1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam là đối tác then chốt trong chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU

Thành Đạt

(Dân trí) - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu khẳng định Việt Nam là đối tác then chốt trong Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) của Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam là đối tác then chốt trong chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU - 1

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu Myriam Ferran trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 28/5 (Ảnh: Thành Đạt).

Trong cuộc trao đổi với báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 28/5, bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu, cho biết Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) về đầu tư xanh và phát triển bền vững của Liên minh châu Âu (EU).

"Việt Nam là đối tác then chốt trong chiến lược Global Gateway tại khu vực và ASEAN", quan chức châu Âu cho biết.

Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU thúc đẩy các khoản đầu tư nhằm xử lý các thách thức toàn cầu như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giao thông bền vững, thúc đẩy nguồn nhân lực trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y tế, đảm bảo tính công bằng và mang lại lợi ích cho người dân.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu cho biết hợp tác về năng lượng là lĩnh vực cốt lõi trong chuyến công tác của bà tới Việt Nam lần này. Trong khuôn khổ Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu, EU và các đối tác G7 đang hỗ trợ triển khai dự án nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dần loại bỏ năng lượng hóa thạch, hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

"Năng lượng là lĩnh vực cốt lõi trong chuyến công tác của tôi, trong đó thúc đẩy thực hiện cơ chế Quan hệ đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chúng tôi nhấn mạnh sự đóng góp của viện trợ không hoàn lại đang là lựa chọn số một của cơ chế JETP. Cơ chế này đang huy động vốn rất lớn, 10,5 tỷ euro. Trong đó, EU và các nước thành viên đang thúc đẩy thực hiện thỏa thuận cấp vốn tổng 500 triệu euro với Việt Nam", bà Ferran cho biết thêm.

Ngoài cung cấp các khoản vay, EU cũng cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ khoản vay, lãi suất, thực hiện theo cơ chế hỗn hợp. Ngoài vốn vay chính phủ còn có huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân để bổ sung vào nguồn vốn công.

Trong giai đoạn 2021-2024, EU đã cam kết viện trợ không hoàn lại 210 triệu euro cho Việt Nam. Theo bà Ferran, con số này tuy nhỏ so với nhu cầu, nhưng tạo đòn bẩy quan trọng để thu hút nguồn vốn lớn hơn từ các khu vực khác. Tính riêng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, EU đã cam kết khoản viện trợ tương đương 140 triệu euro cho Việt Nam thông qua các dự án cải cách pháp luật, nâng cao năng lực cán bộ cho các dự án năng lượng, đầu tư hạ tầng…

Quan chức châu Âu nhấn mạnh, EU luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Đặc biệt, về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam là đối tác rất quan trọng với EU do có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới, cùng với đó là nhu cầu phát triển năng lượng gia tăng, phát thải trên đầu người tăng nhanh. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, bà Ferran sẽ tới tỉnh Ninh Thuận, thăm Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái (công suất lắp đặt 1.200 MW), một biểu tượng trong hợp tác về chuyển đổi xanh và năng lượng giữa EU và Việt Nam.

Tại Ninh Thuận, bà Ferran cũng thăm trường cao đẳng nghề, nơi đang triển khai dự án về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đánh giá kết quả việc thực hiện các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước được tài trợ bởi quỹ WARM.

Tại Hà Nội, bà Ferran sẽ tham dự lễ ký mở rộng dự án giai đoạn 2 Tuyến đường sắt đô thị số 3 mà EU hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khả thi. Bà khẳng định lĩnh vực giao thông bền vững, giao thông xanh là ưu tiên trong chiến lược phát triển hợp tác toàn cầu của EU.

Theo bà Ferran, chuyển đổi năng lượng là nội dung cốt lõi trong quá trình phát triển của Việt Nam. Bà nhận định quá trình này dù có khó khăn nhưng buộc phải diễn ra để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng cần được thúc đẩy. Bà Ferran cho rằng, chuyển đổi số giúp cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cần song hành để hỗ trợ lẫn nhau nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của Việt Nam.