1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Việt Nam sẽ là mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết rộng lớn"

(Dân trí) - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh ngày 7/11 đã có bài phát biểu tại phiên toàn thế thứ nhất Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC lần thứ 26 tại Trung tâm hội nghị quốc gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.

Trước hết, tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đặc biệt Ngài Bộ trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Cao Hổ Thành về sự đón tiếp nồng hậu cũng như những thu xếp hết sức chu đáo cho Hội nghị của chúng ta hôm nay.

Diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn APEC và 20 năm thực hiện các Mục tiêu Bô-go, Hội nghị của chúng ta có ý nghĩa rất đặc biệt. Tôi đồng tình với nhiều ý kiến được nêu tại Hội nghị và xin chia sẻ một số đánh giá sau.

Thứ nhất, cùng với những chuyển biến mang tính bước ngoặt của kinh tế thế giới và cục diện toàn cầu trong thời gian qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chúng ta đã chuyển mình căn bản. Trong đó, sự hình thành và phát triển của Diễn đàn APEC có ý nghĩa lịch sử và tầm chiến lược.

APEC luôn đi đầu khởi xướng đối thoại, hợp tác, liên kết và phát triển, là nhân tố thúc đẩy chuyển dịch trung tâm kinh tế - chính trị thế giới từ Tây sang Đông, góp phần khẳng định vai trò châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Diễn đàn của chúng ta cũng luôn tiên phong với những tầm nhìn dài hạn về tự do hóa thương mại, đầu tư và liên kết khu vực cũng như thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương. Nay APEC đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện, đổi mới, sáng tạo…, đặc biệt là trong kết nối khu vực và hình thành các thỏa thuận thương mại tự do với quy mô rộng lớn và tiêu chí cao.
 
Thứ hai, trước những chuyển dịch mạnh mẽ trong nền tảng kinh tế thế giới và các thách thức an ninh và phát triển ngày càng phức tạp, tôi đề nghị chúng ta cùng triển khai các biện pháp sau để làm sâu rộng hơn nữa liên kết khu vực và nâng cao vai trò của APEC trong cục diện mới.

Hợp tác và liên kết của APEC cần gắn bó chặt chẽ và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và ứng phó với các thách thức toàn cầu.  Bởi lẽ các thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực - nước - năng lượng, thiên tai, nhiệt độ toàn cầu gia tăng, nước biển dâng, dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố… đang trở nên phức tạp hơn, quy mô lan rộng hơn, đan xen với nhau.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược của APEC về tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện, APEC cần tiếp tục coi trọng trụ cột hợp tác kinh tế - kỹ thuật (ECOTECH), hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển. Trong giai đoạn liên kết trên tầng nấc cao hơn, nhu cầu này càng cấp thiết, do các nền kinh tế thành viên đang phát triển vẫn tiếp tục chịu tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, đồng thời hạn chế về nguồn lực trong xử lý các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới. Việc triển khai các thỏa thuận cần phù hợp với trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên.

Đồng thời, APEC cần tham gia và hỗ trợ tích cực hơn các chương trình liên kết, kết nối tiểu vùng và khu vực của các thành viên. Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ và đồng hành của nhiều thành viên APEC trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê Công. Điều này góp phần bảo đảm tình hài hòa, bổ trợ lẫn nhau giữa các cơ chế liên kết trong khu vực và đề cao vai trò của APEC ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ ba, trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ những quyết định quan trọng của Hội nghị lần này nhằm định hướng cho liên kết của APEC, đặc biệt về kết nối toàn diện, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Cùng với các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện cũng như triển vọng triển khai 15 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết rộng lớn với hầu hết các trung tâm, các nền kinh tế then chốt, trong đó có 18 nền kinh tế thành viên APEC.

Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC nỗ lực nâng tầm liên kết khu vực và đề cao vị thế của Diễn đàn trong một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng.

 PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm