1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vợ chồng Clinton và những bất đồng chính trị

(Dân trí) - Những buổi diễn thuyết mang về những khoản thu không nhỏ cho nhà Clinton nhưng cũng là vấn đề gây đau đầu đối với bà Hillary.

Tháng 6/2007, tại một khách sạn sang trọng của New York diễn ra một cuộc họp báo có chủ đề: “Colombia Is Passion” (Colombia-Niềm đam mê), nhưng thực chất đó là bữa tiệc chào mừng vị khách mời danh dự: cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Lo lắng đến hình ảnh của bản thân cũng như muốn tìm kiếm sự hậu thuẫn cho Hiệp định mậu dịch gây nhiều tranh cãi giữa Mỹ và Colombia, chính phủ của Tổng thống Alvaro Uribe đã nảy ra ý tưởng về một chiến dịch quan hệ công chúng, với vị khách mời danh dự là cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton.

 

Theo các tài liệu vận động hành lang được trình lên Bộ tư pháp Mỹ, toàn bộ khâu quảng cáo cho sự kiện này được giao cho Burson-Marsteller, một công ty lớn trong lĩnh vực quan hệ công chúng thuộc quyền lãnh đạo của Mark Penn, cố vấn hàng đầu của bà Hillary. Mark Penn đã ký với Colombia bản hợp đồng trị giá 300.000 USD nhằm xúc tiến hiệp định mậu dịch song phương.

 

Tổng thống Uribe cũng cần cải thiện hình ảnh của ông. Một số nguồn tin nghi ngờ chính phủ của ông Uribe có quan hệ với một số nhóm bán quân sự ở Colombia, thủ phạm của các vụ tàn sát nghiệp đoàn viên tại nước này. Các nghi ngờ trên làm xói mòn sự hậu thuẫn của Quốc hội Mỹ đối với hiệp định mậu dịch tự do giữa hai nước. Tháng 4/2007, cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore từ chối tham dự một cuộc họp báo liên quan đến môi trường ở Miami với lý do tổng thống Colombia cũng có mặt tại hội nghị này.

 

Tuy nhiên, ông Bill Clinton có mối quan hệ bạn bè với ông Uribe và từ lâu vẫn lên tiếng ủng hộ hiệp định mậu dịch tự do giữa hai nước. Năm 2005, trong tour diễn thuyết tới các nước Mỹ Latinh, ông Clinton đã khen quá lời các lợi ích mà hiệp định mậu dịch tự do Mỹ-Colombia mang lại và bỏ túi 800.000 USD từ các buổi diễn thuyết.

 

Tại đại nhạc hội diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái, ông Clinton với vai trò chủ nhà đã cho chiếu một đoạn băng video, trong đó ông Uribe được miêu tả như một người anh hùng của Colombia, luôn vi hành thị sát đời sống của người dân. Ông Clinton còn giành lấy micro, ca ngợi những gì mà ông Uribe đã làm được nhằm giảm bớt bạo lực tại Colombia. Tuy không công khai quảng cáo cho hiệp định thương mại, ông Cliton thẳng thừng tuyên bố: “Chúng ta phải ủng hỗ lẫn nhau vì chúng ta là bạn bè của nhau”.

 

Vào thời điểm đó, không ai ngờ rằng sự kiện này lại trở thành một vấn đề tế nhị sau này. Trong khi ông Clinton hết sức ca ngợi tổng thống Colombia, vợ ông, bà Hillary-ứng cử viên đảng Dân chủ lại tỏ ra không khoan nhượng trong các hiệp định mậu dịch tự do với các nước Mỹ Latinh. Gần đây, trong chiến dịch vận động tranh cử nhằm lôi kéo thêm sự ủng hộ của cử tri công nhân và các nghiệp đoàn tại bang Pennsylvania, bà Hillary bày tỏ thái độ cương quyết phản đối Hiệp định mậu dịch tự do, đồng thời tố các các hành động vi phạm nhân quyền của chính phủ của ông Uribe.

 

Đầu tháng 4, các lợi ích xung đột đan chéo giữa ông Uribe, Penn và nhà Clitnon một lần nữa trở thành tiêu điểm trong chiến dịch vận động tranh cử của thượng nghị sĩ bang New York. Trong khi phóng viên của Wall Street Journal cho hay, Penn vừa có cuộc gặp với đại sứ Colombia tại Mỹ, ông này đã vội thanh minh đó là “một sai lầm về khả năng phán đoán”.

 

Người Colombia cảm thấy bị xúc phạm trước những lời lẽ trên của Penn nên lập tức cắt hợp đồng. Sau đó, Penn cũng buộc phải từ chức giám đốc chiến dịch của cựu đệ nhất phu nhân vì bà Hillary không thể sử dụng một cố vấn, người được một chính phủ nước ngoài trả tiền để xúc tiến các biện pháp chính trị đi ngược lại với các quan điểm bầu cử của chính bà. Một số thành viên của nhóm vận động lại cho rằng đây là cớ đẹp để Penn ra đi, vì lâu nay ông này luôn bị chỉ trích đã đưa ra những lời khuyên tồi tệ cho bà Hillary.

 

Không dễ dàng đối với bà Hillary khi sa thải một trong những cố vấn quan trọng và thận cận lâu năm, trong khi không thể làm thay đổi ý kiến của chồng. Phát ngôn viên Jay Carson của nhà Clinton cho hay: “Cũng giống như các cặp vợ chống khác, bà ấy không có cùng quan điểm với chồng trong vấn đề này. Tổng thống Clinton không có bất kỳ liên quan nào trong bản hợp đồng Burson hay trong các cuộc thảo luận về hợp đồng này với chính phủ Colombia”.

 

Từ khi rời Nhà Trắng năm 2001, ông Bill Clinton rong ruổi khắp thế giới kêu gọi ủng hộ quyên tiền cho quỹ từ thiện mang tên ông và có các bài diễn thuyết tại các công ty, quỹ tư nhân. Gần đây nhất, ông trở thành cố vấn cho Yucaipa, một tập đoàn đầu tư do bạn thân của ông Ronald Burkle điều hành. Thu nhập của ông Bill Clinton đã giúp nhà Clinton trở nên giàu có, chiếm tới 2/3 trong tổng số 109 triệu USD mà hai vợ chồng ông đã kiếm được từ năm 2000-2007.

 

Nhưng thu nhập của ông Clinton cũng làm phát sinh những mâu thuẫn rất khó giải quyết với vợ, không chỉ xung quanh vấn đề hiệp ước mậu dịch tự do với Colombia. Nhiều tuần gần đây, thương nghị sĩ Hillary tỏ ra không khoan nhượng với chính phủ Trung Quốc xung quanh vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và các cuộc nổi loạn ở Tây Tạng. Bà Hillary đã kêu gọi Tổng thống Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, đồng thời lên án chính sách thương mại của chính phủ Trung Quốc. Khi vận động tranh cử tại bang Indiana, bà Hillary thông báo: “Chúng ta sẽ cần phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”.

 

Ông Bill Clinton có những quan hệ riêng với Trung Quốc khi trở lại làm dân thường. Từ giữa năm 2001-2006, ông Clinton đã có 7 buổi diễn thuyết ở Trung Quốc và kiếm về 1,3 triệu USD. Năm 2002, ông Bill Clinton đọc bài diễn văn tại “hội nghị thế giới” vì “sự thống nhất hoà bình của Trung Quốc” được tổ chức tại thành phố Sydney của Australia. Sự kiện do một tổ chức đứng ra đăng cai và bị các cơ quan tình báo phương Tây nghi là có quan hệ mật thiết với chính phủ Bắc Kinh.

 

Sự xuất hiện của ông Clinton trong cuộc họp báo- với tiền thù lao 300.000 USD đã kích động sự bất bình của những người biểu tình ủng hộ Đài Loan. Phát ngôn viên Carson của bà Hillary tuyên bố: “Không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa tuyên bố cách đây 10 năm của Tổng thống Clinton với lời kêu gọi TT Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh mà bà Hillary đưa ra tuần trước. Hai vợ chồng ông Clinton là những công chức tận tuỵ, luôn cố gắng tránh các xung đột lợi ích của nhau”.

 

Khi vận động tranh cử, bà Hillary lẩn tránh trả lời các câu hỏi liên quan đến các hợp đồng thương mại của ông Clinton và tuyên bố, không ai, kể cả là chồng bà có thể buộc bà phải từ bỏ niềm tin của mình. Trong cuộc phỏng vấn đầu tháng 4, thượng nghị sĩ bang New York tuyên bố: “Tôi cương quyết phản đối hiệp định mậu dịch tự do với Colombia. Cho dù bất cứ ai nói với tôi về vấn đề này, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi đã đang và sẽ mãi phản đối hiệp định trên, bất chấp mọi thái độ thay đổi của chính phủ Colombia”.

 

Bà Hillary không nhắc tới việc chồng bà ủng hộ hiệp định trên, vì theo bà: “Mỗi người đều có quyền tự do thể hiện chính kiến của mình”.

 

Ngọc Nhàn

Theo Newsweek