1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ 11/9 bất thành ở Ả-rập Xê-út

(Dân trí) - Ngày 27/4, cảnh sát Ả-rập Xê-út đã bắt giữ một mạng lưới gồm 172 chiến binh Hồi giáo, đang chuẩn thực hiện các vụ tấn công "vô cùng ấn tượng" nhằm vào nước này, giống như vụ 11/9 ở nước Mỹ và thậm chí còn lớn hơn thế.

Ngoài ra, lực lượng an ninh còn thu giữ được rất nhiều máy tính, vũ khí, điện thoại và hơn 5 triệu đô la Mỹ tiền mặt.

 

Theo tướng Mansour al-Turki, người phát ngôn Bộ nội vụ Ả-rập Xê-út, 172 tên Hồi giáo cực đoan này “là những kẻ mang tư tưởng của al-Qaeda, thực hiện mục tiêu của al-Qaeda”.

 

Theo như những gì Ả-rập Xê-út thông báo ngày 27/4, đây là một trong những tổ chức khủng bố lớn nhất nước này từ trước đến nay. Chúng đã lên kế hoạch dùng máy bay tấn công liều chết vào các dàn khoan dầu của Ả-rập, đột nhập vào các nhà tù để giải thoát cho các chiến hữu của chúng, cử những kẻ tấn công liều chết đi giết hại các quan chức chính phủ. Theo Al-Turki, một số tên từng được đào tạo làm phi công ở nước ngoài.

 

“Chúng được huấn luyện về máy bay dân dụng, để dùng máy bay như một vũ khí tiến hành các cuộc tấn công liều chết”, al-Turki cho hãng AP hay.

 

Chúng được huấn luyện ở một nước “bất ổn”, “có thể là Iraq, Somalia, Pakistan”. Chúng phân chia thành bảy nhóm nhỏ, và định tiến hành các cuộc tấn công liều chết nhằm vào “các quan chức, các cơ sở dầu lửa, các nhà máy lọc dầu… và các vùng quân sự” trong và ngoài nước.

 

Các quan chức Mỹ từ trước đã cảnh báo Iraq có thể trở thành căn cứ cho những kẻ cực đoan tiến hành các cuộc tấn công ở Trung Đông.

 

Một cố vấn tinh thần của Bộ nội vụ Ả-rập Xê-út, Sheik Majed al-Marsal, cũng cho rằng Iraq đã trở thành một căn cứ cho các nhóm khủng bố.  “Chúng lợi dùng tình hình bất ổn ở Iraq để lôi kéo thanh niên trẻ, trang bị cho họ, huấn luyện họ và rồi lại gửi họ trở chính nước đó, giống như ở Afghanistan trước kia”, trích lời ông Sheik Majed al-Marsal.

 

Vụ bắt giữ là một đòn giáng mạnh khác vào mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy quyết tâm của nhóm này muốn dùng căn cứ quân sự của chúng ở bên trong lòng đất nước Iraq đang bị chiến tranh chia cắt để phát động phong trào thánh chiến, không những lan sang Ả-rập Xê-út mà còn ra cả bên ngoài thế giới Ả-rập.

 

Lớn hơn cả vụ 11/9?

 

Quy mô của âm mưu tấn công bên trong lòng Ả-rập Xê-út "vô cùng ấn tượng". "Mạng lưới này đang cố gắng lật đổ nhà nước và toàn bộ hệ thống của nhà nước” Ả-rập, Jamal Khashoggi, biên tập viên của một tờ báo có tiếng của Ả-rập Al Watan cho biết. “Al-Qaeda chưa chết. Một phần của mạng lưới đang muốn giành thế chủ động ở Iraq và sẽ biến Iraq thành một nhà nước Hồi giáo; từ đó chúng có thể tiến hành một chiến dịch lan sang các nước khác và tạo ra một nhà nước Hồi giáo hợp nhất. Chúng ta có thể không nghĩ điều này sẽ xảy ra trong thế giới hiện đại. Nhưng những kẻ đó lại đang sống với quá khứ”.

 

Theo thông tin của Bộ nội vụ Ả-rập Xê-út, 3 nhóm trong mạng lưới này đã dùng Iraq như một trường diễn tập cũng như đào tạo khủng bố để chống lại Ả-rập Xê-út. Đó cũng có thể là sự lặp lại lịch sử. Bởi Osama bin Laden, một kẻ gốc Ả-rập và những tên Ả-rập khác, đã từng tham gia cuộc thánh chiến những năm 1980 ở Afghanistan, sau đó đến những năm 1990 lại trở về đất nước quê nhà, chống lại các nhà chức trách.

 

Trong khi đó, 3 nhóm khác lên kế hoạch tấn công vào các cơ sở dầu lửa của Ả-rập Xê-út, với mục đích làm giảm lượng dầu dự trữ của nước này, gây ra một cuộc tăng giá lớn, làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Ả rập cũng cho biết thêm, 5 tên thuộc một trong 3 nhóm này đã tham gia vào vụ tấn công bất thành nhằm vào cơ sở dầu lửa khổng lồ ở Abqaiq, miền đông nước này hồi tháng hai năm ngoái.

 

Một nhóm thậm chí còn lên kế hoạch lật đổ nhà Vua Abdullah bin Abdulaziz Al Saudi và đưa thủ lĩnh al-Qaeda của chúng lên thay thế nhà vua.

 

Năm 1997 cũng đã từng xảy ra vụ việc tương tự. Khi đó 1.500 chiến binh Hồi giáo do Juhayman al-Otaibi dẫn đầu đã chiếm giữ nhà thờ hồi giáo trung tâm ở thánh địa Mecca, hòng lật đổ chế độ quân chủ của Ả-rập. Tuy nhiên, cuối cùng lực lượng an ninh đã đè bẹp được phong trào của Juhayman. Song gần ba thập kỷ sau, ngọn lửa Juhayman vẫn còn âm ỉ cháy.

 

PV

Theo AP, Time