1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ 63 trên thế giới

(Dân trí) - Kết quả cuộc khảo sát mức độ hạnh phúc của người dân các quốc gia trên thế giới do Liên Hợp Quốc tài trợ được công bố mới đây cho thấy, Việt Nam xếp hạng 63/156. Ngôi vị số 1 thuộc về Đan Mạch, trong khi Trung Quốc chỉ xếp hạng 93.

Thứ Hai vừa qua, Viện thế giới thuộc đại học Columbia đã công bố kết quả khảo sát “Thế giới hạnh phúc”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Kết quả cho thấy, với 5,533 điểm trên thang điểm 10, Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ 63 trong tổng số 156 quốc gia được khảo sát. Kết quả năm nay cũng cho thấy mức độ hạnh phúc cao hơn lần khảo sát trước, với điểm số tăng 0,173 điểm.

Trong khu vực Đông Nam Á, người Singapore là hạnh phúc nhất, xếp hạng 30 thế giới, tiếp đó là Thái Lan (hạng 36) và Malaysia (hạng 56). Ít hạnh phúc nhất khu vực là người Campuchia (hạng 140).

Ở tốp đầu bảng xếp hạng, Đan Mạch, Na-uy và Thụy Sỹ lần lượt chiếm lĩnh 3 vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, những nước kém hạnh phúc nhất đều tập trung ở khu vực cận Sahara của châu Phi, với Togo, Benin, Cộng hòa Trung Phi, Burundi và Rwanda. Syria, quốc gia đang xảy ra nội chiến cũng nằm trong nhóm 10 nước kém hạnh phúc nhất.

Người dân ở những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Nhật lần lượt xếp ở các hạng 17, 26 và 43 về mức độ hạnh phúc.

Sáng kiến về việc đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân các quốc gia lần đầu được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tháng 7/2011. Đến tháng 4/2012, bản báo cáo “Thế giới hạnh phúc” đầu tiên được ra mắt, dựa trên dữ liệu khảo sát của giai đoạn 2005 – 2011.

Năm nay, bản báo cáo đã có một số điều chỉnh, trong đó dữ liệu được cập nhật hơn, với giai đoạn khảo sát là từ năm 2010 đến 2012. Báo cáo được thực hiện với sự tài trợ của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, do Tổng thư ký Ban Ki-moon thành lập.

Mức độ hạnh phúc được bản báo cáo đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống (thang điểm từ 1 đến 10), tình trạng cảm xúc tích cực về ngày hôm trước (với những câu hỏi như: Hôm qua bạn có cười nhiều không? Bạn có cảm thấy vui thích không?), và tình trạng cảm xúc tiêu cực về ngày hôm trước (bạn có thấy giận dữ hay buồn phiền không).

Những câu hỏi trên được các nhà nghiên cứu đặt ra cho người dân mỗi quốc gia, với số lượng lấy mẫu là 3000 người trong thời gian 3 năm.

(Ảnh minh họa)
Bản đồ mức độ hạnh phúc của các quốc gia. Màu xanh đậm là hạnh phúc nhất, màu đỏ là ít hạnh phúc nhất

Có một chi tiết đáng chú ý là, cho dù kinh tế phát triển nhanh hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua, người Trung Quốc lại chỉ xếp hạng 93 về mức độ hạnh phúc. Ấn Độ, một quốc gia khác trong nhóm các nước đang phát triển lớn nhất (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – nhóm BRICS) thậm chí còn có chỉ số hạnh phúc thấp hơn lần khảo sát trước, giảm 0,382 điểm, xếp hạng 111.

Mức độ hạnh phúc tại các quốc gia dường như có sự tương đồng với các xu hướng xã hội trung và dài hạn, ví dụ như suy thoái toàn cầu và sự bất ổn chính trị tại một số khu vực như Trung Đông hay Trung Phi.

Trong giai đoạn 2005 – 2007 và 2010 – 2012, chỉ số hạnh phúc giảm mạnh nhất tại Trung Đông. Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng không có kết quả tốt. Trung bình, người dân ở các khu vực này đánh giá cuộc sống của họ thấp hơn khoảng 2/3 so với thời điểm trước khủng hoảng tài chính.

Bên cạnh đó, mức độ hạnh phúc cũng có sự liên hệ đến tuổi thọ và thu nhập bình quân đầu người. Dù vậy mối tương quan này cũng có khá nhiều bất ngờ. Trong khi tuổi thọ cao hơn và nhiều tiền hơn thường song hành với cảm giác hạnh phúc hơn tại các quốc gia, các yếu tố này lại không quan trọng bằng sự hỗ trợ xã hội (được các nhà nghiên cứu định nghĩa là “có ai đó để trông cậy khi gặp khó khăn”).

Bản báo cáo cũng cho thấy sự cảm nhận về tham nhũng và sự rộng lượng (được đo bằng lượng tiền làm từ thiện/tháng) phản ánh sự hạnh phúc rõ ràng hơn là GDP bình quân đầu người.

Điều này có thể giúp lí giải phần nào, vì sao người dân các nước Bắc Âu liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng. Chính sách phúc lợi xã hội tại các nước này thường mạnh mẽ hơn các quốc gia giàu có hơn ở phương Tây, và dựa trên nguyên tắc mọi công dân đều được hỗ trợ “trong trường hợp họ gặp các vấn đề xã hội như thất nghiệp, đau ốm hay không tự lo được cho bản thân”.

Thanh Tùng
Tổng hợp