên tiết gọi Powell vào sáng hôm sau tại Gruzia. Powell không ngạc nhiên. Đây không phải là lần đầu tiên Nhà Trắng sỉ vả ông về những phát biểu thành thật. Vấn đề ở chỗ khi bằng chứng về vũ khí giết người hàng loạt của Saddam ngày càng trở nên vô vọng, Powell bắt đầu bị xem - bằng nhận xét này hoặc bóng gió kia từ Nhà Trắng - như là thủ phạm chính trong việc cung cấp thông tin sai sự thật và đẩy nước Mỹ đến chiến tranh!

 

Theo Mạnh Kim

Tuổi trẻ