1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Viễn Đông - Ưu tiên tuyệt đối của Nga trong thế kỷ 21

Nguyên Long

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Viễn Đông, cửa ngõ kết nối Nga với châu Á - Thái Bình Dương, sẽ là khu vực ưu tiên tuyệt đối của Nga trong thế kỷ 21.

Viễn Đông - Ưu tiên tuyệt đối của Nga trong thế kỷ 21 - 1

Cầu bắc qua vịnh Golden Horn ở Vladivostok, Nga ngày 11/9 (Ảnh: Reuters).

Vùng Viễn Đông rộng khoảng 6,2 triệu km2, chiếm hơn 40% diện tích Liên bang Nga nhưng dân số rất ít, chỉ khoảng 8 triệu người (chưa tới 6% dân số nước Nga). Đây là khu vực sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng phát triển lớn, đồng thời là cửa ngõ kết nối nước Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cách đây 10 năm, Nga đã xác định Viễn Đông là khu vực phát triển và đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển các dự án ở khu vực này. Trong một thập niên qua, khu vực xa xôi này của nước Nga đã thay đổi ngoạn mục với trên 125.000 việc làm được tạo ra, hàng trăm doanh nghiệp mới hoạt động, trong đó có Nhà máy xử lý khí đốt và Khu liên hợp hóa chất - khí đốt ở vùng Amur, Nhà máy phân khoáng Nakhodka và Nhà máy đóng tàu trọng tải lớn Zvezda.

Cục Hải quan Viễn Đông cho biết, kim ngạch hàng hóa qua vùng Viễn Đông đã tăng 50% trong năm 2022, dự kiến có khoảng 1,5 triệu container sẽ được nhập khẩu qua vùng này trong năm 2023.

Những con số ấn tượng trong Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 

Viễn Đông - Ưu tiên tuyệt đối của Nga trong thế kỷ 21 - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 ở Vladivostok, Nga ngày 12/9 (Ảnh: Reuters).

Từ ngày 10-13/9, thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga đã đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 (EEF-2023) với chủ đề "Con đường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng", với sự quy tụ của 7.000 đại biểu từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua EEF 2023, Nga muốn củng cố quan hệ hợp tác với các nước, nhất là những đối tác truyền thống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời cũng là dịp để đánh giá kết quả 10 năm phát triển của vùng Viễn Đông.

Trong phiên toàn thể của EEF 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, vùng Viễn Đông đóng vai trò quan trọng đối với vị thế của nước Nga trong thế giới đa cực. Năm 2022, kim ngạch thương mại của Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng 13,7% và tiếp tục tăng lên 18,3% trong nửa đầu năm 2023. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Viễn Đông vượt mức trung bình cả nước khi luôn luôn nằm trong nhóm 20 vùng có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất nước Nga trong vòng 5 năm qua.

Tổng thống Putin cũng thông báo về những dự án kinh tế khổng lồ thúc đẩy sự phát triển của khu vực này như: Đổi mới hệ thống năng lượng khu vực bằng các nguồn năng lượng sạch như thủy điện, năng lượng tái tạo, hạt nhân; kết nối tuyến đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia" với các thành phố Khabarovsk và Vladivostok cũng như với hệ thống cung cấp khí đốt duy nhất trên toàn nước Nga, tiến tới hợp nhất hệ thống chuyển tải khí đốt nối miền Tây với miền Đông nước Nga; xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia 2" giúp cung cấp khí đốt linh hoạt; xây dựng tiếp tuyến đường từ Moscow tới Kazan, kéo dài tới Yekaterinburg, Tyumen, qua đó hình thành Hành lang đường bộ từ St. Petersburg tới Vladivostok; phát triển tuyến đường vận tải biển qua Bắc Băng Dương…

Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev, Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại vùng Viễn Đông, cho biết, 3,4 nghìn tỷ rúp (gần 35 tỷ USD) đã được đầu tư vào khu vực này trong những năm qua. Khối lượng đơn hàng đăng ký vận chuyển qua Tuyến đường sắt xuyên Siberia, Tuyến đường sắt Baikal - Amur (BAM) và các cảng Viễn Đông đã tăng 75%, tương đương 100 triệu tấn.

Diễn đàn EEF 2023 đã đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng với việc ký kết 400 thỏa thuận tổng giá trị lên tới 4 nghìn tỷ rúp, đưa mức tăng trưởng đầu tư vào Viễn Đông lên mức cao chưa từng thấy. Đây là con số kỷ lục mà EEF thu được kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015.

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là dịp để Nga củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Triều Tiên. Tổng thống Putin đã gặp riêng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh, trong đó hai bên khẳng định quan hệ song phương đã đạt đến mức cao chưa từng có trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Các số liệu thống kê cho thấy, mối quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc ngày càng tăng. Đặc biệt, Trung Quốc đang hướng tới việc đạt được vị thế toàn cầu trong một thế giới đa cực và muốn thông qua Viễn Đông để thâm nhập khu vực Trung Á và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng có cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở Amur thuộc vùng Viễn Đông để trao đổi về hợp tác song phương giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Các yếu tố thúc đẩy phát triển vùng Viễn Đông

Viễn Đông - Ưu tiên tuyệt đối của Nga trong thế kỷ 21 - 3

Tổng thống Vladimir Putin gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở Amur thuộc vùng Viễn Đông ngày 13/9 (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia đánh giá, việc Nga chuyển hướng sang phía Đông càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Moscow đang phải chịu hàng loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây và xung đột với Ukraine chưa có hồi kết. Do đó, chính sách hướng Đông của Nga không chỉ nhằm ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông xa xôi mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của nước Nga. Chính vì vậy, chính phủ Nga đã có hàng loạt chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư phát triển khu vực này, từ đó tạo điều kiện để Nga kết nối và tăng cường quan hệ, mở rộng ảnh hưởng với các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một là, vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên phong phú giúp khu vực Viễn Đông trở thành điểm thu hút đầu tư và trọng tâm dịnh hướng phát triển của Nga. Khu vực này có các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng như dầu, khí đốt, kim loại quý, thủy sản..., trong đó chiếm tới một nửa diện tích rừng và vàng của nước Nga, chiếm hơn 70% tài nguyên thủy sản, kim cương và 30% titan và đồng của cả nước Nga, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành khai mỏ và các hoạt động đầu tư trong khu vực. Hơn nữa, vì có chung đường biên giới với Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác quanh Vành đai Thái Bình Dương nên vùng Viễn Đông mở ra cơ hội thuận lợi cho phát triển thương mại, đầu tư quốc tế, liên kết hậu cần, vận tải biển và vận tải hàng không, từ đó khai mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và việc làm mới trong khu vực.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Trung Á đánh giá, hậu cần là một nhân tố quan trọng trong chính sách hướng Đông của Nga. Với dự án thiết lập các hành lang hậu cần số, Nga đã xác định mục tiêu quan trọng là tăng gấp 10 lần lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đến năm 2030.

Hai là, Nga có những ưu tiên lớn về mặt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển vùng Viễn Đông. Kể từ khi Tổng thống Putin tuyên bố phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên quốc gia trong thế kỷ 21 cách đây 10 năm, Nga đã thực hiện hàng loạt các hỗ trợ về mặt lập pháp để thúc đẩy phát triển khu vực này với 75 luật liên bang, hơn 400 quyết định của chính phủ. Trong đó, Luật hecta đất miễn phí ở Viễn Đông, Luật Cảng tự do Vladivostok, Luật khu kinh tế đặc biệt tiên tiến, cơ chế visa điện tử, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác đã giúp thu hút những dự án đầu tư lớn vào khu vực này.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trong thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục thúc đẩy cải thiện các điều kiện kinh doanh ở khu vực, duy trì các điều kiện này ở mức cạnh tranh toàn cầu và cung cấp nguồn tài chính dài hạn, giá rẻ cho các dự án đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các tập đoàn sản xuất lớn; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng quy mô hệ thống năng lượng, xây dựng các tuyến hậu cần ở Viễn Đông nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Putin cũng đặt ra mục tiêu mở rộng quy mô lớn hệ thống năng lượng ở Viễn Đông với chương trình dài hạn đến năm 2050, đồng thời chỉ đạo chính phủ chuẩn bị kế hoạch phát triển và hiện đại hóa hàng không ở Viễn Đông trước ngày 1/3/2024.

Viễn Đông là khu vực có diện tích rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản phong phú, là cửa ngõ kết nối Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là đòn bẩy giúp Nga tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các nước, từ đó tạo đà thúc đẩy chiến lược xoay trục sang phương Ðông của Moscow. Tổng thống Putin khẳng định Viễn Đông sẽ là khu vực "ưu tiên tuyệt đối, ưu tiên trực tiếp của toàn bộ nước Nga trong thế kỷ 21".

Theo Modern Diplomacy