1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam đã luôn ở bên tôi

Ronald Reddy từ bang Colorado và Paul Ogren từ California, hai cựu binh Mỹ từng tham gia trận đánh Chư Tan Kra ở Kon Tum năm xưa đã trở lại Việt Nam trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 này, đúng thời điểm trận đánh khi đó.

Việt Nam đã luôn ở bên tôi
Bốn cựu chiến binh và nắm đất chiến hào - nắm đất đã nhuốm bao máu của các cựu binh Việt Nam và Mỹ. (Ảnh do các CCB cung cấp)

Cái nắng cao nguyên thì giống nhau, nhưng lần này, với họ là sự hòa giải với các cựu chiến binh Việt Nam, hòa giải với chính tâm hồn họ.

Nắm đất từ chiến địa

Đây là lần thứ hai Ronald trở lại mảnh đất cách quê hương ông nửa vòng trái đất kể từ sau cuộc chiến. Còn Paul, dù muốn trở lại Việt Nam từ lâu nhưng vẫn còn e ngại bởi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Lời kể của Ronald sau lần trở lại Việt Nam năm ngoái về sự thay đổi của đất nước này, về tình cảm của người Việt Nam, nhất là của những cựu chiến binh Quân đội Bắc Việt như cách họ gọi năm xưa đã thôi thúc ông lên đường. Chính những người từng giành giật một mất một còn với Paul và Ronald ở dãy Chư Tan Kra lần này đã mời họ trở lại Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa mà hai bên cùng đổ máu.

Ronald, Paul và những cựu chiến binh Bắc Việt giờ đây là “người anh em” như lời họ nói. Ngày 26.3.2015, tròn 47 năm trận giao chiến ác liệt khi bộ đội Bắc Việt tấn công thẳng vào căn cứ Mỹ trên đỉnh Chư Tan Kra ở Sa Thầy. Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, những cựu binh đưa Ronald và Paul về thăm chiến trường, khi đó là lính Tiểu đoàn 7 - Tiểu đoàn mũ sắt gồm toàn các chàng trai Hà Nội.

Chư Tan Kra là trận thử lửa của các chàng lính trẻ. Đỉnh Chư Chok thuộc dãy Chư Tan Kra cao 1124m, ta gọi là M4, quân đội Mỹ đặt tên là Brillo Pad và dùng làm bãi đáp trực thăng. Trong số quân Mỹ chốt trên đỉnh núi có Ronald và Paul, quân đội Bắc Việt bao vây phía dưới. Trận tấn công ngày 26.3 là trận tấn công không cân sức. Lực lượng Mỹ đông hơn hẳn, có cả bộ binh, pháo binh, trinh sát, cả không quân yểm trợ. Bên ta là lính D7, lính trung đoàn 209 và lính đặc công. Mỹ rót pháo trực xạ vào lực lượng ta, máy bay oanh tạc trên đầu. Hơn 200 lính Bắc Việt đã hy sinh trong trận đó, Mỹ thương vong là 198 người. Trận này đã làm rúng động nước Mỹ, khiến phong trào phản chiến ở Mỹ dâng cao.

Một trận đánh lớn nữa ở Chư Tan Kra là trận 16.5, Mỹ mất 67 người, còn Việt Nam hy sinh 40 người. Ông Chúc, ông Đồng cùng các đồng đội đã bắt đầu một chiến dịch tìm kiếm hài cốt đồng đội cũ, và qua các đợt quy tập trong 4 năm. Họ cùng huyện đội Sa Thầy đưa về được 140 hài cốt đồng đội, giờ chủ yếu an táng ở nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy.

Với những người lính đã kinh qua bom đạn chiến trường, thì việc leo núi tìm về trận địa cũ là chuyện nhỏ, nhưng cũng khiến họ vất vả bởi họ đều đã tuổi tác. Ronald, 68 tuổi, lưng còng, chân lập cập vì vết thương năm xưa trong những trận chiến với quân Bắc Việt. “Lắm lúc bị tụt lại dưới lưng núi nhưng bảo lão chờ dưới núi, lão không chịu” - ông Đồng kể với giọng thân mật. Sự thù địch năm xưa giờ nhường chỗ cho sự hòa giải và trải nghiệm. “Paul cũng 68 tuổi như Ronald, đi khá hơn nhưng rồi cũng đuối dần. Lão nặng gần một tạ và bị tiểu đường nhưng quyết tâm lắm. Đi được 3/4 đường thì Paul bị căng cơ, chuột rút, nằm trên đám than không thể đi được nữa. Lúc này, Paul mới lôi trong ba lô của lão ra một cái lọ nhựa, nhờ các cựu binh Việt Nam lên đỉnh núi lấy cho lão một lọ đất trong hầm hào của quân Mỹ, bởi trên đỉnh núi có nhiều máu của người Mỹ và người Việt nhỏ xuống, Paul muốn có một chút đất ở nơi đó mang về”.

Chưa tự tay lấy được nắm đất ở trận địa cũ, Paul có vẻ chưa yên. Ông bảo lần sau sẽ quay lại Việt Nam, lên tận đỉnh núi Chư Chok, lấy bằng được nắm đất ấy, bởi lẽ “điều đó rất quan trọng với tôi”, Paul nói.

Còn lại với thời gian

Trở về sau chuyến đi, giữa không gian tĩnh lặng của ngôi nhà theo phong cách cổ điển bên bờ Hồ Tây, những cảm xúc của Ronald và Paul vẫn còn nguyên vẹn. Họ cùng ba cựu binh Việt Nam: Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc và Nguyễn Văn Vĩnh chuyện trò bằng ngôn ngữ cử chỉ và biểu cảm là chính, bởi không có phiên dịch, thế nhưng hai bên thật thấu hiểu nhau và lại bị cuốn vào những câu chuyện về Chư Tan Kra. Trong dòng cảm xúc trào dâng, Paul nghèn nghẹn khi nhớ về khoảng thời gian khó khăn ở năm 1968. Paul kể rằng, lúc ấy ông cùng đồng đội đang ở cách đại đội của mình 8km, xung quanh có rất nhiều lính Bắc Việt, mà họ chỉ có 4 người Mỹ và phải cố gắng lẩn trốn mũi súng đối phương.

 “Cả chúng tôi và cả họ đều không nghĩ rằng, họ sẽ sống sót trở về”, Ronald tâm sự. Cuối cùng, chỉ có mình Paul bị thương nhưng không quá nghiêm trọng. Paul mỉm cười: “Tôi sống sót vì Chúa yêu tôi”. Paul may mắn, nhưng rất nhiều người lính trẻ cả hai bên đã không được như thế. “Quá nhiều chết chóc. Tôi biết số người chết rất cao, nhưng quân đội Mỹ đã giấu giếm. Một số các chính trị gia nghĩ chiến tranh là tốt. Lẽ ra nên để họ ra trận, họ đã bỏ mặc đám thanh niên chúng tôi”.

Đôi mắt nhuốm màu thời gian của Paul đỏ hoe khi nhớ lại người phụ nữ 70 Việt Nam tuổi mà ông gặp trong lần trở lại Việt Nam này. “Ngày đầu đến Việt Nam, tôi đã gặp người chị của một liệt sĩ. Bà ấy đã mất người em trai trong cuộc chiến. Năm nay bà ấy 70 tuổi và chị gái tôi cũng vậy. Tôi hình dung nếu tôi không trở về thì chị gái tôi sẽ đau đớn thế nào. Vì thế, tôi thấu hiểu nỗi đau của bà ấy, hiểu rằng bà ấy phải khó khăn như thế nào để vượt qua mất mát này”.

Nhưng với cả Ronald và Paul, những ký ức sống mãi trong họ về Việt Nam không chỉ là sự chết chóc và bom đạn, mà lại là khoảng trời bình yên giữa những trận tấn công, là cánh rừng nhiệt đới xanh ngút ngàn và những buổi lễ đầy sắc màu và lạc quan của người Thượng.

“Tôi yêu Việt Nam ngay từ lần đầu tiên tôi đến đất nước này (tháng 2 năm 1968 - PV). Tôi và Paul sống trong rừng nhiệt đới suốt cả năm. Những người duy nhất chúng tôi nhìn thấy là những người sống trên núi và bộ đội Bắc Việt. Tôi yêu cánh rừng đó, nó rất đẹp. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy hai con hổ và rất nhiều khỉ”, cựu binh Ronald vui vẻ kể lại. Còn với Paul, điều ông nhìn thấy ở Việt Nam phía sau những trận đối đầu nảy lửa là những cánh hoa phong lan tuyệt đẹp trong cánh rừng ông ở suốt một năm, là những đứa trẻ sống trên núi vô cùng đáng yêu, ngây thơ.

Hai người cựu binh ở gần tuổi thất thập đều chia sẻ: “Chúng tôi đã có những ký ức rất đẹp như vậy ngay cả trong cuộc chiến và luôn cố gắng quên đi những ký ức đau thương. Lúc đó chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình, không hề có mục đích cá nhân. Chúng tôi cũng tôn trọng những người lính Bắc Việt. Họ thực sự rất dũng cảm”.

Những người lính già đang trầm xuống bởi dòng ký ức chiến tranh tươi vui trở lại khi cựu chiến binh Nguyễn Văn Vĩnh mang ra hai hộp quà cho hai người bạn đến từ nước Mỹ xa xôi. Đó là hai bức tượng Phật Di Lặc chạm khắc trên gốc tre. Ông Vĩnh bảo: “Tre là tượng trưng cho đất nước Việt Nam, còn ông Di Lặc được xem là sẽ mang lại may mắn và bình yên cho người sở hữu nó”. Paul và Ronald cảm kích lắm.

Trước ngày về nước, Paul đưa các cựu binh Việt Nam một dòng chữ viết tay trên mảnh giấy nhỏ: "Tôi muốn cảm ơn bạn cho tuần tuyệt vời. Việt Nam đã luôn ở bên tôi nhưng bây giờ trong một cách tích cực hơn. Tôi hy vọng bạn có thế đến California và Colorado. Cầu cho bạn khoẻ hơn".

Khép lại hành trình 6 ngày, lúc này Ronald, Paul và những cựu chiến binh Việt Nam đã thực sự coi nhau là anh em. Tất cả họ đều hiểu rằng, chiến tranh là điều tồi tệ. Chỉ có quên đi những góc tối của nó, sống với những ký ức đẹp đẽ nhất tìm thấy trong nó và sống hết mình ngày hôm nay thì mọi hận thù mới có thể được hóa giải.
 
Theo Phương Thủy