1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có cán cân thương mại dương với Thụy Sĩ

An Bình

(Dân trí) - Mối quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp mà không ai có thể nghĩ đến 50 năm trước và hiện Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có cán cân thương mại dương với Thụy Sĩ.

Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có cán cân thương mại dương với Thụy Sĩ - 1

Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber.

Đó là khẳng định của Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber trong cuộc họp báo ngày 25/3 tại Hà Nội, nhằm khởi động chuỗi sự kiện đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

"Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam cùng với cam kết lâu dài của Thụy Sĩ mang lại sự hợp tác khiến tôi cảm thấy tự hào khi nhìn lại quãng thời gian qua và tự tin về tương lai", Đại sứ Sieber nói.

Thụy Sĩ là một trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1971, và đại sứ quán được mở vào năm 1973 trong một văn phòng tại khách sạn Metropole ở Hà Nội.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đã phát triển mạnh mẽ trong nửa thế kỷ qua, không chỉ trong lĩnh vực chính trị và hợp tác đa phương mà còn mở rộng sang hợp tác kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật, thương mại và đầu tư, nghiên cứu và khoa học, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước không ngừng tăng lên. Theo Đại sứ quán Thụy Sĩ, tính đến năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam đạt hơn 1,6 tỷ franc (hơn 40 nghìn tỷ đồng). Hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động tại Việt Nam.

Tham gia hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế với Việt Nam từ năm 1991, chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ 600 triệu franc (gần 15 nghìn tỷ đồng) cho phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Kể từ năm 2020, thông qua Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam, Thụy Sĩ và Việt Nam cùng tài trợ để mở rộng và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa hai nước.

Đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Đại sứ Sieber cho hay nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt, Thụy Sĩ sẽ có một chuyến thăm cấp cao sang Việt Nam vào thời điểm thích hợp trong năm nay.

Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Thụy Sĩ tại TPHCM sẽ tổ chức một loạt các sự kiện và hoạt động để đánh dấu chặng đường 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, như tổ chức một vở nhạc kịch, khánh thành Phòng Hội thảo Geneva do Thụy Sĩ tài trợ tại Học viện Ngoại giao Việt Nam… Logo kỷ niệm do Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ cùng thiết kế cũng chính thức ra mắt vào hôm nay.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao, khẳng định với mục tiêu tăng trưởng bền vững và trở thành quốc gia công nghiệp có thu nhập cao, Việt Nam mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng Thụy Sĩ, quốc gia đi đầu thế giới về sáng tạo và đổi mới, về phát triển kinh tế bền vững và về tăng trưởng xanh.

"Thương hiệu 'Swiss made' vốn là biểu tượng của chất lượng hoàn hảo của các sản phẩm Thụy Sĩ nay đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Tôi cũng hi vọng Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều thương hiệu quen thuộc tại Thụy Sĩ", ông Đinh Toàn Thắng nói.

Cũng tại buổi họp báo hôm nay, ông Marcel Reymond - Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Giám đốc Quốc gia Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho biết Thụy Sĩ sẽ tài trợ Việt Nam 70 triệu franc trong chương trình hợp tác kinh tế giai đoạn 2021-2024 và lễ công bố chương trình dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian tới.