1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Viết lại Hiến pháp Syria, tương lai nào cho ông Assad?

Các nhóm đối lập Syria được nước ngoài hậu thuẫn đề nghị viết lại Hiến pháp Syria trung lập, tuyên bố chung không nhắc đến tương lai Tổng thống Assad.

Ngày 30/1, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Steffan de Mistura cho biết, các đại biểu tham dự hội nghị 2 ngày ở Sochi đồng ý thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp với 150 thành viên bao gồm cả quan chức chính phủ và các nhóm đối lập.

Tuy nhiên ông De Mistura cho rằng thỏa thuận Sochi không có giá trị, thỏa thuận cuối cùng về ủy ban soạn thảo hiến pháp sẽ đạt được trong tiến trình ngoại giao do Liên Hợp Quốc dẫn đầu ở Geneva dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an - cơ chế khung cho việc chuyển đổi chính trị ở Syria.


Hội nghị Sochi về Syria diễn ra trong hai ngày 29-30/1. Ảnh: TASS

Hội nghị Sochi về Syria diễn ra trong hai ngày 29-30/1. Ảnh: TASS

Ông Hisham Marwah, luật sư của Liên minh Syria - nhóm đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - nói rằng "một môi trường an toàn và trung lập" ở Syria là cần thiết cho việc soạn thảo và bỏ phiếu về hiến pháp mới".

Ông này bổ sung rằng, thỏa thuận Sochi vi phạm các nghị quyết trước đây của Liên Hợp Quốc cũng như kế hoạch hòa bình do Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và một số nước Arab như Iraq, Kuwait và Qatar thống nhất năm 2012, theo đó kêu gọi thành lập một cơ chế quản lý chuyển tiếp để cải cách hiến pháp.

Nhưng số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, một điểm mấu chốt trong nhiều cuộc đàm phán, lại không được nhắc đến trong tuyên bố cuối cùng ở Sochi.

Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) - nhóm đối lập chính - cáo buộc ông Assad và Nga - đồng minh chủ chốt của Syria - tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự và không chứng tỏ quan tâm đến việc đàm phán chân thành.

Phát ngôn viên Maya Alrahibi của SNC cho biết, muốn chính phủ và phe đối lập thiết lập một cơ quan quản lý chuyển giao trước.

"Trong giai đoạn chuyển tiếp này ở Syria, một ủy ban hiến pháp có thể thành lập bao gồm các thành viên được lựa chọn để đại diện cho tất cả người dân Syria" - bà Alrahibi nói. "Ủy ban hiến pháp sau đó mới soạn thảo hiến pháp mới, và thông qua sau khi đưa ra trưng cầu dân ý một cách công bằng và minh bạch".

Điểm nổi bật nhất là sau một ngày làm việc khẩn trương và khá hiệu quả, đại hội đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố chung, lời kêu gọi của các đại biểu và danh sách Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Đây cũng được đánh giá là thành công đáng kể của đại hội.

Tuyên bố chung gồm 12 điểm nêu rõ “Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái… không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính”, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, tiến hành quá trình chính trị mà theo đó, người dân Syria tự quyết định vận mệnh của mình, không có sự can thiệp từ bên ngoài và xác định tương lai của đất nước thông qua bầu cử. Đây là nội dung thể hiện quan điểm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria phải mang lại lợi ích thực chất cho người dân Syria.

Đại hội đối thoại dân tộc Syria đã kết thúc, song đây chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến hòa bình thực sự ở Syria, như khẩu hiệu của Đại hội Sochi nêu ra.

Nhưng thực tế cho thấy xung đột vẫn chưa thực sự chấm dứt trên mảnh đất Syria, vẫn còn đó vô vàn những điểm gây tranh cãi giữa các bên tham gia đàm phán. Thời gian tới, trên cơ sở kết quả đạt được tại hội nghị Sochi, Astana và Geneva, các bên liên quan sẽ tiếp tục phải đàm phán, thỏa hiệp và nhượng bộ.

Theo Đông Phong

Báo Đất việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm